Thủ tướng: "Người dân đã đóng bảo hiểm mà vẫn chi tiền túi hơn 40% thì phải coi lại"

21/08/2022 - 14:00

PNO - Trích dẫn số liệu báo cáo, chỉ số chi tiền túi cho y tế còn cao, ở mức trên 40%, Thủ tướng đề nghị phải xem lại để giảm con số này.

 

Thủ tướng Chính phủ đề nghị nâng chế độ đãi ngộ cho ngành y - Ảnh: Như Ý
Thủ tướng Chính phủ đề nghị nâng chế độ đãi ngộ cho ngành y - Ảnh: Như Ý

Cán bộ, nhân viên y tế trải qua nhiều khó khăn, tâm tư

Phát biểu kết luận tại hội nghị trực tuyến "Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững", Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, thời gian qua, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế đã trải qua rất nhiều khó khăn, nhiều cung bậc cảm xúc, tâm tư, tâm trạng rất khác nhau.

Hơn 2 năm qua, Việt Nam bước vào cuộc chiến chống dịch COVID-19, đây là “cuộc chiến không tiếng súng nhưng đầy cam go, vô vàn thách thức, chưa từng có tiền lệ". Hàng trăm ngàn cán bộ, nhân viên y tế không quản gian lao, ngày đêm bám trụ trên tuyến đầu, chiến đấu với dịch bệnh. Những đóng góp đó được Đảng, Nhà nước và nhân dân hết sức trân trọng, không bao giờ quên.

Bên cạnh những đóng góp ấy, Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận, ngành y tế vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm. Trước hết, hệ thống thể chế, chính sách trong lĩnh vực y tế còn bất cập, nhiều quy định chưa rõ ràng, rườm rà về thủ tục hành chính, chưa bao quát được hết các khía cạnh như trong việc mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, đầu tư…

Năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng còn hạn chế. Tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến cuối, tuyến Trung ương vẫn là vấn đề nhức nhối. Người dân vẫn chưa thật sự hài lòng với chất lượng và sự phục vụ của ngành y, nhất là y tế công lập.

Công nghiệp dược, thiết bị y tế chưa đáp ứng yêu cầu, tính chủ động chưa cao, còn phụ thuộc vào nước ngoài. Nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Thu nhập, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ y tế còn bất cập, đời sống một bộ phận cán bộ y tế còn nhiều khó khăn. Tình trạng thiếu thuốc điều trị, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế ở một số bệnh viện, địa phương chưa được xử lý dứt điểm.

Ngoài ra, nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, tiêu cực, nhất là trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi gây dư luận bức xúc trong xã hội. Giá dịch vụ y tế chậm điều chỉnh, chưa tính đủ chi phí thực tế…

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ ra nhiều cơ hội lớn để phát triển ngành y. Đó là đội ngũ 500.000 cán bộ y tế của nước ta có kiến thức rộng, chuyên môn sâu, tay nghề tốt, có tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cao, bản lĩnh vững vàng. Trình độ trong một số lĩnh vực y học của Việt Nam ngang tầm với trình độ của thế giới...

Nâng cao chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ y tế

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính động viên lực lượng y tế làm nhiệm vụ trong mùa dịch
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính động viên lực lượng y tế làm nhiệm vụ trong mùa dịch

Tại hội nghị, Thủ tướng lưu ý nhiều nội dung để ngành y tế thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, cần tiếp tục triển khai hiệu quả, đồng bộ chương trình phòng chống dịch COVID-19, tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin an toàn, khoa học, hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương rà soát, nghiên cứu, kịp thời hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách y tế cho cả trước mắt và lâu dài; bám sát thực tiễn, phát hiện nhanh các vấn đề phát sinh mà cơ chế, chính sách chưa đề cập hoặc đã có nhưng chưa theo kịp thực tiễn để đưa ra giải pháp xử lý phù hợp.

Thủ tướng nhấn mạnh, cần quan tâm động viên, nâng cao chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ y tế; tiếp tục quán triệt, thể chế hóa kịp thời quan điểm "nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt".

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp cho cán bộ ngành y tế, hạn chế tình trạng nghỉ việc, chuyển việc; các chính sách ưu đãi đặc thù ngành; các chính sách hỗ trợ học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe; chính sách về công nhận liệt sĩ khi hy sinh và có biện pháp phù hợp, hiệu quả để bảo vệ nhân viên y tế trong khi làm nhiệm vụ.

Ngành y tế cũng phải quan tâm phát triển hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng kết hợp ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ. Khẩn trương rà soát các quy định về xã hội hóa, hợp tác công - tư, phát triển y tế tư nhân; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu sớm hoàn thành phương án thực hiện chủ trương tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; tiếp tục thực hiện lộ trình về tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế gắn với giảm chi tiền túi của người dân. Thủ tướng trích dẫn một báo cáo, nhiều năm qua, chỉ số chi tiền túi cho y tế ở nước ta vẫn còn cao, ở trên 40%. “Phải giảm chi tiền túi của người dân cho y tế. Đóng bảo hiểm mà vẫn phải chi hơn 40% tiền túi thì phải xem lại vấn đề này”, Thủ tướng nói.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề cập tới hàng loạt vấn đề khác như: tiếp tục đổi mới lề lối làm việc, cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường phân cấp, phân quyền, công khai, minh bạch và chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tập trung nghiên cứu phát triển công nghiệp dược, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất thuốc, vắc xin trong nước; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đào tạo nhân lực, tham khảo các kinh nghiệm, quản lý, nhất là chuyển đổi số, phát triển công nghiệp dược…

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI