Với chủ đề “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, giữ vững tăng trưởng giá trị nông sản Việt giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại” được đưa ra tại hội nghị đối thoại với nông dân lần thứ 3 năm 2020 ngày 28/9, tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn lắng nghe mọi ý kiến từ nông dân để tháo gỡ những khó khăn nội tại của ngành nông nghiệp.
|
Thủ tướng thăm các gian hàng trong chương trình hội nghị |
Trước 350 nông dân có mặt tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh, đối thoại phải là thiết thực chứ không phải là hình thức. Ông khuyến khích nông dân đặt câu hỏi sát với yêu cầu thực tế, phù hợp với đặc thù sản xuất ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Chính phủ, bộ, ngành muốn nghe những tâm tư, nguyên vọng và kiến nghị với Chính phủ từ quy hoạch sản xuất, tới tiêu thụ sản phẩm.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với nông dân |
Theo Thủ tướng, dịch bệnh COVID-19 xảy ra khiến nền kinh tế cả thế giới tăng trưởng âm, nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng được, trong đó có trụ đỡ quan trọng là nông nghiệp, nông thôn. Đáng mừng là kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn đạt tới 42 tỷ USD, là một trong những nước dẫn đầu châu Á về xuất khẩu. Về nông thôn mới, chúng ta đã đạt mục tiêu hơn 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, chưa bao giờ khu vực nông nghiệp, nông thôn từ đồng bằng đến miền núi có sự tăng trưởng tốt như vậy. Có thể nói nông nghiệp thắng lợi toàn diện, số hộ thiếu đói giảm 70% so với cùng kì.
Thủ tướng mong muốn, các ngành chức năng cần phải làm thế nào phát huy hơn nữa tinh thần tự lực tự cường của nông dân; suy nghĩ phải làm gì để nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, từ đó giải quyết tốt các vấn đề ở nông thôn, nông dân, nhất là nông thôn ở miền Trung, Tây Nguyên.
|
Nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng của Tây Nguyên được trưng bày tại hội nghị |
Ông Đỗ Quý Toán (trú tại xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) đặt câu hỏi với Thủ tướng, liệu người trồng cà phê có nên theo đuổi cây trồng đã gắn bó với lịch sử, văn hóa Tây Nguyên khi mà thời gian dài qua, giá cà phê xuống rất thấp nên nông dân đã chặt bỏ cây cà phê để chuyển sang cây trồng khác? Và Chính phủ có giải pháp gì để hỗ trợ người nông dân phát triển và chế biến ngành cà phê bền vững hay chuyển đổi cây trồng khác và định hướng được cây trồng chủ lực của Tây Nguyên?
|
Ông Đỗ Quý Toán (trú tại xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) đặt câu hỏi với Thủ tướng. |
Trả lời ông Toán, Thủ tướng khẳng định, cà phê là sản phẩm chủ lực chiến lược của Việt Nam, chất lượng cà phê Việt Nam được thế giới đánh giá cao. Vì vậy, Thủ tướng khuyên bà con vẫn tiếp tục trồng cà phê. Tuy nhiên, phải quy hoạch vùng trồng cho rõ ràng. Mặt khác, nông dân không được tiếp tục phá rừng rừng tự nhiên trồng cà phê, mà phải nâng cao quy hoạch chất lượng trồng cà phê, thâm canh có chất lượng đối với cây cà phê.
Về phía Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT tiếp tục mở rộng ổn định thị trường, cấp vốn để để tái canh cà phê, nâng cao chất lượng tái canh. “Cà phê Tây Nguyên là thương hiệu quý hơn vàng, nên phải gìn giữ. Bên cạnh đó, chúng ta phải đẩy mạnh chế biến sâu. Hiện nay, tỷ lệ chế biến sâu mới đạt 12%, còn lại chủ yếu là sản xuất thô, cùng với đó quy hoạch vùng trồng nơi nào phu hợp nhất. Trách nhiệm của nông dân và doanh nghiệp là phải giữ vững thương hiệu cà phê Tây Nguyên” – Thủ tướng trả lời.
Nhiều ngư dân tại các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa đặt ra câu hỏi về giải pháp của Chính phủ để hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển, phát triển và mở rộng tiềm năng nghề nuôi biển ở nước ta? Ngư dân cũng bày tỏ mong muốn, Chính phủ sớm công bố thông tin để xác định được các vùng biển có thể khai thác, đánh bắt hải sản của mình.
Trước những thắc mắc này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho hay, dịch COVID-19 khiến tiêu thụ sản phẩm thủy sản có phần chậm lại. Suốt từ đầu năm đến nay, nhiều chuỗi liên kết, tiêu thụ nông sản bị đứt gãy. Chính phủ cũng đã yêu cầu các bộ, ngành phải có giải pháp ngay lập tức tháo gỡ khó khăn cho nông dân. Thêm vào đó, nhờ sự nỗ lực của doanh nghiệp và nông dân, sau quý II/2020, xuất khẩu thủy sản bị tắc do logistics bị tắc nghẽn đã được khơi thông.
Đến tháng 9/2020, tất cả các mặt hàng đều tăng kim ngạch xuất khẩu, riêng khối thủy sản gần cán đích 9 tỷ USD. Chúng tôi rất biểu dương doanh nghiệp kiên trì cùng bà con ngư dân gồng mình vượt qua khó khăn, vừa tăng chế biến, vừa bảo quản trong kho, chuẩn bị yếu tố thuận lợi là bung hàng. Bên cạnh đó, nông dân cùng sát cánh cùng doanh nghiệp, khai thác thủy sản, coi trọng rừng vàng, biển bạc bằng cách đẩy mạnh nuôi biển, không chỉ trông chờ vào khai thác.
“Bộ Nông nghiệp đang xây dựng chiến lược nuôi biển đến năm 2030, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 23 triệu tấn hải sản nuôi biển. Ngoài nuôi xa sẽ tập trung nuôi gần với những loài như rong, tảo, rong sụn... Đối với nuôi tôm hùm, phải sản xuất được con giống chứ không phải đi mò, đi khai thác mãi ngoài biển nữa, phát triển công nghệ để giảm đánh bắt tự nhiên. Hiện nay, Chính phủ đang có những chỉ đạo xuyên suốt, mang tính tổng thể để tạo điều kiện cho bà con có thể chủ động được con giống, thúc đẩy phát triển nuôi tôm hùm nói riêng cũng như nuôi biển nói chung” – ông Cường cho hay.
Chỉ đạo trực tiếp tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương nhanh chóng giải quyết những vướng mắc, bức xúc của bà con ngư dân, doanh nghiệp... Cần đặt ra vấn đề an toàn đối với nuôi biển, yêu cầu có những nghị định hướng dẫn ngư dân thực hiện.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giải đáp thắc mắc của nông dân, ngư dân |
“Tôi cũng muốn lưu ý phát triển nuôi biển thì phải quan tâm đến vấn đề bảo vệ tính mạng của bà con chúng ta, nuôi lồng bè nhưng khi gặp bão lớn cấp 12 thì làm thế nào? Nhà nước cần ghi nhận thông tin, đánh giá để hỗ trợ bà con ngư dân. Hiện nay chúng ta đang cố gắng gỡ thẻ vàng của EU trong việc thực hiện khai thác đánh bắt, song EU vẫn có thể rút thẻ đỏ nếu chúng ta tiếp tục đưa tàu bè xâm phạm vùng biển nước ngoài. Nếu chúng ta cứ vi phạm thì sản phẩm khai thác sẽ không xuất khẩu được. Do đó, chúng ta cần thông tin để bà con biết quy định của EU, không được xâm phạm vùng biển nước ngoài. Biểu dương một số tỉnh làm tương đối tốt, nhưng vẫn còn một số tỉnh còn tình trạng ngư dân vi phạm, ngư dân bị tàu nước ngoài đánh chìm tàu, bắt giam”, Thủ tướng nói.
Văn Nguyên