Thủ tướng giao Hà Nội đánh giá kết quả thí điểm làm sạch sông Tô Lịch

12/10/2019 - 15:48

PNO - Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về Kế hoạch đánh giá thí điểm làm sạch sông Tô Lịch và một góc hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản.

Văn bản này được gửi đến UBND TP Hà Nội và Tổ chức Xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản.

Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và cảm ơn Tổ chức Xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản đã triển khai tài trợ dự án thí điểm làm sạch sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây.

Thủ tướng giao UBND Hà Nội chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng đánh giá kết quả dự án, đảm bảo khách quan, đề xuất cụ thể, xem xét nhân rộng nếu kết quả tốt, báo cáo Thủ tướng.

Thu tuong giao Ha Noi danh gia ket qua thi diem lam sach song To Lich
Thiết bị lọc nước sông Tô Lịch được các chuyên gia Nhật lắp đặt

Văn bản cũng cho biết, ngày 16/9, Tổ chức Xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản có văn bản báo cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về sơ bộ kết quả, kế hoạch đánh giá quá trình thí điểm và việc tiếp tục duy trì hệ thồng thiết bị để kiểm chứng khả năng không bị tái ô nhiểm ở khu vực thí điểm.

Dự án thí điểm này nhằm xử lý làm sạch một đoạn 300m sông Tô Lịch và một góc 1.000m2 Hồ Tây bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản.

Trước đó, ngày 16/5, TP Hà Nội khởi động dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano -Bioreactor. Sau một thời gian thí điểm, bước đầu nước sông Tô Lịch, Hồ Tây tại khu vực thí điểm có cải thiện theo chiều hướng tích cực, bớt mùi hôi và nước trong hơn.

Theo kế hoạch ban đầu, đến giữa tháng 7, đơn vị thực hiện dự án sẽ công bố kết quả. Tuy nhiên, do sự cố xả nước hồ Tây bất ngờ ngày 9/7, khiến toàn bộ kết quả thí điểm bị cuốn trôi, đơn vị thí điểm đã phải triển khai lại và vừa kết thúc đợt thí điểm thứ 2 ngày 16/9.

Trong quá trình triển khai dự án, để chứng minh việc thí điểm làm sạch đoạn sông Tô Lịch, 1 góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản đem lại hiệu quả, nguồn nước sau xử lý đạt quy chuẩn Việt Nam, ngày 8/8 chuyên gia Nhật Bản đã tắm bằng nguồn nước đã được xử lý bằng công nghệ này ở sông Tô Lịch; đến ngày 16/9, chuyên gia Nhật Bản và Việt Nam đã cùng nhau thả cá Koi Nhật Bản (cá chép Nhật Bản), cá chép đỏ Việt Nam xuống khu thí điểm ở sông Tô Lịch và Hồ Tây. 

Kết quả đến ngày hôm nay (12/10), đàn cá được thả xuống 2 khu vực trên vẫn sinh sống bình thường. 

B.T.L

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI