Thư từ miền Trung: Đất ấy, người không đi mới lạ

31/10/2019 - 08:00

PNO - Câu chuyện 39 người chết trong chiếc container định mệnh ấy đặt ra nhiều thách thức liên quan đến nền kinh tế nông thôn mà Việt Nam đang phải đối mặt, giải quyết.

Làm thế nào để giải quyết công ăn việc làm, phát huy năng lực sản xuất của người dân tại chỗ - câu hỏi đó không dễ trả lời. 

Mẹ tôi nói, mấy ngày ni, tin tức 39 người chết trong thùng container tại Anh được báo, đài, loa phát thanh ở nhà đưa liên tục. Một ngày đưa mấy lượt. Đầu xóm tới cuối xóm, ở mô, người ta cũng bàn tán chuyện ni. Đi cũng chết, mà không đi rồi cũng héo mòn mà chết con ạ. Ở cái xứ “chó ăn đá, gà ăn sỏi” ni, biết làm chi mà sống? 

Mẹ cũng nói, tuần trước bão về cuốn mất 5 sào ngô của mẹ (một sào ruộng ở Trung bộ tương đương 500m2). Mẹ lẩm nhẩm, nếu thời tiết mà ổn, Noel ni là mẹ có mấy chục triệu đồng.

Nghe giọng mẹ qua điện thoại, lại hình dung ra cái dáng lúi cúi xuống đồng sớm để nhặt cỏ, bón phân ấy, rồi nghĩ về số tiền mà mẹ tôi gọi là “tiền của mẹ”, bỗng dưng thấy xót xa. Có tiền nào của mẹ, tiền của trời đó chứ! 

Thu tu mien Trung: Dat ay, nguoi khong di moi la
Chờ đợi tin tức người thân nhập cảnh vào nước Anh

Cũng là quê tôi, mới cách đây hơn một tháng, dịch lợn châu Phi bùng phát, người dân lại thêm một phen dáo dác. 

Con lợn không phải là đầu cơ nghiệp nhưng chúng là của để dành, phòng những khi nhà có việc hoặc hoạn nạn thì bán lấy tiền. Nhìn dãy xe tải chở xác lợn, nối đuôi nhau đi tiêu hủy, tôi biết, có không ít người chảy nước mắt, trong đó có mẹ. 

Tuần trước gọi điện về hỏi người ta đã hỗ trợ tiền chưa, mẹ nói, nửa năm đến một năm mới có. Nhà người khác “dính” đợt dịch lợn trước đến bữa rày còn chưa nhận, nói chi nhà mình. Nhà mình nuôi năm con nhưng có nhiều nhà làm trang trại, nuôi hàng trăm con, có lẽ người ta điêu đứng lắm. 

***

Người ta vẫn nói, làng quê Việt Nam yên bình, kiên cố sau lũy tre làng. Nhưng giờ đây, điều đó không còn đúng nữa. 

Nằm dọc quốc lộ 1A sầm uất, tốc độ đô thị hóa diễn ra ở Diễn Châu quê tôi chóng vánh hơn những địa phương khác của tỉnh Nghệ An một cách đáng kinh ngạc. Sau kinh ngạc chính là không có cách nào đỡ được. 

Không còn một bụi tre nào, cây cối ngày càng ít đi, những con đường xi măng trải từ đầu làng tới cuối làng. Nghe đâu, bê tông hóa thì mới đạt chuẩn nông thôn mới! Trong khi đó, đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, nhường chỗ cho trung tâm thương mại, xây chợ, mở đường… 

Sau khi “ném” một khoản tiền gọi là tiền đền bù đất nông nghiệp khoảng 80 triệu đồng/sào, không ít người nông dân tự nhiên thành người vô công rồi nghề trên mảnh đất mà cha ông họ canh tác từ đời này qua đời khác. 

Người nhanh nhạy thì dùng tiền đó mua một ki-ốt để bán hàng ngoài chợ. Có người vay mượn thêm ngoài số tiền đó hòng giấc mơ đổi đời, xây nhà cao tầng mà bên trong không có một vật dụng gì giá trị. 

Có người đổi xe, rồ ga chạy ầm ầm từ đầu làng tới cuối làng. Có người nướng hết vào bài bạc, ăn chơi phè phỡn, hút chích… 

Chẳng mấy chốc, quê tôi trở thành một trong những điểm nóng về tệ nạn xã hội của tỉnh. Cái làng quê đó, giờ đây đã không còn yên bình và đã biến mất theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. 

Còn nhớ một bữa gọi về, mẹ đang lụi cụi làm đồng một mình. Mẹ nói, ngày xưa đi làm đồng đông người, nói chuyện ríu rít vui lắm. Giờ nhìn đi nhìn lại, chỉ có vài ba người, mỗi người một góc. Những nhà còn ruộng, có không ít người bỏ hoang vì mùa màng thất bát, thu nhập bấp bênh.  

Đất ấy, người ta không tìm cách bỏ đi mới lạ. 

Thu tu mien Trung: Dat ay, nguoi khong di moi la
Thân nhân những người hiện đang mất liên lạc trên đường sang Anh nóng lòng chờ đợi tin tức từ quê nhà - Ảnh: Phan Ngọc

Trong thực tế, trừ bộ phận viên chức có đời sống ổn định, những người phất lên nhờ làm ăn buôn bán, những người già, trẻ em, những thanh niên ăn chơi lêu lổng sống tầm gửi vào cha mẹ, những người nông dân còn bám trụ lại, đa số thanh niên bỏ đi mang theo giấc mơ đổi đời. 

Tôi tin, 39 con người trên chuyến xe định mệnh ấy đều ra đi với một giấc mơ đẹp đẽ của mình.

Vì vậy, đừng ai hỏi, với số tiền tỷ đó, sao không ở quê mà “khởi nghiệp”, vì sao lại chọn cách vứt bỏ chính mình, vứt bỏ xuất thân, lai lịch, để bước chân vào số phận của những kẻ “buôn không gian”, mở đầu bi kịch của những “người rơm” mắc kẹt giữa những mảnh đất xa lạ. Vì không còn con đường nào khác!

Ra đi để được sống, có ai nghĩ ra đi để rồi chết bi thảm như thế? Vì vậy, mới có những làng xuất khẩu trải khắp từ Bắc vào Nam. 

Nhưng ở những vùng đất càng khắc nghiệt, số người lựa chọn ra đi càng lớn; vì thế, Nghệ An cùng với Hà Tĩnh, Quảng Bình… trở thành những địa phương có tỷ lệ lao động bất hợp pháp cao nhất nước ta, bị một số nước châu Âu, châu Mỹ lẫn Hàn Quốc “dán thẻ đỏ”.

***

39 thi thể đông cứng trên hành trình mang theo khát vọng đổi đời. Không ít người vin vào đó để công kích chính quyền, thể chế. Có người nói, nếu sinh ra ở một quốc gia khác, có khi họ không có một cái kết bi thảm như vậy. Bạn có chắc không? Cần nhớ, nhập cư trái phép đang trở thành vấn nạn toàn cầu, không chỉ ở Việt Nam. 

Tuy nhiên, quản lý nhà nước cũng không thể nào đứng ngoài cuộc. Câu chuyện 39 người chết trong chiếc container định mệnh ấy, đặt ra nhiều thách thức liên quan đến nền kinh tế nông thôn mà Việt Nam đang phải đối mặt, giải quyết. 

Làm thế nào để giải quyết công ăn việc làm, phát huy năng lực sản xuất của người dân tại chỗ - câu hỏi đó không dễ trả lời. 

Và liệu những thành tựu về chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới trong thời gian qua được đăng tải nhan nhản trên các phương tiện truyền thông, dựa trên số lượng bao nhiêu đường bê tông được xây, bao nhiêu số nhà cao tầng được mọc… hay dựa trên sự phát triển bền vững nội tại từ chính địa phương đó?    

Chúng ta từng có cả một hệ thống tái phân bổ nguồn lực quốc gia, chứ không phải không có. Chẳng hạn như chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo; chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (gọi tắt là chương trình 135); chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020… và nhiều chương trình xóa đói giảm nghèo khác… 

Vấn đề ở đây, với những chương trình này, mức độ phân bổ đủ chưa? Sử dụng nguồn ngân sách hợp lý, hiệu quả chưa? Có bộ phận giám sát, kiểm tra điều đó không?

Khi đến một vùng đất nào đó, tôi thường có một thói quen để ý, hỏi han người dân ở đó làm gì. 

Không giống như những đô thị, thị trấn sầm uất, khi đặt chân đến những làng quê xa xôi, hẻo lánh, một cảnh tượng thường thấy nhất đó là bộ phận thanh niên lêu lổng ngồi ở đầu làng; ở các đảo nhỏ, là cảnh những tốp người cả già lẫn trẻ, chờ khách du lịch tới là xúm lại để hỏi anh/chị/cô muốn đi đâu, để họ chở đi. Họ sống qua ngày đoạn tháng nhờ cái gật đầu của khách.

Vì nếu không, họ cũng chẳng biết làm gì.

Từ trên cao nhìn xuống, Sài Gòn, Hà Nội, hay bất cứ thành phố phát triển nào đều lấp lánh những ngôi sao. Những ngôi sao tỏa ra nhờ ánh điện, nhờ tiện nghi, vật chất và sự đủ đầy. 

Ở quê tôi, đêm về, đã không còn vẻ tĩnh mịch, yên bình trong đêm sâu nữa. Từ trên cao nhìn xuống giờ đây có cả những vì sao mới, những vì sao tỏa ra nhờ ánh điện của club, của những nhà hàng karaoke, bar, vũ trường ăn chơi thâu đêm, kế đó là những ngôi nhà ánh đèn leo lét, cửa vẫn mở và những ông bố bà mẹ bạc tóc chờ những cậu con trai, những cô con gái đến tuổi lớn, đi chưa về.

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI