Thủ tướng nêu 5 cơ chế đặc biệt để đổi mới, phát triển khoa học công nghệ

15/02/2025 - 14:19

PNO - Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, phải có một số cơ chế đặc biệt chứ không phải đặc thù mới đổi mới, phát triển được khoa học công nghệ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi mở 5 cơ chế đặc biệt để phát triển khoa học công nghệ - ảnh: N.D.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi mở 5 cơ chế đặc biệt để phát triển khoa học công nghệ - Ảnh: N.D.

Sáng 15/2, phát biểu tại phiên thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Tổng bí thư, Chính phủ đã tranh thủ thời gian tối đa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan liên quan của Quốc hội đã rất tích cực trong việc hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội.

Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là yêu cầu khách quan. Vì vậy, việc tháo gỡ thể chế cần phải tập trung làm.

"Chính phủ đang chỉ đạo sửa một loạt các luật, song để Nghị quyết 57-NQ/TW đi vào cuộc sống ngay thì hôm nay chúng ta phải trình và thảo luận về dự thảo Nghị quyết này. Dự thảo Nghị quyết tập trung tháo gỡ các vướng mắc mà hiện nay rất cần thiết để thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW, cũng chưa bao trùm, toàn diện hết được và phải tiếp tục sửa các luật khác là vì vậy" - Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, dự thảo Nghị quyết cần bổ sung một số cơ chế đặc biệt chứ không phải đặc thù, như vậy mới làm được và thật sự đổi mới.

Thứ nhất, cần có cơ chế đặc biệt cho phát triển kết cấu hạ tầng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Hạ tầng này hiện nay rất yếu trong khi nguồn lực cần rất lớn nên phải có cơ chế để huy động nguồn lực này từ người dân, doanh nghiệp, xã hội để phát triển hạ tầng này.

Thứ hai là cơ chế đặc biệt cho quản lý, như lãnh đạo công - quản trị tư, đầu tư công - quản lý tư, đầu tư tư - sử dụng công trong các hoạt động khoa học công nghệ. Ví dụ đầu tư công - quản lý tư, đầu tư cho hạ tầng công nghệ của nhà nước nhưng giao tư nhân quản lý.

Thứ ba là cơ chế đặc biệt cho các nhà khoa học, công trình khoa học… có thể thương mại hóa được. Phải phân cấp, phân quyền cho các tỉnh, thành phố, bộ, ngành thậm chí các chủ thể liên quan, xóa bỏ xin - cho, giảm thủ tục hành chính và quản lý hiệu quả tổng thể.

Thứ tư, hiện nay dự thảo Nghị quyết mới miễn trừ trách nhiệm khi xảy ra rủi ro với người soạn thảo mà chưa đề cập tới người thực hiện.

“Trong khi đó, thực hiện mới khó. Nếu không có cơ chế đặc biệt bảo vệ người thực hiện thì lại sợ trách nhiệm, để đấy, hoặc không muốn làm vì không được bảo vệ. Phải thiết kế thêm cơ chế miễn trừ trách nhiệm với cả người thực hiện chứ không phải chỉ người thiết kế chính sách thì mới toàn diện được” - Thủ tướng nói.

Thứ năm là cơ chế đặc biệt để thu hút nguồn nhân lực nhằm phát triển doanh nghiệp tư nhân về khoa học công nghệ; thu hút nhân lực từ bên ngoài về Việt Nam để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ bằng các chính sách thuế, phí, lệ phí, nhà cửa, đất đai, visa, hợp đồng lao động…

“Chúng tôi cần nghiên cứu bổ sung những vấn đề này và mong Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ. Tất nhiên có cơ chế đặc biệt thì phải thiết kế công cụ quản lý đặc biệt để không xảy ra vi phạm và nâng cao hiệu quả, không xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí” - Thủ tướng bày tỏ.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI