1/5, tại TP Hà Tĩnh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, cùng các Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Vũ Đức Đam đã làm việc với lãnh đạo các địa phương bị ảnh hưởng do hải sản chết bất thường.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận tại cuộc họp. Ảnh: CTV |
Làm rõ việc đặt ống xả thải ngầm
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, dù bất kỳ cơ quan tổ chức, cá nhân nào vi phạm pháp luật, đều phải điều tra làm rõ trên cơ sở căn cứ khoa học và xử lý nghiêm.
Về những việc làm sắp tới, Thủ tướng chỉ đạo Bộ khoa học – Công nghệ chủ trì phối hợp các cơ quan huy động các nhà khoa học, cần thiết mời chuyên gia quốc tế khẩn trương làm rõ nguyên nhân gây chết thuỷ hải sản, đảm bảo nhanh nhất, khách quan và khoa học. Từ đó, là cơ sở xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân nếu gây tác động xấu đến môi trường.
Đối với Bộ Công An, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương thu thập toàn bộ chứng cứ khoa học, nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu hình sự thì kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật, không phân biệt tổ chức, cơ quan hay cá nhân nào.
"Phải giải thích cho nhân dân hiểu rõ, không bao che những cá nhân, tổ chức gây ra vụ việc. Tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất ven biển, không được xả thải ra biển vi phạm pháp luật môi trường", Thủ tướng Chính phủ nói.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và môi trường báo cáo kiểm điểm tập thể, cá nhân liên quan việc phê duyệt cấp phép đường ống xả ngầm cho Formosa. Báo cáo, đánh giá tác động môi trường liên quan việc xả thải của công ty này đồng thời tăng cường kiểm tra kiểm soát, rà soát lại, không để tình trạng xả thải ra môi trường.
Bộ phải báo cáo việc đúng sai ống xả thải của Formosa. Bộ cũng phải có biện pháp quan trắc hiện đại và chủ động hơn để giám sát môi trường.
"Người dân cả nước đang rất quan tâm đến đường ống xả thải của Formosa, chúng ta cần làm rõ vấn đề này. Dù không kết luận nguyên nhân từ Formosa, nhưng phải làm rõ để dân hiểu", Thủ tướng nhấn mạnh.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Ngày 30/4, trả lời báo Tuổi Trẻ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Trần Hồng Hà khẳng định:
''Pháp luật VN không cho phép vì điều 101 Luật bảo vệ môi trường có hiệu lực từ năm 2015 đã thể hiện, trong đó quy định: Bất cứ đường ống nào, nhất là đường ống xả thải đều phải tạo điều kiện cho quá trình giám sát, tiếp cận, kiểm tra một cách dễ dàng''
''Tôi nhìn ra vấn đề nếu để đường ống ngầm thì rất khó giám sát, rất khó kiểm tra. Vì vậy, trước mắt tôi đã chỉ đạo rõ, ngay tới đây Formosa phải đưa đường ống ngầm này lên để thuận tiện cho việc theo dõi, giám sát. Luật quy định đường ống phải đảm bảo thật sự thuận lợi cho các cơ quan kiểm tra, như vậy không thể để ngầm được'' Bộ trưởng Hà quả quyết.
Trả lời câu hỏi về việc vì sao luật không cho phép đặt ống xả thải ngầm mà Bộ lại chấp thuận, Bộ trưởng cho hay: ''Tôi đang chỉ đạo kiểm tra và làm rõ việc này. Trước mắt những cái gì chưa phù hợp phải sửa ngay. Còn việc kiểm tra, rà soát xem vì sao thời điểm trước chấp thuận, trách nhiệm thế nào, lý do vì sao chấp thuận, tôi đã chỉ đạo làm rõ và sẽ tiếp tục xem xét trong thời gian tới''
Trong khi đó, trao đổi với báo Đất Việt, các Sở, ban ngành của tỉnh Hà Tĩnh đều khẳng định không liên quan sau khi Formosa xây dựng đường ống xả thải ngầm dưới biển bị phát hiện.
Ông Nguyễn Lam Sơn, Phó Giám đốc Sở TN-MT Hà Tĩnh một mực khẳng định: “Cái này cần phải hỏi Bộ Tài nguyên Môi trường vì Bộ cấp phép. Chúng tôi không biết việc này”
Cùng quan điểm, ông Trần Hậu Thành, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Tĩnh cho rằng cần phải hỏi cấp cao hơn là Bộ TN-MT.
Về phía ban quản lý, ông Nguyễn Văn Khoa, Phó Trưởng ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh khẳng định: “Việc xây dựng của Formosa chúng tôi không biết. Những cái đó thì tỉnh sẽ quản lý. Sở Xây dựng làm sao mà giao quyền cho Ban quản lý dự án được? Tỉnh sẽ chỉ đạo chung còn Ban quản lý chỉ một phần nào thôi”
Nêu quan điểm về vụ việc Formosa đặt ống xả thải ngầm dưới biển, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhấn mạnh:
“Hiện nay chưa thể kết luận được đường ống của Formosa có thật sự là nguyên nhân gây ra việc cá chết hay không, có thể còn nhiều tác động bên ngoài khác. Nhưng việc cần làm ngay lúc này là cần sớm trả lời được câu hỏi của dư luận.
Tôi thấy tình trạng hiện nay giống như người ta nói một mâm cơm giờ mấy Bộ liền. Làm thế để đùn đẩy công việc, trách nhiệm cho nhau chứ không hiệu quả”
Hoàng Hải (Tổng hợp)