Thủ tướng cấm cứ cấm, địa phương cứ ngăn

14/09/2020 - 20:06

PNO - Quyết liệt phòng chống dịch là điều tốt, nhưng quyết liệt đến mức cực đoan như Huế thì lại thành gây phiền nhiễu, hoang mang, tốn kém cho dân.

Thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ về đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 đồng thời phát triển kinh tế, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã lần lượt dỡ bỏ các hạn chế đi lại, cho phép mở lại nhiều hoạt động kinh doanh, kể cả các hoạt động không thiết yếu, bên cạnh yêu cầu tăng cường phòng chống dịch.

Trong khi các tỉnh thành đã mở cửa với nhau, Thừa Thiên - Huế vẫn đang áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ công dân từ láng giềng Đà Nẵng - Ảnh: Dũng Minh
Trong khi các tỉnh thành đã mở cửa với nhau, Thừa Thiên - Huế vẫn đang áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ công dân từ láng giềng Đà Nẵng - Ảnh: Dũng Minh

Nằm cạnh tâm dịch của đợt COVID-19 thứ 2 tại Việt Nam, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cực kỳ quyết liệt trong việc ngăn không để dịch bệnh xâm nhập địa phương. Các chốt kiểm tra được dựng lên, ngăn không để người từ Đà Nẵng đến (hoặc đi qua) Huế trong những ngày dịch bệnh bùng phát. Thậm chí đến hôm nay, người từ Đà Nẵng muốn đến Huế vẫn phải đăng ký qua mạng, cầm kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ (và phải xét nghiệm bằng phương thức Realtime RT-PCR) đến trình tại chốt kiểm tra mới được phép vào Huế trong 72 giờ. Muốn ở lại thêm 72 giờ, người Đà Nẵng phải tiếp tục làm xét nghiệm và phải tiếp tục có kết quả âm tính...

Đáng chú ý là, ngày 14/9, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; theo đó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nghiêm cấm các địa phương áp dụng các biện pháp phòng dịch có tính chất “ngăn sông, cấm chợ”. Thủ tướng chỉ đạo không đòi phải có xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người đến từ địa phương đã hết dịch trong cộng đồng, chỉ xét nghiệm đối với người có biểu hiện ho, sốt. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố rà soát và bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp.

Trước thắc mắc về việc liệu Thừa Thiên - Huế có làm trái chỉ đạo của Chính phủ khi vẫn buộc người dân từ Đà Nẵng phải đăng ký, phải có xét nghiệm âm tính, ông Nguyễn Đình Bách - Phó chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, cho đến nay, các tỉnh thành như Đà Nẵng, Hải Dương vẫn chưa phải là các địa phương đã hết dịch, chưa được công bố hết dịch. Dẫn Quyết định 07/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ông Bách xác nhận Đà Nẵng, Hải Dương chưa qua hạn 28 ngày không có bệnh nhân mới mắc COVID-19.

Nếu thuần túy chiếu theo các quy định thì động tác hạn chế cư dân từ Đà Nẵng của Huế không có gì sai. Như lời Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ trả lời phóng viên báo Phụ Nữ TPHCM thì Thủ tướng yêu cầu tháo dỡ giới hạn đối với địa phương đã công bố hết dịch; trong khi Quảng Nam kể từ ngày 15/9 mới xong 28 ngày, Đà Nẵng mới ngày thứ 12.

Nhìn từ góc độ của một địa phương mong muốn không có ca bệnh nào xảy ra trên địa bàn của mình thì sự cứng rắn của Huế cũng có thể hiểu và chia sẻ được. Nhưng buộc người dân phải xét nghiệm khẳng định (phương pháp RT-PCR hiện được xem là phương pháp xét nghiệm chính xác nhất, chi phí cao hơn phương thức test nhanh) chỉ để được đến Huế trong 72 giờ e có phần quá cực đoan, gây tốn kém cho người dân lẫn hao hụt nguồn lực về xét nghiệm, nhất là khi người dân bị yêu cầu phải xét nghiệm lại sau mỗi 72 giờ để tiếp tục được lưu trú.

Không ai nói Huế chỉ muốn bảo vệ thành tích chống dịch, cũng không ai bảo Huế hoảng sợ trước COVID-19. Trong những ngày dịch bùng phát, Bệnh viện Trung ương Huế đã tiếp nhận và điều trị thành công nhiều ca bệnh. Đó là sự thật. Việc thắt chặt kiểm tra của Huế, Đà Nẵng và nhiều địa phương là việc làm rất tốt trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh.

Nhưng khi cả nước đã mở cửa với nhau, đã chọn khoanh vùng, kiểm tra có trọng tâm thì động tác xét người Đà Nẵng hàng loạt của Huế đã gây ra những bức xúc và hoang mang có thật. Huế có đang bảo vệ mình thái quá, bất chấp phiền nhiễu, tốn kém cho dân không?

Thành Nhân

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Nguyễn Hưng 15-09-2020 00:34:49

    Tôi là một người con xứ huế nhưng ở xa quê, đọc bài báo này cho thấy các nhà lãnh đạo quê nhà quá cứng nhắc và thái quá. Các ông ngồi trên có lương ăn bổng lộc còn ngoài kia biết bao người cần phải bương chãi kiếm sống. Các ông có đọc các báo gần đây đăng các bài tội phạm gia tăng trong và sau dịch không, đó mới là phần nổi mà các báo lấy tư liệu bên công an, còn phần chìm nhiều số phận, nhiều gia đình, nhiều hoàn cảnh nghiệt ngã chưa được thống kê, quá dễ để đưa ra hành động cấm đoán nhưng quá khó khi không chuyển được đồng nào vào tài khoản cho các cư dân lao động ở trong và ngoài huế đang mưu sinh. Rõ ràng dịch bệnh là chết nhưng không có ăn cũng chết. Dịch bệnh có ghé thăm mình chưa biết nhưng nhịn đói nhiều ngày là không thể sống nổi. Vậy có giỏi thì cứ cấm dài dài đi. Máy móc, vô cảm. Không khéo chỉ để GIẢI QUYẾT CÁI KHÂU OAI.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI