Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại với thanh niên năm 2025

24/03/2025 - 19:37

PNO - Chiều 24/3 tại Hà Nội, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Chương trình Thủ tướng Chính phủ đối thoại với 300 đại biểu thanh niên Việt Nam năm 2025 với chủ đề “Thanh niên Việt Nam tiên phong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”.

Tốp 5 doanh nghiệp của chung kết cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp sáng tạo quốc gia năm 2024. Ảnh: Bộ KH-CN
Tốp 5 doanh nghiệp của chung kết cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp sáng tạo quốc gia năm 2024. Ảnh: Bộ KH-CN

Sản phẩm khởi nghiệp được ưu tiên, tạo điều kiện thương mại hóa

Tại buổi đối thoại, anh Bùi Thế Quyền, Chủ tịch Câu lạc bộ Xúc tiến thương mại trên nền tảng số (EPC) mong Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ các giải pháp của Chính phủ để số doanh nghiệp (DN) Việt Nam đạt tiêu chí doanh nghiệp khoa học, công nghệ và số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) tăng gấp 2 lần so với năm 2020 mà chiến lược phát triển khoa học - công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo đề ra?

Với câu hỏi này, Thủ tướng ủy quyền Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Quốc Phương trả lời.

Ông Phương cho hay trong bản đồ về ĐMST và KHCN, theo đánh giá chỉ số đổi mới sáng tạo 2024, Việt Nam so với 2023 đã tăng 2 bậc, lên vị trí 44. Ông nhận định Việt Nam có thể thúc đẩy gia tăng nhanh số lượng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Ông đề cập 5 giải pháp: Hoàn thiện thể chế - đang diễn ra mạnh mẽ với rất nhiều luật đang được sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu về tăng trưởng và phát triển theo hướng đẩy mạnh KHCN, ĐMST, chuyển đổi số. Đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, KHCN và chuyển đổi số.

Giải pháp về nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao với ba trụ cột chính: thu hút nhân tài ở nước ngoài về làm việc cho Việt Nam; đào tạo trong nước qua chương trình đào tạo của các trường đại học và kết hợp với doanh nghiệp đào tạo lao động có kỹ năng để sử dụng ngay. Khuyến khích ĐMST, KHCN trong khu vực doanh nghiệp; đây là khu vực có tiềm năng lớn

Cuối cùng là tạo môi trường. Thứ trưởng Phương cho hay, Chính phủ đã có chương trình, chiến lược khuyến khích, xây dựng các môi trường, tạo cơ hội cho DN khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt là vườn ươm, trung tâm R&D, trung tâm ĐMST để tạo môi trường tốt cho thanh niên hoạt động trong khu vực này.

“Một điểm quan trọng là chính sách khuyến khích để tạo đầu ra cho DN khởi nghiệp là sản phẩm của DN được ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi nhất để tham gia thương mại hóa”, Thứ trưởng Phương nói.

Làm rõ thêm cho câu trả lời này, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Muốn phát triển doanh nghiệp mạnh hơn, nhiều hơn, trước hết phải phát triển hệ sinh thái cho các doanh nghiệp phát triển, với một số nội dung quan trọng. Theo đó, thực hiện 3 đột phá chiến lược:

1.Thể chế phải thông thoáng, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm khâu trung gian, phân cấp, phân quyền, làm sao để đăng ký doanh nghiệp đơn giản, chi phí tuân thủ giảm đi.

2.Phát triển hạ tầng chiến lược vừa tạo không gian phát triển mới, vừa tạo giá trị gia tăng mới của đất đai, tạo các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ, du lịch mới; đặc biệt là hạ tầng số, hạ tầng khoa học công nghệ, hạ tầng năng lượng… Tất cả điều này giúp giảm chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm và tạo nhu cầu phát triển doanh nghiệp.

3.Đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng suất lao động, thích ứng với các ngành mới nổi như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức… Ngoài ra, chúng ta đang xây dựng đề án phát triển kinh tế tư nhân với quan điểm kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất trong phát triển kinh tế; cởi trói cho doanh nghiệp tư nhân để phát triển; cùng với cơ chế, chính sách thì phải luật hóa.

Kết nối với đội ngũ trí thức kiều bào, các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài

Tổng bí thư Tô Lâm thăm hỏi kiều bào. Ảnh: Tuấn Việt
Tổng bí thư Tô Lâm thăm hỏi kiều bào. Ảnh: Tuấn Việt

Thiếu tá Đặng Văn Thắng, Trưởng ban Thanh niên Công an TPHCM mong Thủ tướng chia sẻ thêm những giải pháp chiến lược của Việt Nam trong việc đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học và phát triển KHCN với các quốc gia có nền KHCN phát triển, đặc biệt là chuyển đổi số trong các lĩnh vực như: Trí tuệ nhân tạo, năng lượng nguyên tử, bán dẫn…

Với câu hỏi này, Thủ tướng ủy quyền Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đánh giá các câu hỏi mà của các đại biểu thể hiện được trí tuệ, bản lĩnh, sự quan tâm rất lớn của thế hệ thanh niên đối với KHCN, chuyển đổi số, ĐMST.

Ông chia sẻ, khi tham gia các đoàn lãnh đạo cấp cao, hay cá nhân ông đi thăm và làm việc với các nước đều thấy được sự quan tâm rất lớn và đánh giá rất cao của bạn bè quốc tế đối với lực lượng trẻ của nước ta trong việc tham gia vào công cuộc đổi mới cũng như cách mạng công nghiệp, KHCN.

“Thực tế, qua các cuộc tiếp xúc, làm việc của Thủ tướng, của Tổng Bí thư và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt với cộng đồng người Việt ở nước ngoài (trong đó bao giờ cũng tiếp xúc với lực lượng trí thức kiều bào trẻ làm việc trong lĩnh vực KHCN) đã cho thấy tiềm năng cũng như những đóng góp to lớn của thế hệ thanh niên Việt Nam vào cuộc cách mạng này”, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nói.

Đồng thời khẳng định Bộ Ngoại giao coi ngoại giao khoa học công nghệ là nòng cốt trong ngoại giao kinh tế, phục vụ phát triển kinh tế của đất nước trong kỷ nguyên mới với 3 thành tố chính: Xây dựng mạng lưới đối tác toàn cầu - chúng ta đã có văn bản hợp tác với trên 100 đối tác song phương trên thế giới, tham gia vào trên 100 tổ chức quốc tế, các tổ chức, cơ quan nghiên cứu khoa học quốc tế, ký hàng trăm thỏa thuận hợp tác về KHCN.

Thời gian qua, chúng ta đã thành công trong ngoại giao KHCN, thu hút các tập đoàn lớn về khoa học công nghệ lớn trên thế giới vào làm việc tại Việt Nam.

Bên cạnh đó là kết nối đội ngũ trí thức, thanh niên trong nước với trí thức kiều bào, các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài. Phó Thủ tướng cho biết, ông rất ấn tượng với sự phát triển nhanh, mạnh của đội ngũ trí thức kiều bào; nhiều trí thức kiều bào rất trẻ, chỉ mới 28, 29 tuổi nhưng đã làm chủ các chương trình khoa học công nghệ rất lớn tại Nhật Bản, Australia, Hoa Kỳ…

Hiện nay, Thủ tướng đã giao cho Bộ Tài chính làm việc kết nối này.

Với vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng làm rõ hơn. Thủ tướng cho biết, chúng ta đang thúc đẩy hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả, trong đó có khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số như: kêu gọi, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với các cơ chế, chính sách phù hợp thì bao giờ cũng đề nghị phải đầu tư vốn, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, xây dựng hạ tầng, nâng cao năng lực quản trị… Chúng ta cũng đề nghị các nước cấp học bổng cho học sinh, sinh viên Việt Nam; xây dựng mạng lưới KHCN.

M. Tâm

 
TIN MỚI