Thư từ Mỹ: Tìm yêu thương giữa bão dông

27/11/2016 - 12:03

PNO - Cô là công dân Mỹ, con của những người Mexico nhập cư. Dù cha mẹ cô là trí thức, có việc làm, đóng góp nhiều cho cộng đồng ở Mỹ, cô vẫn cảm thấy bất an trước những lời bài xích dân da màu của ông Trump.

Nayelii, với nét đẹp Mexico hoang dại, đứng giữa sân khấu trong bộ áo đen của dàn nhạc. Cô đứng thẳng như chiến binh ra trận, mắt cô như có sương, nét mặt không giấu được vẻ tổn thương. Nayelii gắng thốt từng lời: “Sau cuộc bầu cử, một nửa đất nước hân hoan, nửa còn lại đau buồn và thất vọng. Tôi không thể nhìn vào mắt những người bạn của mình, những người đã bầu cho người đàn ông muốn gia đình tôi rời khỏi đất nước này”.

Tôi nhìn thấy thanh quản Nayelii run lên từng đợt. Tôi hiểu nỗi buồn của Nayelii. Cô là công dân Mỹ, con của những người Mexico nhập cư. Dù cha mẹ cô là trí thức, có việc làm, đóng góp nhiều cho cộng đồng ở Mỹ, cô vẫn cảm thấy bất an trước những lời bài xích dân da màu của ông Trump. Hơn nữa, rất nhiều người thân nhập cư của cô lại không có giấy tờ, Nayelii sợ rằng gia đình cô phải chia ly.

Nỗi kinh hoàng khiến cô câm nín suốt mấy ngày, trước khi có thể đứng trên sân khấu vào đêm thứ hai sau khi kết thúc bầu cử. Đó là đêm dàn nhạc trường Đại học North Park (Chicago) tổ chức buổi diễn thơ - nhạc “Ủng hộ phong trào Black Lives Matter(*) và toàn thể nhân loại, kiến tạo một thế giới của tình yêu, hòa bình, và không bạo lực”.

Nayelii tiếp tục: “Nhưng tôi biết, tuyệt vọng và căm ghét đồng nghĩa với bỏ cuộc. Vì thế, tôi muốn các bạn hiểu, bất kể quan điểm chính trị, tôi vẫn yêu thương các bạn. Tôi cũng yêu thương Donald Trump, vì Chúa đã yêu thương ông ấy. Chúng ta vẫn đến với nhau, mặc dù chúng ta khác nhau”.

Thu tu My: Tim yeu thuong giua bao dong
Sinh viên khoa Âm nhạc, Đại học North Park, Chicago trong một dịp thư giãn bên hồ Michigan

Trước giờ tôi vẫn mô tả đất nước tôi đang theo học là đa sắc tộc, đa văn hóa, đa tôn giáo, đa giới tính, đa… đa đa… Mọi người từ khắp địa cầu, từ những đất nước hay khu vực vốn có xung đột, nay quy tụ tại “giấc mơ Mỹ” để làm việc, chung sống với nhau. Nước Mỹ có nước mắt và máu từ những cuộc bạo lực tàn khốc khi con người không bao dung được những giá trị khác với mình.

Nhưng cũng chính nước Mỹ, ngay trong những ngày hỗn độn này, đã tìm đến những người bị tổn thương, người da màu, người đồng tính, người nhập cư, người Hồi giáo... và chia sẻ nỗi đau với họ. Đó là nước Mỹ, với phần còn lại bao dung và yêu thương. Những ngày này, trường đại học của tôi trở nên nhạy cảm. Hộp thư của tôi tới tấp nhận tin nhắn của chủ tịch trường và Văn phòng sinh viên quốc tế. Họ muốn chúng tôi hiểu rằng mọi cánh cửa đều được mở cho sinh viên có một nơi tâm tình.

Trong một email, trường gợi ý: “Bất kể quan điểm chính trị của bạn là gì, hãy yêu thương, thông hiểu, và thấu cảm cho nhau. Thể hiện tình thương qua từng cử chỉ nhỏ. Lắng nghe nhau, tôn trọng những ai cần thêm thời gian và không gian để đau xót”.

Một diễn đàn ngay lập tức được tổ chức vào tuần sau cuộc bầu cử để mọi người góp tiếng nói của mình về sự kiện này. Ở một góc trường, tôi thấy giáo sư Hudgens lắng nghe Nayelii với lòng cảm thông chân thành. Tôi khâm phục giáo sư Hudgens vì cô dám công khai trên trang facebook của trường rằng mình là người đồng tính. Ở thế hệ cô, đồng tính là tội lỗi, bệnh hoạn. Nhưng bây giờ cô dám sống thật, cô vẫn là giáo sư mà chúng tôi ngưỡng mộ vì chuyên môn âm nhạc sâu rộng và lòng dũng cảm.

Cô tổ chức cho sinh viên một chuyến đi đến Standing Rock để ủng hộ người Mỹ bản địa đang cố gắng đấu tranh với dự án xây một đường ống dẫn dầu, bảo vệ nguồn nước, đất, và di sản tổ tiên. Giáo sư Hudgens và nhiều người Mỹ khác khiến tôi tin rằng sự thịnh vượng của đất nước này đến từ từng con người ngày đêm phấn đấu với khát vọng về một thế giới tốt đẹp hơn.

“Em có tin tình yêu chữa lành mọi thứ không?” - một cô giáo trong chuyến thực tập ở Thái Lan từng hỏi tôi như vậy. Nước Mỹ vẫn có quyền hy vọng vị tân tổng thống lạ lùng có thể đem lại sự thay đổi nào đó. Nhưng dù thay đổi thế nào, nước Mỹ mà bao nhiêu người trông đợi vẫn là vùng đất của tự do và tiến bộ, nơi “sinh mạng người da đen đáng trọng, sinh mạng của những người da màu khác đáng trọng, sinh mạng của người đồng tính luyến ái đáng trọng, sinh mạng của người khuyết tật đáng trọng... và sinh mạng của bất cứ ai không được kể trong danh sách này đều đáng trọng” - theo lời mở màn buổi hòa nhạc ủng hộ phong trào Black Lives Matter của giáo sư, chỉ huy dàn nhạc Tom Zelle.

Nguyễn Kỳ Nam (sinh viên khoa Âm nhạc, Đại học North Park, Chicago)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI