Tham dự hội nghị có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Trần Quốc Vượng - Thường trực Ban Bí thư, ông Võ Văn Thưởng - Bí thư trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo, ông Trương Hòa Bình - Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, cùng lãnh đạo các bộ, ngành, ủy ban của Quốc hội...
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp |
Theo Thủ tướng Chính phủ, năm 2018, dù bối cảnh có rất nhiều khó khăn, đặc biệt tình hình khiếu kiện kéo dài, xử lý một số vị phạm trong quá trình triển khai nhiệm vụ trước đây nhưng TP.HCM vẫn có những nỗ lực vượt qua khó khăn và đạt được nhiều kết quả nổi bật ở các chỉ tiêu quan trọng.Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao báo cáo đầy đủ của TP.HCM về kinh tế - xã hội, việc thực hiện các kết luận, chỉ thị, nghị quyết của Quốc hội, Bộ Chính trị, những kiến nghị, đề xuất của TP để các cơ quan Trung ương cùng thảo luận, tìm giải pháp tháo gỡ.
Trong đó tăng trưởng đạt 8,3%, thu ngân sách được giao ở mức cao nhưng cơ bản hoàn thành nhiệm vụ. TP.HCM là TP đông dân trong khu vực Đông Nam Á, nhưng những vấn đề về an ninh trật tự, an toàn xã hội, cũng như những vụ việc kéo dài nhiều năm được TP tập trung chỉ đạo giải quyết.
TP cũng đã triển khai các giải pháp sáng tạo trong điều hành, phát triển kinh tế. Đặc biệt TP đã có nghị quyết triển khai nhóm giải pháp mới để phát triển.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, bên cạnh những mặt đạt được vẫn còn nhiều vướng mắc cơ chế chưa được làm rõ, các cơ quan chức năng cần thảo luận cùng với TP để tháo gỡ.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân: Việc tổ chức thực hiện các nội dung Đề án theo tinh thần Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội đã có tác dụng:
1. Nâng cao tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của thành phố trong việc quyết định phân bổ ngân sách thành phố, phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án đầu tư nhóm A sử dụng ngân sách thành phố, quyết định việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, ban hành các mức phí cần thiết phù hợp với đặc điểm và nhu cầu của thành phố, làm cho các quyết định này nhanh hơn, sát thực hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả hơn.
2. Việc ủy quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, giám đốc các sở làm cho các quyết định được thực hiện gần cơ sở hơn, nhanh hơn, vì vậy có hiệu quả thực tế cao hơn.
3. Việc thực hiện thu nhập tăng thêm cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan quản lý nhà nước thành phố đã khuyến khích, tạo thêm động lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc sáng tạo, hiệu quả hơn.
4. Việc ban hành mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt đã tạo điều kiện quan trọng để thành phố thu hút đội ngũ này cho phát triển thành phố.
- Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc thành phố lãnh đạo tổ chức lấy ý kiến phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã bổ sung nhiều nội dung cụ thể, thiết thực, phù hợp với đặc thù của thành phố và tạo được sự đồng thuận của nhân dân.
|
Hạn chế khi triển khai Nghị quyết số 54:
- Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 54 của Quốc hội là vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ thực hiện. Chính vì vậy, công tác chuẩn bị, xây dựng, triển khai các nội dung đều phải thực hiện thận trọng, đảm bảo quy trình và thẩm quyền; một số nội dung có ý kiến khác nhau giữa các bộ ngành; một số vấn đề mới, phức tạp, có tác động lớn, lâu dài, khi triển khai cụ thể cần nghiên cứu kỹ trước khi xem xét, quyết định. Do đó, có những nội dung, đề án triển khai chậm so với kế hoạch dự kiến. Kết quả thực hiện Kết luận số 21 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 54 của Quốc hội đã đạt được kết quả bước đầu nhưng do thời gian áp dụng các giải pháp mới còn ngắn nên chưa tác động mạnh mẽ đến quá trình xây dựng và phát triển thành phố.
- Năng lực lãnh đạo của một bộ phận cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là khả năng phát hiện, đề ra biện pháp giải quyết các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền, trách nhiệm. Trình độ, năng lực chuyên môn, lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ thành phố vẫn chưa ngang tầm với yêu cầu của tình hình mới. Công tác cán bộ còn thiếu đồng bộ, quản lý, đánh giá cán bộ còn lúng túng, chậm, chưa thực chất.
|
TP.HCM đề xuất Bộ Chính trị - Ban Bí thư:
Hiện nay đội ngũ cán bộ đương nhiệm và quy hoạch các chức danh theo quy định của thành phố khá đông, chỉ tiêu đào tạo được phân bổ cho thành phố chưa đáp ứng yêu cầu về trang bị trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ chủ chốt TP.
Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM kiến nghị với Ban Bí thư cho phép TP được thực hiện thí điểm chủ động đào tạo lý luận chính trị trình độ cao cấp tại Học viện cán bộ TP.HCM. Đồng thời, xem xét chấp thuận mở rộng đối tượng đào tạo cao cấp lý luận chính trị đến cán bộ đương nhiệm bí thư, phó bí thư, chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn; phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo đài, nhà xuất bản; cán bộ thuộc khối nội chính (thẩm phán Tòa án nhân dân thành phố, kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân thành phố, đội trưởng, đội phó thuộc Công an thành phố và các chức danh tương đương trở lên,...).
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân
|
Mai Phan