Cùng dự có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Phó thủ tướng Vũ Đức Đam; Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; bà Phan Lương Cầm - phu nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt...
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu mặc niệm, dâng hoa, dâng hương cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt |
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các lãnh đạo đã dâng hương, dâng hoa và mặc niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt; bày tỏ lòng tri ân công lao to lớn của ông đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, ông luôn tận trung với nước, tận hiếu với dân, sống giản dị, khiêm tốn, luôn đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, của nhân dân lên trên hết.
Được biết, khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt vừa được xếp hạng Di tích quốc gia, là một "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh Vĩnh Long.
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo đã dự lễ phát hành đặc biệt bộ tem bưu chính "Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Võ Văn Kiệt" (23/11/1922 - 23/11/2022), cùng Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ký phát hành đặc biệt bộ tem, ký lưu niệm trên tranh tem.
|
Phong bì và tem phát hành ngày đầu tiên, nhân dịp kỷ niệm 100 năm sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt |
Theo ngành chức năng, bộ tem bưu chính trên được thiết kế trên ý tưởng về hình ảnh một nhà lãnh đạo đôn hậu, kiên cường, tràn đầy năng lượng, đậm chất cách mạng, có tư duy đổi mới, sâu sát thực tiễn và hành động quyết liệt vì lợi ích nhân dân.
Với phong cách thiết kế đồ họa, mẫu tem thể hiện hình ảnh chân dung Thủ tướng sáng mãi "nụ cười Võ Văn Kiệt" cùng màu sắc rực rỡ, tươi sáng của lá cờ Tổ quốc, hình ảnh đường dây tải điện 500kV, với 3 cột trụ chính tượng trưng cho 3 miền Bắc - Trung - Nam đã làm nổi bật tinh thần dám nghĩ, dám làm, vượt mọi khó khăn, gian khổ, đưa sự nghiệp cách mạng luôn tiến lên phía trước; hình tượng bông lúa thể hiện sự ấm no, hạnh phúc.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi, động viên thầy và trò Trường THPT Nguyễn Hiếu Tự (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) chiều 22/11 |
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng đến tham quan nhà trưng bày "Vườn ông Sáu Dân" nằm trong khu lưu niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nghe thuyết minh về "Vườn ông Sáu Dân". |
Theo thuyết minh, công trình "Vườn ông Sáu Dân" đã được tỉnh Vĩnh Long, gia đình cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, các chuyên gia... ấp ủ hơn 11 tháng từ khâu lên ý tưởng, nghiên cứu, xây dựng... Qua đó, thông điệp trưng bày là "Sáu Dân - nhà cách mạng, nhà lãnh đạo mang cốt cách Nam bộ, suốt đời vì dân, vì nước, có tầm nhìn xa trông rộng, bản lĩnh kiên cường, đổi mới, sáng tạo".
Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo đã dự lễ khánh thành và bàn giao Trường THPT Nguyễn Hiếu Tự với tổng kinh phí hơn 162 tỷ đồng (diện tích 12.000m2, gồm 52 phòng học và phòng chức năng, nhà đa năng) theo tiêu chuẩn quốc gia, đáp ứng cho 1.200 học sinh địa phương.
Nhà cách mạng Nguyễn Hiếu Tự (1912 - 1941) là một nhà báo yêu nước, là người đã trực tiếp chỉ huy cuộc khởi nghĩa Nam kỳ tại tỉnh Vĩnh Long.
Đông Phong