Thủ tướng chỉ đạo không tăng giá sách bất hợp lý trước thềm năm học mới

16/08/2023 - 20:44

PNO - Thủ tướng Chính phủ đề nghị các địa phương rà soát, không được để thiếu, chậm hay tăng giá sách giáo khoa bất hợp lý trước thềm năm học mới.

 

Thủ tướng đề nghị rà soát

Thủ tướng đề nghị không để thiếu sách trước thềm năm học mới, có phương án hỗ trợ cho học sinh nghèo, cận nghèo, vùng sâu vùng xa...

Ngày 16/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có công điện yêu cầu các Bộ liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố bảo đảm sách giáo khoa và giáo viên kịp thời cho năm học 2023 – 2024.

Để đảm bảo điều kiện triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 hiệu quả, chất lượng đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa thực hiện rà soát, biên soạn theo quy trình, đấu thầu rộng rãi, công khai, minh bạch...

“Việc in, phát hành sách giáo khoa bảo đảm tăng chất lượng, giảm giá thành; thực hiện ngay kiểm tra, giám sát việc tổ chức biên soạn, đấu thầu, in và phát hành sách giáo khoa”, công điện nêu rõ.

Thủ tướng chỉ đạo các địa phương tăng cường trách nhiệm về việc rà soát công tác biên soạn, lựa chọn, cung ứng, sử dụng sách giáo khoa, tài liệu giáo dục của địa phương, tài liệu tham khảo theo đúng quy định. Thú tướng đề nghị có phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho các đối tượng học sinh hộ nghèo, cận nghèo, học sinh thuộc đối tượng chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm đầy đủ, thuận lợi trước thềm năm học mới.

Bộ GD-ĐT cần phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo tổ chức tuyển dụng giáo viên, thực hiện rà soát, cơ cấu lại, bố trí, sử dụng giáo viên bảo đảm đủ giáo viên dạy đúng, đủ các môn học theo quy định. Phương án điều chuyển, biệt phái giáo viên phải linh hoạt, đảm bảo từ nơi thừa sang nơi thiếu’’chủ động xây dựng các phương án để có nguồn tuyển dụng giáo viên kịp thời, phù hợp, hiệu quả với điều kiện cụ thể tại địa phương.

Đặc biệt, Bộ GD-ĐT khắc phục hạn chế tại Báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, trong đó có việc chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của Nhà nước.

Thủ tướng cũng giao Bộ Nội vụ kiểm tra, đôn đốc các địa phương khẩn trương thực hiện việc cơ cấu lại, sắp xếp, tuyển dụng giáo viên, bảo đảm về số lượng và chất lượng. Trong trường hợp chưa thể bố trí đủ giáo viên theo định mức, bảo đảm thực hiện chủ trương "có học sinh, phải có giáo viên đứng lớp" phù hợp, hiệu quả”.

Bộ Tài chính có trách nhiệm kiểm tra địa phương thực hiện bảo đảm mức chi tối thiểu 20% ngân sách địa phương cho giáo dục theo quy định của Luật Giáo dục 2019 và Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ.

Trước thềm năm học mới, Thủ tướng chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, kiểm tra, đôn đốc đảm bảo đủ cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục trước thềm năm học mới; khẩn trương xây dựng kế hoạch, tuyển dụng số biên chế được giao theo quy định.

“Các địa phương phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức việc cung ứng sách giáo khoa trên địa bàn, bảo đảm chất lượng; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chậm, thiếu sách giáo khoa hoặc tăng giá bất hợp lý trước khi khai giảng năm học mới”, Thủ tướng lưu ý.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI