Thủ tướng: Đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin, chú ý người cao tuổi và trẻ em

20/04/2022 - 08:49

PNO - Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin cho các đối tượng phải tiêm, đồng thời tập trung quản lý rủi ro nhất là người cao tuổi (từ 60 trở lên), người có bệnh nền, trẻ em.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 114/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp lần thứ 14 Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trực tuyến với các địa phương.

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những nước đã đạt độ bao phủ vắc xin cao nhất trên thế giới, từng bước chủ động được thuốc điều trị COVID-19 và ngày càng có thêm kinh nghiệm về phòng, chống dịch. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, bất cập cần tập trung khắc phục thời gian tới. 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 ngày 9/4/2022
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 ngày 9/4/2022

Trong đó, tốc độ tiêm vắc xin mũi 3 cho người trên 18 tuổi còn chậm chưa đạt yêu cầu của Ban chỉ đạo đề ra; vẫn có nơi, có lúc lúng túng, bị động trong tổ chức, hướng dẫn điều trị tại nhà; một số hướng dẫn chưa được cập nhật kịp thời, thiếu thống nhất.

Thiếu hụt cục bộ nhân lực ở một số địa phương khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc điều chuyển nhân lực còn bị động, lúng túng, chưa kịp thời; việc điều chỉnh, sửa đổi các hướng dẫn, biện pháp chưa thật sự kịp thời, chưa đáp ứng được với diễn biến dịch bệnh…

Về nhiệm vụ thời gian tới, thông báo nêu rõ tinh thần chung là không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác vì tình hình dịch còn diễn biến phức tạp; tiếp tục tăng cường y tế dự phòng, y tế cơ sở; đẩy mạnh hơn nữa việc tiêm vắc xin, nhất là cho trẻ em.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu triển khai nhất quán, đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ được phê duyệt tại Nghị quyết số 38/NQ-CP. Tập trung quản lý rủi ro nhất là người cao tuổi (từ 60 trở lên), người có bệnh nền, trẻ em. Rà soát, khắc phục yếu kém y tế dự phòng, y tế cơ sở để có năng lực ứng phó khi tình hình phức tạp xảy ra.

Các địa phương xây dựng kế hoạch hành động cụ thể thực hiện Chương trình; chuẩn bị nguồn lực về con người, cơ sở vật chất, vắc xin, thuốc điều trị, sinh phẩm... để ứng phó hiệu quả với tình hình dịch bệnh, nhất là các phương án cụ thể; sẵn sàng kịch bản đáp ứng cho mọi tình huống, kể cả khi xuất hiện biến chủng mới lây lan nhanh, nguy hiểm hơn.

Vắc xin là "vũ khí chiến lược", là yếu tố quyết định trong phòng, chống dịch COVID-19, nhưng có hiệu quả bảo vệ suy giảm theo thời gian. Vì vậy cần tập trung đẩy mạnh hoàn thành thần tốc hơn nữa việc tiêm vắc xin cho các đối tượng phải tiêm: hoàn thành việc tiêm vắc xin mũi 3 cho người cần tiêm trong quý II/2022.

Thủ tướng cũng lưu ý chủ động nghiên cứu, xây dựng kế hoạch tiêm mũi 4 cho các đối tượng cần tiêm, nhất là người cao tuổi (từ 60 trở lên), người có bệnh nền, công nhân trong các khu công nghiệp, người lao động ở khu đông người.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần quyết liệt hơn nữa, cụ thể hơn nữa trong việc cung ứng, nhập khẩu và tiêm vắc xin cho trẻ em.

Hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho trẻ từ 12-18 tuổi trong tháng 4/2022. Hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong quý II/2022 cho các đối tượng cần tiêm để các cháu đến trường an toàn trong các tháng học hè và bắt đầu năm học mới an toàn vào tháng 9/2022.

Xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết, triển khai nhanh hơn nữa việc cung ứng, tổ chức tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi để đạt mục tiêu đề ra trong phiên họp lần thứ 13 của Ban chỉ đạo Quốc gia.

Chi Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI