Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Đầu tháng 8 là thời gian quyết định có bùng phát dịch quy mô lớn hay không"

03/08/2020 - 11:01

PNO - Sáng nay (3/8), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 7/2020 để thảo luận về việc thực hiện mục tiêu kép trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại nước ta.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ thời gian đầu tháng 8 là thời gian mang tính quyết định có bùng phát dịch quy mô lớn hay không. Cần dồn mọi nguồn lực xử lý kịp thời các ổ dịch, nhất là ổ dịch ở Đà Nẵng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp (Ảnh: VGP).
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP

Ngay sau khi dịch xảy ra, Thường trực Chính phủ đã có 3 phiên họp chỉ đạo công tác chống dịch trên tinh thần "thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực để xử lý triệt để các ổ dịch".

"Dịch lần 2 phức tạp, chúng ta tiếp tục coi chống dịch như chống giặc. Mỗi gia đình, thôn, bản, xóm, làng là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng chống dịch. Chúng ta đã tăng cường lực lượng cần thiết cho Đà Nẵng với hàng nghìn cán bộ y tế từ Hà Nội, TPHCM. Đà Nẵng, Quảng Nam và các địa phương có dịch đã có các biện pháp cương quyết để ngăn ngừa dịch", Thủ tướng nhận định và đánh giá cao ngành y tế, quân đội, công an đã có các biện pháp mạnh mẽ, biểu dương các chiến sĩ áo trắng, nhiều địa phương có các biện pháp sáng tạo.

Bên cạnh đó, với chủ trương lớn là không để đứt gãy nền kinh tế, Thủ tướng đề nghị thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 tại phiên họp, bên cạnh giải ngân đầu tư công, tháng 7 là tháng đầu tư FDI và đầu tư tư nhân khá tích cực, trong đó, đăng ký vốn FDI mới 7 tháng tăng 14,4%, giải ngân trên 10,1 tỷ USD.

Theo nhận định, tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp do COVID-19 gây ra. Kinh tế Mỹ trong quý II đã giảm sâu đến 33%, EU giảm đến 12,1%. Những đối tác chiến lược lớn của Việt Nam đều suy giảm rất nghiêm trọng. Tuy vậy, các tổ chức quốc tế, những định chế tài chính lớn đều đánh giá khá lạc quan về Việt Nam. Ngân hàng Thế giới nhận định, kinh tế Việt Nam dù ảnh hưởng nghiêm trọng bởi COVID-19 nhưng vẫn chịu đựng tốt và sẽ là quốc gia có tăng trưởng đứng thứ 5 trên thế giới trong năm 2020 với mức tăng 2,8% và lên 6,8% trong năm 2021. 

Toàn cảnh cuộc họp (Ảnh: VGP).
Toàn cảnh cuộc họp -Ảnh: VGP

"Tuy nhiên, khó khăn còn rất lớn. Các thành viên Chính phủ cần thảo luận thêm các biện pháp như làm sao giữ được số doanh nghiệp đăng ký mới, không đổ gãy các loại hình doanh nghiệp", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị.

Một tồn tại nữa mà Thủ tướng đề nghị thảo luận thêm đó là trong 6 tháng đầu năm 2020, đã có 30,8 triệu người bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Trong đó có 2,4 triệu lao động mất việc, tỉ lệ thất nghiệp trên cả nước tăng 2,73%; khu vực thành thị tăng 4,46%; có khoảng 17,6 triệu người giảm thu nhập do dịch COVID-19. Nếu chúng ta không quan tâm những vấn đề lao động xã hội thì tình hình sẽ trở nên phức tạp.

Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng, trưởng ngành báo cáo thêm về những vấn đề đặt ra trên các lĩnh vực về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đặc biệt trong bối cảnh COVID-19.

Về vấn đề được xã hội quân tâm đó là kỳ thi tốt nghiệp THPT, Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo thêm với Chính phủ về phương án tổ chức để có một kỳ thi tốt đẹp, an toàn, để người dân yên tâm.

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI