"Thư trung hữu nữ nhan như ngọc"

10/11/2015 - 07:57

PNO - Sách cũ không chỉ là sách. Nhìn trang sách, còn thấy diện mạo xã hội một thời. Nhiều người vẫn còn giữ những quyển sách in thời bao cấp.

Những ngày này, bỏ mặc giông tố phía bên ngoài cửa sổ, lật Liêu trai chí dị, đọc lại truyện Thư si (Mê sách) của Bồ Tùng Linh. Rờn rợn từng chân tóc với câu chữ ma mị, ám ảnh. Có thật không chi tiết độc đáo này xảy ra trong lúc đọc sách?

Lúc ấy, Lang Ngọc Trụ hoảng hồn thấy người đẹp bước ra từ cổ thư: “Mỹ nhân ung dung bước xuống đất, rõ ràng là một giai nhân tuyệt thế. Lang lạy hỏi là thần gì, mỹ nhân cười nói: “Thiếp họ Nhan tên Như Ngọc, chàng đã biết từ lâu rồi. Hằng ngày được chàng rủ mắt xanh, nếu thiếp không tới một phen e rằng ngàn năm sau không còn ai tin vào cổ nhân”.

Rồi họ chăn gối suốt những canh tàn gió lộng. Đọc truyện ngắn này từ lúc hoa niên, nay đã già, đọc lại, vẫn giữ nguyên cảm giác lành lạnh sau gáy như thuở ấy.

Tôi cũng đã từng nhiều đêm ước mơ được như Lang Ngọc Trụ.

Đông đảo độc giả đã đến với Hội sách cũ TP.HCM 2015, diễn ra từ ngày 6-8/11 tại Nhà Văn hóa Thanh Niên

Trên đời này, có những con người lạ lùng lắm. Những gì đã mê đắm, yêu thích từ buổi còn thò lò mũi xanh, đến lúc ngoài ngũ thập vẫn không thay đổi. Có những ngày lang thang các ngả đường bán sách cũ ở Sài Gòn, bao giờ tôi cũng nhìn thấy thằng bé con thơ dại trở về.

Từ lúc mới học lớp 7, lớp 8 tôi đã có những buổi chiều đi dọc con đường Ông Ích Khiêm, ngay chợ Cồn (Đà Nẵng). Người ta bán sách báo cũ, tràn ra cả một đoạn đường dài tấp nập, huyên náo người đi ngược kẻ đi xuôi.

Tôi đứng giữa nắng sớm, mưa chiều lục lọi, tìm kiếm như một gã thư si. Hễ sách cũ, sách hay, thấy là lạ là mua, chẳng phải nghĩ ngợi gì. Bây giờ cũng vậy. Niềm mê sách đã là một phần của máu thịt, trở thành ký ức của đời sống.

Sáng 6/11/2015, trong cuộc giao lưu Sưu tầm sách - nghề chơi cũng lắm công phu tại Hội sách cũ TP.HCM 2015, một bạn đọc hỏi, đại khái, còn trẻ, chưa nhiều kinh nghiệm, lại không nhiều tiền thì nên “chơi sách” bằng cách nào?

Nhà sưu tập Phạm Thế Cường - chủ nhiệm câu lạc bộ Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng gợi ý nên tìm mua loại sách thuộc sở trường của mình. Tán thành ý kiến này, tôi bổ sung thêm, hễ cứ thích là mua, dù rằng, có thể quyển sách thuộc lĩnh vực đó, mình chẳng hề biết tí tẹo nào. Cần gì, cứ xếp lên kệ sách, ắt có lúc cần đến. Bằng không, nếu biết có ai đó đang cần, đem tặng lại, chẳng phải là đem về một niềm vui đó sao?

Sách có linh hồn của nó. Ngồi giữa cái “thư viện” ngay trong nhà với hàng ngàn quyển sách, tôi ngẫm lại thấy đúng. Nếu có duyên, sách sẽ tìm đến mình trong những lúc ngẫu nhiên, không ngờ đến. Nếu không vì chữ “duyên” vi diệu của triết lý nhà Phật, sao tôi có thể sở hữu những quyển sách giáo khoa tiếng Việt cách đây hơn 100 năm?

Làm sao có thể sưu tập được những quyển sách của hai miền Nam - Bắc ấn hành lúc cả nước kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du? Làm sao có thể đọc được bộ Đại Việt sử ký toàn thư bằng loại giấy bổi in năm 1945?

Ôi, cái năm tàn khốc, bi thảm ấy, hơn hai triệu đồng bào chết đói, tự dưng lòng chùng xuống khi thấy cả những cọng rơm khô, gầ y đét nằm lẫn trong những dòng chữ. Cầm sách đọc, dù ngoài trời nắng ấm, ngồi phòng máy lạnh, thoáng đãng mà lòng lạnh buốt.

Sách cũ không chỉ là sách. Nhìn trang sách, qua kỹ thuật in ấn còn thấy diện mạo xã hội một thời. Nhiều người vẫn còn giữ những quyển sách in thời bao cấp. Loại giấy đen xì, xếp chữ typo, chữ mờ, chữ đậm, đọc muốn trợn tròng con mắt.

Nay, có những quyển đã tái bản, giấy trắng hơn, in đẹp hơn nhưng quyển sách cũ ấy vẫn không bỏ đi. Giữ lại chứ. Giữ lại kỷ niệm êm đềm của ngày khốn khó. Giữ lại kỷ niệm của tháng ngày từ làng đại học xa tít ngoài xa lộ Đại Hàn, lũ sinh viên chúng tôi cọc cạch đạp xe về chợ Thủ Đức, về Sài Gòn mua cho bằng được sách mới phát hành.

Ngày đó, bước vào hiệu sách nản ghê gớm bởi trên quầ y sách có những hàng chữ Sách mẫu, không bán, Sách bán theo giấy giới thiệu... Vì thế, có những lúc thèm thuồng, nuốt nước bọt mà cổ họng đắ ng nghét, đứng ngây người nhìn cái bìa sách như muốn thâu gọn cả vào trong trí nhớ. Rồi tiu nghỉu, thất vọng bước ra về.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI