Thủ tướng đề xuất chưa tăng lương cơ sở, lương hưu từ 1/7/2020

20/05/2020 - 10:56

PNO - Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét chưa tăng mức lương cơ sở và lương hưu từ ngày 1/7/2020 để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo tại Quốc hội sáng 20/5
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo tại Quốc hội sáng 20/5

Việt Nam chủ động chống dịch sớm hơn khuyến cáo của WHO

Sáng 20/5, trình bày báo cáo tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong những tháng đầu năm 2020, tình hình quốc tế, trong nước có những biến động lớn, chưa từng có trong nhiều thập kỷ do tác động của đại dịch COVID-19.

Để ngăn chặn dịch bệnh, Chính phủ đã đưa ra các biện pháp ứng phó toàn diện, theo các kịch bản đã chuẩn bị, phù hợp với diễn biến tình hình. Các biện pháp được triển khai sớm hơn và cao hơn mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Cách ly và giãn cách xã hội được thực hiện kiên quyết, kịp thời đã ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Liên tục trong hơn một tháng qua, chưa có trường hợp nào lây nhiễm trong cộng đồng, các ca nhiễm gần đây đều là người Việt Nam nhập cảnh.

Việt Nam đã chủ động sản xuất sinh phẩm chẩn đoán; cập nhật, hoàn thiện phác đồ điều trị. Kết quả điều trị bệnh nhân COVID-19 rất khả quan, chữa khỏi cả những ca tuổi cao, bệnh nền rất nặng. Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia đầu tiên phân lập, nuôi cấy thành công virus SARS-CoV-2…

Về nhiệm vụ, giải pháp phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian tới, báo cáo nêu rõ: “Trên thế giới, đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến khó lường, tiếp tục lây lan với tốc độ cao. Mặc dù đã và đang kiểm soát tốt dịch bệnh, chúng ta không được chủ quan, lơ là, phải luôn đề cao cảnh giác, kiên quyết không để dịch bệnh quay trở lại.

Điểm sáng kinh tế giữa đại dịch toàn cầu

Toàn cảnh phiên họp
Toàn cảnh ngày đầu tiên làm việc của Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tác động của đại dịch COVID-19 đến nước ta là rất nghiêm trọng, do nền kinh tế hội nhập sâu rộng, độ mở lớn, tính tự chủ và khả năng chống chịu còn hạn chế.

Trong khi đó, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, mưa đá, dịch tả heo châu Phi… cũng gây thiệt hại lớn ở nhiều vùng, địa phương và tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp. Đại dịch COVID-19 đã tác động rất mạnh đến hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn ở tất cả các loại hình, quy mô doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Việt Nam đã thực hiện “mục tiêu kép” - vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì và phát triển các hoạt động kinh tế xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội…

Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, chúng ta vẫn có những điểm sáng trong phát triển kinh tế, nhất là duy trì được nền tảng vĩ mô ổn định và các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế xã hội sau dịch.

Mặc dù giảm khá mạnh so với cùng kỳ, nhưng tăng trưởng GDP quý I vẫn đạt 3,82%, thuộc nhóm cao trong khu vực và trên thế giới.

Chưa tăng lương cơ sở để có thêm nguồn lực

Liên quan tới việc xây dựng, triển khai một số cơ chế, chính sách đặc thù để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua một số chủ trương.

Cụ thể, cho phép Chính phủ chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong phạm vi dự toán chi đầu tư phát triển năm 2020. Đồng thời, thực hiện các giải pháp đặc thù để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển trong bối cảnh khó khăn.

Chuyển đổi phương thức đầu tư các dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ từ phương thức đối tác công tư sang đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, bảo đảm công khai, minh bạch, có cơ chế giám sát, quản lý hiệu quả.

Miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế, nộp ngân sách của các lĩnh vực, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch COVID-19, trong đó giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Đặc biệt, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc, trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020 để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách.

Đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc việc kéo dài thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước giai đoạn 2017 - 2020 sang năm 2021; trong năm 2021 ban hành định mức phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước cho giai đoạn 2022 - 2025 cho phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn…

Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh, chăm lo đời sống nhân dân và phát triển văn hóa, xã hội là một nhiệm vụ trọng tâm, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta.

“Càng trong điều kiện khó khăn, chúng ta càng phải thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là người có công, người nghèo, người mất việc làm, người yếu thế, không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau”.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh vào việc phát triển bền vững hơn, thực hiện hiệu quả công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Quyết tâm xây dựng hệ thống hành chính nhà nước trong sạch, vững mạnh, phục vụ người dân, doanh nghiệp; kiên quyết phòng chống tham nhũng, lãng phí.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI