Thủ tướng đề nghị nghiên cứu mở rộng chi trả bảo hiểm cho bệnh ung thư đặc thù của phụ nữ

15/10/2022 - 13:38

PNO - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị xem xét nghiên cứu mở rộng chi trả cho một số bệnh ung thư đặc thù của phụ nữ.

 

Nhiều câu hỏi đã được Thủ tướng

Nhiều câu hỏi đã được đặt ra cho Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành tại Hội nghị sáng 15/10

Đề xuất bảo hiểm chi trả chi phí sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung

Tham gia Hội nghị đối thoại với Thủ tướng Chính phủ sáng 15/10, bà Trần Thị Huyền Thương, Hội LHPN tỉnh Hưng Yên chia sẻ, các bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ có mối liên quan với chức năng sinh sản, duy trì nòi giống của người phụ nữ. Trong khi đó, khả năng chi trả điều trị của các gia đình và phụ nữ mắc ung thư còn gặp rất nhiều khó khăn. Nếu được khám, tầm soát sớm, có thể sẽ giúp quá trình điều trị cũng như giảm thiểu các chi phí cho bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, các chi phí sàng lọc sớm một số bệnh ung thư liên quan đến phụ nữ như ung thư vú, ung thư cổ tử cung... không thuộc phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế (BHYT).

“Đề nghị Chính phủ đưa chi phí tầm soát một số bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ vào danh mục chi trả của BHYT, góp phần đảm bảo mục tiêu về công tác y tế dự phòng”, bà Trần Thị Huyền Thương nói.

Liên quan tới vấn đề này, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Nghị quyết 18 của Quốc hội đã quan tâm tới các chính sách y tế dự phòng. Trong đó, Nghị quyết đã nói dành ít nhất 30% chi phí, ngân sách của y tế cho y tế dự phòng. Đây là một trong những mục tiêu cần tập trung. Hiện nay các nước dành ưu tiên cho chi phí phòng bệnh. Khi phòng bệnh tốt sẽ giảm chi phí điều trị ngay từ đầu.

Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, với phụ nữ và trẻ em gái, Việt Nam đã có nhiều chính sách liên quan. Cách đây 2 tháng, Chính phủ đã ban hành nghị quyết số 104, liên quan bổ sung phạm vi tiêm chủng mở rộng. Nghị quyết quyết định từ năm 2026 sẽ có tiêm phòng vắc xin ung thư cổ tử cung tiêm miễn phí cho trẻ em gái. 

Đối với việc sàng lọc ung thư như ung thư vú, ung thư cổ tử cung, hiện chưa nằm trong danh mục chi trả của BHYT.

“Để mở rộng phạm vi của BHYT, Chính phủ đã giao cho Bộ Y tế nghiên cứu sửa đổi Luật BHYT, trong đó hướng tới các vấn đề liên quan tới sàng lọc bệnh”, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin. 

Bộ Y tế cũng đang nghiên cứu Luật phòng bệnh, trình Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi... Với hệ thống pháp luật về y tế đang tiếp tục được hoàn thiện, Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan tin tưởng sẽ có hành lang pháp lý để chăm sóc tốt hơn với việc nâng cao chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là phụ nữ. 

Thủ tướng Chính phủ nhận định ung thư cổ tử cung và ung thư vú là hai bệnh đặc thù ở phụ nữ. Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu xem có nên có đặc thù để mở rộng chi trả bảo hiểm với hai bệnh này. 

"Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách về BHYT, thực hiện các mục tiêu về chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó có mục tiêu tăng cường sàng lọc, phát hiện sớm các bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ", Thủ tướng đề nghị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu chính sách về bảo hiểm y tế, trong đó có mục tiêu tăng cường sàng lọc, phát hiện sớm các bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ

Cần xây dựng Chương trình giáo dục làm cha mẹ tổng thế cấp Quốc gia?

Đặt câu hỏi với Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, trung tá Phạm Thu Hường, trợ lý Phụ nữ  Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho rằng, giáo dục làm cha mẹ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ em. Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam chưa có một chương trình giáo dục làm cha mẹ tổng thể mà các nội dung đang nằm ở một số chương trình, đề án, chiến lược.

Nữ đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng chương trình giáo dục làm cha mẹ tổng thể cấp quốc gia, trong đó, phân công trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan theo giai đoạn phát triển của trẻ em.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định, giáo dục làm cha mẹ là vấn đề có tầm quan trọng trong việc tham gia giáo dục thể chất, tinh thần, đạo đức, nhân cách của trẻ em. Hiện nay, Việt Nam chưa có chương trình đào tạo nào riêng, tuy nhiên nội dung này cũng đã có lồng ghép trong một số chương trình như giáo dục sinh sản, giáo dục công dân… Bộ trưởng khẳng định, sẽ phải tăng cường hơn nữa giáo dục vấn đề này. 

Về đề xuất có một chương trình làm cha mẹ tổng thể cấp quốc gia, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu ý kiến: “Để làm được cha mẹ tốt là công việc cả đời. Không phải một khóa mấy ngày có thể làm cha mẹ tốt. Cha mẹ cần hiểu biết về dinh dưỡng, chăm sóc. Đặc biệt, cha mẹ là tấm gương. Ngoài 1,6 triệu giáo viên chính thức, chúng tôi coi mấy chục triệu bậc cha mẹ là những giáo viên không có chức danh nghề nghiệp nhưng không kém phần quan trọng trong giáo dục gia đình. Lớp học lớn nhất cho quý vị làm cha mẹ là lớp học cả một cuộc đời”. 

Trao đổi về đề nghị của đại biểu, Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết để làm thế nào làm cha mẹ cho xứng đáng. Đây là nền tảng quan trọng về tinh thần và vật chất cho con em mình. Hiện, Việt Nam chưa có chương trình giáo dục làm cha mẹ nhưng trong giáo dục tổng thể có nhiều nội dung được tiếp thu kiến thức, thực hiện tốt… cũng góp phần vào kiến thức làm cha mẹ. 

Thủ tướng đồng tình với việc cần phải có nghiên cứu về chương trình này. Theo đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát chương trình hiện nay xem đã có những nội dung gì, cần gì để bổ sung thêm. Trên cơ sở đó, có tổng kết thực tiễn một cách khoa học, đưa ra các phương án như: có thể bổ sung vào chương trình đang có, hoặc nghiên cứu chương trình riêng, hoặc có các chương trình ngoại khóa. Thủ tướng nhấn mạnh, việc triển khai trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả, tránh phát sinh vấn đề khác.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI