Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Dịch bệnh làm chúng ta khó khăn gấp đôi nhưng chúng ta phải cố gắng gấp ba"

12/03/2020 - 16:37

PNO - Đó là phát biểu của Thủ tướng trong buổi làm việc với các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế tư nhân. Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng tuyên bố Chính phủ sẽ có những chương trình hỗ trợ doanh nghiệp một cách toàn diện, nhất là với ngành nghề bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Sáng 12/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc làm việc với các tập đoàn kinh tế tư nhân nhằm huy động hiến kế sáng tạo, chủ động và đóng góp cho kinh tế tư nhân đối với sự phát triển đất nước trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lây lan trên toàn cầu.

Tại cuộc làm việc, các doanh nghiệp cho biết rất tin tưởng vào các biện pháp của Chính phủ, nhanh chóng có kịch bản ứng phó để không bị "thất thủ" khi xảy ra dịch bệnh. Một số doanh nghiệp cho biết, hầu như đã chuyển sang làm việc online, hạn chế làm việc trực tiếp; tuyên truyền cho các công nhân lao động, trong đó có chuyên gia nước ngoài, tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch, đặc biệt là cách ly y tế.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc (Ảnh: VGP)
Toàn cảnh buổi làm việc - Ảnh: VGP

Các doanh nghiệp trong ngành du lịch là nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh cũng đồng tình với các biện pháp của Chính phủ, cho rằng việc giảm bớt luồng khách nước ngoài là cần thiết. Đó là cách để vừa chống dịch, vừa ổn định tâm lý, tạo môi trường an toàn để các du khách an tâm du lịch.

"Hiện sức nén tâm lý trong dịch rất lớn thì sau dịch, cần có biện pháp truyền thông giải tỏa tâm lý", một doanh nghiệp ngành du lịch góp ý. 

Các tập đoàn thực phẩm thì cho biết, hiện đang chạy hết công suất để cung ứng cho người dân, đây cũng là thời điểm tốt để thúc đẩy thương mại điện tử, để ngày càng nhiều người chọn cách thức mua hàng trực tuyến.

Các doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ có chính sách ưu đãi, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn như các giải pháp miễn, giảm, giãn nộp thuế, phí, thúc đẩy các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, cơ cấu lại các khoản nợ, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để khi dịch kết thúc, các doanh nghiệp có thể phát triển… 

Chia sẻ với khó khăn của các doanh nghiệp, Thủ tướng khẳng định, sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến để có chính sách tốt hơn, phù hợp hơn với tinh thần tạo mọi điều kiện, tháo gỡ khó khăn mà doanh nghiệp vấp phải.

"Tôi vừa nói với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng là giảm lãi suất và chúng ta sẽ tiếp tục kích cầu nền kinh tế với những gói phù hợp nhưng luôn luôn nhớ rằng phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố sẽ có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố sẽ có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp

Nhân dịp này, các doanh nghiệp cần tái cơ cấu, sắp xếp phù hợp, đặc biệt là quản trị tốt, ứng dụng công nghệ, tăng cường hợp tác liên kết, chia sẻ rủi ro, thậm chí chia sẻ lợi nhuận. Chính phủ sẽ cải cách mạnh mẽ hơn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn, toàn diện hơn, đặc biệt là ứng dụng những dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4 để giảm phiền hà, tạo thuận lợi cho sự phát triển.

"Chúng ta sẽ có chương trình tổng thể hỗ trợ doanh nghiệp một cách toàn diện, giảm chi phí cho doanh nghiệp, kể cả miễn, giảm thuế, phí, lãi suất vay, giãn hoãn nợ, cho chậm nộp, kể cả thuế, phí bảo hiểm, đặc biệt là những lĩnh vực ngành nghề chịu tác động nặng nề do dịch bệnh COVID-19", Thủ tướng tuyên bố.

Tuy nhiên, sự hỗ trợ này phải có chọn lọc, không cào bằng, không dàn đều. Đồng thời chuẩn bị một chương trình toàn diện, kỹ càng phục hồi kinh tế sau khi dịch kết thúc, đặc biệt những ngành nghề thiệt hại nặng cần tập trung hơn, bao gồm cả chương trình kích cầu.

Thủ tướng nhấn mạnh: "Dịch bệnh làm chúng ta khó khăn gấp đôi nhưng chúng ta phải cố gắng gấp ba. Đó là phương châm thúc đẩy phát triển của chúng ta".

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 xem lại công tác phòng dịch bảo đảm chặt chẽ nhưng linh hoạt, không cứng nhắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư quốc tế đến Việt Nam, kể cả thủ tục về thị thực nhập cảnh và những biện pháp cách ly phù hợp.

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI