Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:"Sớm giảm giá heo về trên dưới 60.000 đồng/kg"

21/04/2020 - 16:14

PNO - Ngày 21/4, chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, các địa phương, cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc việc quản lý giá cả thị trường, bảo đảm đủ cung cầu các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất, đời sống, không để găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

Thực hiện ngay các giải pháp để bình ổn giá thịt heo

Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) lý giải, với khả năng sản xuất dự kiến, quý II/2020 đạt hơn 900 nghìn tấn, quý III đạt hơn 1 triệu tấn, quý IV gần 1,1 triệu tấn. Như vậy, đến quý III, IV sẽ cơ bản đáp ứng được phần lớn nhu cầu thịt heo. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, đến nay, đã nhập khẩu hơn 45.000 tấn thịt heo.

Còn theo Bộ Công Thương, giá bán lẻ thịt heo thành phẩm phụ thuộc vào giá heo hơi. Giá heo hơi càng cao, giá bán lẻ thịt thành phẩm cũng tăng cao theo tỷ lệ tương ứng. Cụ thể, giá heo hơi giai đoạn đầu tháng 4/2020 ở mức 73.000-78.000 đồng/kg, giá thịt thành phẩm tại chợ phổ biến ở mức 130.000-150.000 đồng/kg. Hiện nay, giá heo hơi ở mức 80.000-90.000 đồng/kg và giá thịt thành phẩm tại chợ phổ biến ở mức 145.000-165.000 đồng/kg.

Để giảm giá thịt heo, cho đến nay tổng các gói hỗ trợ mà Chính phủ đưa ra là khoảng 636.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% GDP. Tuy nhiên, mức chênh giữa giá thịt hơi và giá thịt thành phẩm như hiện nay vẫn là quá cao.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại cuộc họp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại cuộc họp

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, phải quản lý Nhà nước tốt hơn về vấn đề giá cả theo đúng quy định pháp luật, kiên quyết chống đầu cơ, nâng giá, phá thị trường, làm giàu bất chính. Thủ tướng nhấn mạnh, phải làm tốt 2 mặt: Tăng trưởng tốt và giá cả ổn định, bảo đảm cuộc sống nhân dân, nhất là người có hoàn cảnh khó khăn.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì cùng các Bộ NN&PTNT, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan chuẩn bị dự thảo kết luận cuộc họp của Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá. Trong kết luận này, Thủ tướng lưu ý thể hiện rõ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, giao nhiệm vụ cụ thể, có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp chậm trễ, bỏ bê, vi phạm quy định hay làm quá chậm để tình hình giá cả quá xấu.

Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện các giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để sớm giảm giá thịt heo về khoảng trên dưới 60.000 đồng/kg. Bình ổn giá gạo, giảm giá điện, giá nước, bình ổn giá đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đời sống người dân do tác động của dịch COVID-19.

Đồng thời Thủ tướng cũng giao cho Bộ NN&PTNT, Công Thương, Tài chính, Công an theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện ngay các giải pháp để bình ổn giá thịt heo, trước hết là kiểm tra giá thành, đặc biệt là các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, quy mô lớn để có biện pháp hữu hiệu. 

"Chi phí khâu trung gian là rất lớn, phải làm sao bảo đảm hài hoà lợi ích của các khâu chăn nuôi, chế biến, phân phối, lưu thông, tiêu dùng. Nếu phát hiện thao túng giá, đầu cơ, trục lợi phải xử lý theo quy định pháp luật", Thủ tướng yêu cầu.

Chính phủ đã cho nhập khẩu thịt heo để giảm giá thành mặt hàng này trong nước.
Chính phủ đã cho nhập khẩu thịt heo để giảm giá thành mặt hàng này trong nước

Đi liền với tăng nguồn cung ứng thịt heo trong nước thì tăng nhập khẩu để bảo đảm cân đối cung cầu thịt heo cả trước mắt và lâu dài. Thủ tướng cũng đề nghị tuyên truyền cho người dân thay đổi thói quen tiêu dùng. Đối với vấn đề đưa thịt heo vào danh mục hàng hoá dịch vụ thực hiện bình ổn giá, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, các bộ, ngành nghiên cứu kỹ, đánh giá rõ tác động, ảnh hưởng, có đề án cụ thể báo cáo cấp thẩm quyền theo quy định.

Kiểm soát chặt giá của nhiều mặt hàng thiết yếu

Về mặt hàng gạo, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần xuất khẩu có kiểm soát để bảo đảm an ninh lương thực và quyền lợi cho người nông dân, chấn chỉnh những lệch lạc vừa qua, xử lý nghiêm sai phạm.

Về giá xăng dầu, Bộ Công Thương chủ trì cùng các bộ khẩn trương rà soát, hoàn thiện, trình ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83 về kinh doanh xăng dầu. Các bộ, trước hết là Bộ Công Thương, Bộ Tài chính theo dõi sát diễn biến giá dầu thô, có kịch bản, phương án điều hành cụ thể giá xăng dầu kết hợp hiệu quả công cụ quỹ bình ổn giá, không để ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và mặt bằng giá nói chung.

Các Bộ Y tế, GD&ĐT, Công Thương, GT-VT, Xây dựng và các cơ quan liên quan có biện pháp cụ thể giảm giá các loại vật tư, thiết bị y tế, sách giáo khoa, giá dịch vụ vận tải, bình ổn giá vật liệu xây dựng, các loại hàng hoá thiết yếu để vừa góp phần giảm khó khăn đời sống, vừa giảm chi phí sản xuất kinh doanh, bình ổn mặt bằng giá cả thị trường.

Yêu cầu chủ tịch UBND các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng về giảm giá nước sạch theo thẩm quyền.

Về lộ trình tăng lương từ 1/7 và điều chỉnh giá các loại dịch vụ y tế (cũng từ ngày 1/7), giáo dục (từ tháng 9), Bộ Tài chính chủ trì cùng Bộ GD&ĐT, Y tế, các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, kỹ lưỡng các tác động, ảnh hưởng để báo cáo, đề xuất kịp thời cấp thẩm quyền về việc này, với tinh thần là chỉ tăng giá các dịch vụ khi đã kiểm soát được chỉ số giá, vào thời điểm thích hợp, bảo đảm không ảnh hưởng đến mục tiêu điều hành giá.

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI