Sáng 24/10, ông Đỗ Trung Hưng - Phó Vụ trưởng vụ pháp chế, Bộ Y tế thông báo với Hội đồng xét xử vụ án VN Pharma có 2 người của Bộ Y tế vắng mặt trong phiên tòa. Đó là Thứ trưởng kiêm Cục trưởng Cục quản lý Dược Trương Quốc Cường và Phó Cục trưởng Cục quản lý Dược Nguyễn Tất Đạt.
Trong khi ông Nguyễn Tất Đạt xin vắng mặt có lý do thì Thứ trưởng Trương Quốc Cường vắng mặt không lý do. Theo lời ông Đỗ Trung Hưng, Thứ trưởng Trương Quốc Cường thông báo với ông Hưng là chưa nhận được thư triệu tập của tòa án.
Câu hỏi đặt ra là, khi nhận lệnh triệu tập của tòa án, liệu có thể từ chối không?
|
Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường bị cảnh sát hỗ trợ tư pháp dẫn giải đến tòa án. Ảnh: Minh Thanh |
Nhận định về trường hợp của vị Thứ trưởng Trương Quốc Cường, luật sư Trần Cao Phú cho rằng: “Luật quy định, Hội đồng xét xử triệu tập mà không tới thì hội đồng xét xử có quyền yêu cầu cảnh sát tư pháp áp giải tới tòa. Khi tòa triệu tập bất cứ người có quyền và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự…đều phải tới.
Thứ trưởng hay Cục trưởng thì cũng vậy, quân pháp bất vị thân. Điều 2 Hiến pháp 2013 ghi rõ “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”. Đã là nhà nước pháp quyền thì phải thượng tôn pháp luật, bất cứ ai thì cũng vậy”.
|
Ông Đỗ Trung Hưng, Phó Vụ trưởng vụ pháp chế, Bộ Y tế thông báo với Hội đồng xét xử Thứ trưởng Trương Quốc Cường chưa nhận được thư triệu tập của tòa án. Ảnh: Minh Thanh |
Cùng chung quan điểm, luật sư Khưu Thanh Tâm cho biết: “Theo quy định, đã có lệnh triệu tập của tòa án thì phải tới. Mọi cá nhân, tổ chức đều phải tôn trọng quyết định của tòa. Trong trường hợp người được triệu tập vắng mặt, tòa phải xác nhận người được lệnh triệu tập đã nhận được giấy triệu tập hay chưa. Nếu họ đã nhận được thư nhưng không tới thì phải áp dụng biện pháp dẫn giải hoặc nhắc nhở, dẫn giải. Nếu chưa nhận được giấy triệu tập thì xem xét, gửi lại giấy triệu tập.
Khoản 2, điều 54, Bộ Luật tố tụng hình sự quy định: “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và trình bày trung thực những tình tiết trực tiếp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình”. Nghĩa là, trong trường hợp có liên quan, bất cứ người nào được lệnh triệu tập của tòa án thì phải đến”.
|
Các bị cáo trong phiên tòa phúc thẩm vụ án VN Pharma |
Luật sư Bùi Nguyễn Quỳnh Như, công ty Luật Nblaws phân tích thêm: “Giấy mời, giấy triệu tập người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án phải được cấp, tống đạt theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp cấp, tống đạt văn bản tố tụng không đúng theo quy định của pháp luật, người được cấp, tống đạt văn bản có thể không đến tham dự phiên tòa, mặc dù họ biết có văn bản triệu tập đến tham gia phiên tòa. Nếu ông Trương Quốc Cường không nhận được giấy triệu tập thì có thể lấy lý do này không đến phiên tòa và cũng không chịu trách nhiệm gì về việc mình không tham dự phiên tòa”.
Tuy vậy, theo luật sư Bùi Nguyễn Quỳnh Như, nếu được triệu tập đến tòa án với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người được triệu tập không đến thì cũng không bị xử lý gì. Bị xử lý hay không, tùy thuộc vào tư cách tham gia tố tụng: “Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự chủ yếu liên quan đến quyền và nghĩa vụ dân sự. Do đó, việc họ tham gia tại phiên tòa để bảo vệ quyền lợi của họ, việc họ không tham gia phiên tòa sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của họ, sẽ không có quyền khiếu nại khi cơ quan tố tụng thực hiện đúng theo quy định tống đạt trên”.
Hai vị cán bộ của Bộ Y tế vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm sáng 24/10 liên quan gì đến vụ án VN Pharma?
|
Giấy phép hoạt động của công ty "ma" Helix Canada có chữ ký của Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường |
Thứ trưởng Trương Quốc Cường là người ký tên cấp giấy phép hoạt động số 28 cho công ty Helix Canada – công ty bị cơ quan điều tra xác nhận là công ty "ma". Công ty này đã cung cấp thuốc H-Capita được xác định là kém chất lượng, không dùng cho người cho Nguyễn Minh Hùng, Nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng giám đốc công ty cổ phần VN Pharma (TP.HCM).
Thứ trưởng, Cục trưởng Trương Quốc Cường cũng là người ký công văn 22113/QLD-KD, đồng ý cho công ty VN Pharma nhập khẩu 200.000 hộp thuốc H-Capita 500 mg Caplet dùng cho người bệnh ung thư.
Phó Cục trưởng Cục quản lý Dược Nguyễn Tất Đạt vào thời điểm năm 2013 giữ chức vụ Trưởng phòng Quản lý kinh doanh dược (Cục quản lý Dược). Vào thời điểm 2013, ông Nguyễn Tất Đạt là tổ trưởng tổ thẩm định hồ sơ thuốc H-Capita 500 mg Caplet do công ty VN Pharma xin phép nhập khẩu.
Cơ quan điều tra xác định ông Nguyễn Tất Đạt và một số cán bộ khác của Cục quản lý Dược có trách nhiệm thẩm định tính pháp lý của hồ sơ, đơn hàng nhập khẩu thuốc H-Capita nhưng không phát hiện những bất thường như giấy phép hoạt động của công ty Austin Hồng Kông (VN Pharma mua H-Capita thông qua Austin Hồng Kông vì lúc đó Helix Canada chưa được phép hoạt động về thuốc tại Việt Nam).
Ngoài ra, trong hồ sơ thuốc có một số nội dung không thống nhất nhưng ông Nguyễn Tất Đạt vẫn đánh giá hồ sơ đạt yêu cầu và đề xuất ông Trương Quốc Cường khi đó là Cục trưởng Cục quản lý Dược ký duyệt, cấp phép cho đơn hàng H-Capita của công ty VN Pharma.
Hiếu Nguyễn