Thủ tướng Chính phủ phát động chiến dịch tiêm vắc xin xuyên tết

20/01/2022 - 11:52

PNO - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động chiến dịch tiêm vắc xin xuyên tết bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị triển khai tiêm vắc xin thần tốc để mở cửa, phát triển kinh tế (ảnh VGP)
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị triển khai tiêm vắc xin thần tốc để mở cửa, phát triển kinh tế (ảnh VGP)

Hàng ngàn nhân viên y tế xin nghỉ việc

Sáng 20/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác y tế năm 2022.

Tại cuộc họp, báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, số ca nhiễm COVID-19 trong giai đoạn vừa qua tăng rất nhanh do biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh, đột ngột, gây quá tải hệ thống y tế của một số địa phương. So với thời kỳ tháng 8, tháng 9 năm 2021, số tử vong hiện đã giảm song vẫn ở mức cao (trên 200 ca/ngày). Các trường hợp tử vong chủ yếu là người già, người có bệnh nền, trong đó phần lớn chưa được tiêm đủ vắc xin. Tại TPHCM, An Giang…, có 85% trường hợp tử vong là chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin. Cơ sở vật chất của nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gặp nhiều khó khăn, năng lực thu dung, điều trị tại một số nơi còn bất cập nhất là khi số ca bệnh nặng tăng cao.

Một số địa phương chưa chủ động trong thực hiện phương châm “4 tại chỗ” còn hạn chế về nhân lực, trang thiết bị, vật tư, thuốc. Riêng tại một số địa phương phía Nam gặp khó khăn về nhân lực điều trị bệnh nhân chuyển nặng, bệnh nhân nặng do dựa nhiều vào lực lượng hỗ trợ của trung ương nên khi các lực lượng hỗ trợ đã rút về thì gặp khó khăn, lúng túng.

Báo cáo cũng chỉ ra, qua hai năm chống dịch, nhiều cán bộ nhân viên y tế đã rất mệt mỏi do phải liên tục làm việc trong môi trường có áp lực cao và trong thời gian dài, trực tiếp đối diện với nguy cơ lây nhiễm cao bị sang chấn tâm lý, quá tải công việc... Đã ghi nhận hàng ngàn trường hợp xin nghỉ việc, thôi việc dẫn đến gia tăng nguy cơ thiếu nhân lực y tế.

Nhiều địa phương chưa triển khai sát với hướng dẫn phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2, dẫn đến người có nguy cơ cao, rất cao phải điều trị tại nhà; quản lý F0 tại nhà chưa tốt, một số trường hợp F0 tự phát hiện nhưng không báo cơ sở y tế, một số trường hợp F0 báo cáo nhưng chưa được can thiệp kịp thời.

Tiêm vắc xin là chìa khóa để “mở cửa an toàn”

Phát biểu tại Hội nghị, lấy bài học tại TPHCM, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, từ một địa phương rơi vào “vùng đỏ” đến nay TPHCM đã chuyển sang “vùng xanh”. Thậm chí, hiện thành phố đã “mở cửa” nhưng tốc độ lây lan, số ca nhiễm mới vẫn giảm mạnh. Hơn nữa, số ca chuyển nặng, tử vong cũng giảm xuống thấp nhất.

Thành quả này có được, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính là nhờ “vũ khí” vắc xin. Đến nay, TPHCM không chỉ đạt độ bao phủ tiêm 2 mũi mà cả 3 mũi và trẻ em từ 12-17 tuổi được tiêm với số lượng cao. Từ kinh nghiệm TPHCM cho thấy, các địa phương phải đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin để an toàn khi “mở cửa”.

Thủ tướng nhấn mạnh, nếu để thiếu vắc xin là trách nhiệm của Bộ Y tế. Còn khi có vắc xin nhưng không triển khai tiêm thì trách nhiệm thuộc về các địa phương. Tại Hội nghị, Thủ tướng phát động chiến dịch tiêm vắc xin xuyên tết bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Chiến dịch này bắt đầu từ 1/2 - 28/2/2021.

“Chúng ta phải tập trung thần tốc và thần tốc hơn nữa việc tiêm vắc xin để mở cửa an toàn nhằm phát triển và phục hồi kinh tế xã hội”, Thủ tướng khẳng định.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI