Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Có học sinh phải có giáo viên đứng lớp”

19/08/2024 - 16:21

PNO - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, bảo đảm nguyên tắc “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp”.

Ngày 19/8, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025. Tham dự hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những thành tựu mà ngành giáo dục đã đạt được trong năm học vừa rồi, đồng thời chỉ ra những thách thức, khó khăn cũng như đề xuất nhiều nhiệm vụ quan trọng cho ngành giáo dục.

Trong đó, Thủ tướng đặc biệt quan tâm đến tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ hiện nay, ông giao nhiệm vụ cho ngành giáo dục cần xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với ngũ giáo viên phù hợp hài hòa với hoàn cảnh đất nước, với các ngành khác. "Chúng ta cần thực hiện việc tuyển dụng, cơ cấu lại đôi ngũ giáo viên theo biên chế được giao, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên của các cơ sở giáo dục, bảo đảm nguyên tắc “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp” và phù hợp, hợp lý, hiệu quả với thực tiễn" - Thủ tướng nhấn mạnh.

5 thách thức với ngành giáo dục

Chia sẻ tại hội nghị, Thủ tướng chỉ ra nhiều thách thức phát triển và nâng cao chất lượng ngành giáo dục trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, yêu cầu toàn cầu hóa hiện nay.

Thủ tướng chỉ ra 5 thách thức lớn hiện nay. Thứ nhất, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, mang lại những cơ hội thuận lợi, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức mới cho phát triển GD-ĐT.

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, những ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao, như chip bán dẫn, hydrogen, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn… đang đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trí tuệ nhân tạo (AI) tác động toàn diện tới mọi mặt trong ngành giáo dục từ chương trình giáo dục, cách tổ chức dạy và học đến cách tiếp cận học liệu, cách tiếp cận với tri thức...

Yêu cầu cấp bách nâng cao năng suất lao động để tiếp cận thị trường việc làm 4.0, gỡ bỏ rào cản để hướng tới hội nhập toàn cầu, tham gia vào chuỗi cung ứng nguồn nhân lực toàn cầu.

Năm học 2024 - 2025 kết thúc nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII; đồng thời bắt đầu triển khai thực hiện Kết luận 91 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ tại hội nghị - Ảnh: MOET
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ tại hội nghị - Ảnh: MOET

9 nhiệm vụ trọng tâm cho năm học mới

Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho năm học mới.

Đầu tiên, cần chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho năm học mới từ trường lớp học, trang thiết bị, sách giáo khoa, bảo đảm vệ sinh, an ninh, an toàn. Tổ chức tốt lễ khai giảng, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho năm học mới. Đặc biệt là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Tập trung tổ chức triển khai Kết luận 91 của Bộ Chính trị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực. Bộ GD-ĐT cần sớm xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận 91 của Bộ Chính trị, trình Chính phủ ban hành trong quý III/2024.

Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách về đổi mới GD-ĐT, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục. Bộ GD-ĐT tập trung xây dựng dự án Luật Nhà giáo trình quốc hội tại kỳ họp thứ 8; xây dựng Chiến lược phát triển GD-ĐT và các quy hoạch giáo dục, đào tạo.

Tổng kết, đánh giá toàn diện việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Trên cơ sở đó, Bộ GD-ĐT tiếp tục nghiên cứu phát triển, hoàn thiện Chương trình giáo dục phổ thông phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới.

Năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Yêu cầu Bộ GD-ĐT chủ trì, cùng các bộ, cơ quan, địa phương chuẩn bị thật kỹ để tổ chức Kỳ thi bảo đảm chất lượng, an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, thiết thực, gọn nhẹ, giảm áp lực, tạo thuận lợi nhất cho học sinh.

Đẩy mạnh tự chủ gắn với nâng cao chất lượng đào tạo đại học theo hướng thực chất, đi vào chiều sâu, gắn với trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch. Tập trung triển khai hiệu quả các chương trình, đề án, dự án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là về vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Tiếp tục tạo môi trường thuận lợi thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển GD-ĐT, bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa khu vực công và khu vực tư; thúc đẩy hợp tác công tư; đẩy mạnh giáo dục đào tạo phi lợi nhuận bậc đại học.

Tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục khuyết tật, giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm. Trong đó, đề nghị Bộ GD-ĐT, các bộ, ngành, địa phương lưu ý việc quy hoạch xây dựng, bảo đảm quỹ đất phù hợp để xây dựng trường, lớp học, đáp ứng nhu cầu học tập gắn với xu hướng đô thị hóa, dịch chuyển dân số.

Nguyễn Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI