Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất cho vay

18/07/2017 - 14:28

PNO - Theo yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Ngân hàng Nhà nước phải giảm lãi suất cho vay 0,5-1%/năm và tìm giải pháp huy động USD.

Ngày 18/7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã dẫn đầu đoàn kiểm tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về tình hình thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng giao và các giải pháp góp phần bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017.

Thu tuong Chinh phu yeu cau Ngan hang Nha nuoc giam lai suat cho vay
Ngân hàng Nhà nước phải giảm lãi suất cho vay 0,5-1%/năm và tìm giải pháp huy động USD.

Ông Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu NHNN cần giải trình và đưa ra các giải pháp thực hiện tốt một số vấn đề như:

Vấn đề thứ nhất: tăng trưởng tín dụng và hạ lãi suất, giảm nợ xấu, tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển, đưa nguồn tiền vào sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện hỗ trợ cho DN.

Nghị quyết của Chính phủ đã giao NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại phấn đấu giảm lãi suất cho vay 0,5%-1%/ năm. Hiện tại, lãi suất ngắn hạn là 6%/ năm, lãi suất trung và dài hạn 9-11%/ năm.

Theo tính toán sơ bộ, dư nợ tín dụng của Việt Nam khoảng trên 5 triệu tỷ đồng, nếu giảm lãi suất 1% thì các DN dành được 50.000 tỷ đồng, cứ tính 5 đồng vốn 1 đồng lãi thì chúng ta đã có 10.000 tỷ đồng, riêng tiền thuế thu nhập DN đã có 2.000 tỷ đồng và giúp tăng 0,25% GDP. Hay nợ công trong nước hiện khoảng 1 triệu tỷ đồng, nếu giảm lãi suất 1% thì tiết kiệm từ ngân sách khoảng 10.000 tỷ đồng.

Vấn đề thứ hai là xử lý nợ xấu vì đây là vấn đề quan trọng để hạ lãi suất. Thủ tướng yêu cầu NHNN phải có giải pháp để thực hiện tốt Nghị quyết về xử lý nợ xấu đã được Quốc hội thông qua.

Vấn đề thứ ba là làm sao huy động được nguồn lực USD trong dân thay vì gửi với lãi suất 0% thì làm sao huy động nguồn lực này để hòa vào các nguồn lực khác cho đầu tư. NHNN có chủ trương quyết liệt là chống đô la hóa, nhưng trong điều kiện có thể kiểm soát thì làm sao huy động được nguồn lực này.

Cuối cùng là sở hữu chéo dù việc sở hữu chéo đã được kiểm soát tốt hơn, nhưng không phải không còn. Ví dụ trước thời điểm Thông tư 36 có hiệu lực, Vietcombank sở hữu 9,8% cổ phần MBB, 8,2% Eximbank, 5,26% SaigonBank và 4,6% OCB, đến thời điểm này Vietcombank vẫn đang nắm hơn 7,16% cổ phần MBB, 8,19% Eximbank, 5,07% OCB và 4,3% Saigonbank…

Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định đây là những vấn đề rất quan trọng mà NHNN sẽ chỉ đạo quyết liệt để triển khai.

Minh Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI