Thủ tướng: Nhanh chóng ổn định đời sống người dân sau bão

28/09/2022 - 11:37

PNO - Sáng 28/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến đánh giá tình hình, khắc phục thiệt hại và rút kinh nghiệm công tác ứng phó với bão số 4 (bão Noru).

Cuộc họp được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở Ban Chỉ đạo tiền phương chỉ đạo ứng phó bão số 4 tại thành phố Đà Nẵng, trụ sở UBND các tỉnh, thành phố: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mặc dù bão số 4 có cường độ mạnh, đổ bộ vào đất liền vào ban đêm, nhưng nhờ sự vào cuộc, nỗ lực của các cấp, ngành và người dân nên việc phòng, chống bão đạt hiệu quả.

Thủ tướng triệu tập cuộc họp này nhằm đánh giá tình hình; dự báo diễn biến tiếp theo của bão lũ và các biện pháp phòng, chống, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; nhanh chóng ổn định đời sống, vật chất, tinh thần của nhân dân; khôi phục, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; góp khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn.

Cuộc họp nhanh nhằm đánh giá và dự báo tình hình, khắc phục hậu quả do bão gây ra và ứng phó mưa lũ, thiên tai có thể tiếp diễn sau bão, ảnh hưởng tới tính mạng, tài sản nhân dân và nhà nước; đồng thời, rút kinh nghiệm với các tình huống tương tự, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thời tiết, thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá các cơ quan, địa phương liên quan đã nỗ lực làm tốt công tác chuẩn bị và ứng phó bão - Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá các cơ quan, địa phương liên quan đã nỗ lực làm tốt công tác chuẩn bị và ứng phó bão - Ảnh: VGP

Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4, đêm 27 và sáng ngày 28/9, bão số 4 đã ảnh hưởng trực tiếp đến các địa phương khu vực Trung Bộ, gây gió cấp 10, giật cấp 14 tại đảo Lý Sơn, Cù lao Chàm; đất liền có gió cấp 6-8, giật cấp 10, lớn nhất tại Tam Kỳ (Quảng Nam) có mạnh gió cấp 9, giật cấp 13.

Bão gây mưa lớn từ 150-300 mm tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và Kon Tum, một số trạm mưa rất lớn như: Khe Tre (Thừa Thiên - Huế) 362 mm, Thượng Nhật (Thừa Thiên - Huế) 344 mm, Việt An (Quảng Nam) 628 mm, An Long (Quảng Nam) 372 mm, Lý Sơn (Quảng Ngãi) 337 mm.

Mặc dù bão số 4 là cơn bão mạnh, đi nhanh, thời gian đổ bổ vào đất liền vào ban đêm, nhưng cả hệ thống chính trị, các lực lượng và người dân đã vào cuộc khẩn trương, đồng bộ, nên đã giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.

Đại diện Tổng cục Khí tượng thủy văn cho biết, đến sáng 28/9, bão số 4 di chuyển theo hướng tây, đi sang khu vực Nam Lào, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành vùng áp thấp và tan dần; từ trưa và chiều ngày 28/9 không còn ảnh hưởng đến Việt Nam.

Tổng cục Khí tượng thủy văn cũng cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Kon Tum, đặc biệt lưu ý các huyện Hướng Hóa, Đăk Rông (Quảng Trị), Phong Điền, A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế), Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My, Hiệp Đức, Tiên Phước (Quảng Nam), Tu Mơ Rông, Konplong, Đắk Glei, Đăk Tô (Kon Tum).

Chi Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI