Thủ tướng Phạm Minh Chính đăng ký hiến tạng

19/05/2024 - 14:24

PNO - Sáng 19/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng nhiều lãnh đạo bộ, ngành đã đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và nhiều lãnh đạo bộ, ngành đăng ký hiến tạng
Thủ tướng Phạm Minh Chính đăng ký hiến tạng sáng 19/5

Tại Lễ phát động chương trình đăng ký hiến tặng mô, tạng sáng 19/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ, hiến mô, tạng là một trong những món quà quý giá nhất mà một người có thể trao tặng cho người khác. Ở Việt Nam, đã có hàng ngàn người đã được ghép tạng thành công, được cứu sống nhờ sự sẻ chia, nhân ái của những tấm lòng cao đẹp.

Trong hơn 30 năm qua, Thủ tướng đánh giá, lĩnh vực ghép tạng của Việt Nam đã đạt được sự tiến bộ vượt bậc. Điều đó nhờ 3 nhân tố chủ yếu là chủ trương, đường lối, chính sách khuyến khích của Đảng, Nhà nước; sự nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế và đặc biệt là sự hy sinh cao cả của những người hiến tạng, gia đình người hiến tạng và sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân.

Ngay sau khi cùng các đại biểu phát động chương trình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cùng Chủ nhiệm Uỷ ban xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Công an Trung tướng Lê Văn Tuyến, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hoà đã đăng ký hiến tạng.

Đăng ký tiếp theo là bà Trần Thị Nhị Hà - Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội; ông Hà Anh Đức - Chánh Văn phòng Bộ Y tế cùng các đại biểu của Bộ Y tế, các, bộ, ban, ngành, đoàn thể, các bác sĩ, người nổi tiếng...

Tại buổi phát động, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam triển khai ghép tạng muộn hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á 20 năm. Thế nhưng, trong 2 năm (2022 và 2023), mỗi năm nước ta ghép hơn 1.000 ca, gồm: ghép thận, gan, tim, phổi... Việt Nam trở thành nước có số lượng ghép tạng/năm cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Đây là một điểm sáng của ngành Y, là minh chứng cho trình độ và sự phát triển của chuyên ngành ghép tạng Việt Nam.

Tuy nhiên, số lượng ca ghép tạng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ghép tạng của người bệnh. Trong số đó hơn 94% tạng ghép từ hiến sống. Bộ Y tế cho biết, Việt Nam cần tăng nguồn hiến tạng sau chết, chết não, giống như các nước phát triển.

Theo báo cáo của Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, hiện nay chỉ hơn 86.000 người đã đăng ký hiến mô tạng sau khi chết (chiếm 0,086%). Tỉ lệ đăng ký hiến mô tạng sau khi chết tại Việt Nam rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới (tỉ lệ đăng ký hiến mô tạng sau khi chết lên tới 80-90% dân số).

Trong những năm qua, Việt đã có những tiến bộ trong việc tăng nguồn hiến mô tạng từ người chết não. Trước năm 2023, chỉ có 5 bệnh viện thực hiện chẩn đoán hồi sức chết não hiến mô tạng, nhưng hiện nay với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Y tế, Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia đã triển khai thực hiện chẩn đoán chết não hiến mô tạng tại 9 bệnh viện, trong đó đã thực hiện chẩn đoán chết não hiến mô tạng tại bệnh viện tuyến tỉnh. Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo xây dựng mạng lưới bệnh viện hiến trên toàn quốc với 68 bệnh viện. Tỉ lệ người chết não hiến mô tạng năm 2023 tăng 15% so với năm 2022.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI