Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Địa phương nào giải ngân chậm, sẽ bị cắt vốn

29/10/2020 - 10:52

PNO - “Địa phương nào không làm được thì báo cáo Thủ tướng điều chuyển vốn, cắt vốn; thậm chí sang năm 2021-2022 không bố trí vốn nữa. Phải có chế tài mạnh mẽ” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại hội nghị trực tuyến với các Bộ, ngành và địa phương về tình hình thực hiện giải ngân các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, sáng 29/10.

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành thời gian thông báo về tình hình bão lũ ở miền Trung, bao gồm tai nạn tàu thuyền trên biển, đến nay chưa tìm thấy gần 30 người và trong tối qua, xảy ra vụ sạt lở đất nghiêm trọng trên địa bàn huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, khiến hơn 50 người mất tích.

Thủ tướng cho hay: “Tối qua chúng tôi đã có biện pháp chỉ đạo rất quyết liệt, để đưa lực lượng chức năng vào tận hiện trường. 10g đêm qua, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có cuộc họp tại TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Sáng sớm nay, Phó thủ tướng đã di chuyển Sở chỉ huy tiền phương đến khu vực này, cùng lực lượng quân đội tìm kiếm bà con bị vùi lấp”. 

Hội nghị khai mạc sáng 29/10 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Hội nghị khai mạc sáng 29/10 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Liên quan đến tình hình giải ngân, theo Thủ tướng, chỉ còn hai tháng nữa là kết thúc năm 2020. Đến nay, giải ngân vốn đầu tư ngân sách Nhà nước đạt trên 60%, là mức cao nhất từ trước đến nay. Mặc dù giải ngân ODA có chuyển biến, nhưng tỉ lệ còn thấp.

“Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng giải ngân vốn thấp như vậy?” - Thủ tướng đặt vấn đề và cho rằng, nguyên nhân rõ nhất chính là giải phóng mặt bằng. Nhiều dự án kéo dài nhiều năm chưa giải phóng mặt bằng được, chủ yếu thuộc về các dự án ở cấp quận, huyện, tỉnh.

Theo Thủ tướng, vấn đề thứ hai là vốn đối ứng. Nhiều địa phương đi xin dự án ODA nhưng không bố trí vốn đối ứng cho dự án.

“Việc giải quyết thủ tục giải ngân ở địa phương còn chậm trễ, cơ quan nào gây khó khăn, phiền hà cho thủ tục ODA thì phải nói rõ” - Thủ tướng đề nghị.

Dẫn chứng thêm nguyên nhân giải ngân chậm, Thủ tướng cho rằng còn về phía chủ đầu tư, ban quản lý dự án kém năng lực, lúng túng, không có kinh nghiệm trong tổ chức thi công; việc chuẩn bị dự án còn sơ sài, đơn giản.

Tại hội nghị, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đánh giá tình hình thực hiện giải ngân các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài và thảo luận các biện pháp tháo gỡ vướng mắc, để làm sao giải quyết “3 đọng” thường thấy trong vấn đề giải ngân: vốn đọng (có tiền đó mà không tiêu được), nợ đọng (hạn mục thi công xong, đã hoàn thành nhưng không quyết toán) và thủ tục đọng (vướng mắc trong thủ tục không chịu tháo gỡ).

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính giải ngân kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài đến ngày 31-10-2020 đạt 18.089 tỉ đồng, bằng 30,15% kế hoạch Thủ tướng giao.

Mức giải ngân vốn nước ngoài đã tăng từ 21,26% trong 8 tháng lên 30,15% trong 10 tháng, cao hơn cùng kỳ năm 2019. Nếu tính theo số vốn kế hoạch năm 2020 đã điều chỉnh theo Quyết định số 1638/QĐ-TTg của Thủ tướng thì mức giải ngân này đạt trên 35%.

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI