Sáng ngày 26/3, UBND TP. Uông Bí tổ chức hội nghị thông tin báo chí về sự việc tại chùa Ba Vàng, với sự có mặt của ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch UBND TP. Uông Bí, bà Lê Ngọc Hân - Giám đốc Sở thông tin Truyền thông tỉnh Quảng Ninh cùng hơn 100 phóng viên.
|
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch UBND TP. Uông Bí và bà Lê Ngọc Hân - Giám đốc Sở thông tin Truyền thông tỉnh Quảng Ninh tại hội nghị. |
Tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết: "Đối với hoạt động thỉnh vong cúng oan gia trái chủ, tôi khẳng định các cơ quan chức năng thành phố, tỉnh, sau khi nhận chỉ đạo đã làm việc hết sức khẩn trương với chùa Ba Vàng. Hiện nay chúng tôi vẫn đang tiếp tục xác minh, xử lý các vấn đề của chùa. Đặc biệt cơ quan công an đang thu thập chứng cứ để xử lý khi có đủ điều kiện. Đối với sư trụ trì, đại đức Thích Trúc Thái Minh, tôi khẳng định các hoạt động cúng oan gia trái chủ, thỉnh vong là hoạt động diễn ra trong khuôn viên chùa nên ông Minh phải chịu hoàn toàn trách nhiệm".
Chức sắc thuộc chùa Ba Vàng do Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh quản lý. Hôm nay, TP Uông Bí có văn bản gửi Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị xử lý nghiêm hành vi không phù hợp hiến chương Phật giáo.
|
Phóng viên đặt câu hỏi tại hội nghị. |
Đối với bà Phạm Thị Yến, là công dân tại thành phố Hạ Long, tham gia sinh hoạt hoạt động tôn giáo ở chùa Ba Vàng, TP Uông Bí đã yêu cầu kiểm soát tạm trú tại chùa, yêu cầu bà Yến trở về nơi cư trú. UBND TP. Uông Bí cũng giao phường Quang Trung (chùa Ba Vàng nằm trên địa phận này) ra quyết định xử phạt hành chính đối với bà Yến vì có hành vi vi phạm nếp sống văn hóa. Mức xử phạt là 5 triệu đồng. Cơ quan chức năng tiếp tục xác minh, làm rõ vi phạm tiếp theo như vi phạm luật thông tin, hành vi trục lợi, hoạt động tôn giáo không đăng ký tại chùa Ba Vàng và các hành vi khác.
Ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết cơ quan công an đang tiếp tục thu thập chứng cứ và đề nghị báo chí thông tin rộng rãi để ai là bị hại sớm trình báo cơ quan công an để có thêm chứng cứ.
Về các phát ngôn của bà Yến trong các buổi thuyết pháp như chuyện cô gái giao gà bị sát hại tại Điện Biên hay về các anh hùng liệt sĩ, bà Lê Ngọc Hân – Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông cho biết, Sở đang phối hợp với cơ quan chuyên môn như Sở Văn hóa để xem xét thẩm định: "Sở Thông tin Truyền thông sẽ xem xét nếu các nội dung đó có vi phạm, chúng tôi sẽ căn cứ theo Nghị định 174/2013 xử phạt về hoạt động dùng internet tuyên truyền mê tín dị đoan". |
"Đối với hoạt động của chùa Ba Vàng, UBND TP đã có văn bản yêu cầu nhà chùa dừng hoạt động thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ vì không nằm trong hoạt động tôn giáo đăng ký với cơ quan nhà nước. Sở Thông tin Truyền thông đã xử lý vi phạm liên quan trong lĩnh vực thông tin truyền thông, cụ thể là hoạt động của các trang web của bà Yến.
Sở Nội vụ làm việc với Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh chấn chỉnh hoạt động của chùa Ba Vàng. UBND TP. Uông Bí xác định thân nhân, lai lịch những người xuất hiện tại nhà chùa trong video clip do Báo Lao Động đăng tải và chỉ đạo kiểm tra tạm trú tạm vắng đối với người tu tập, hoạt động tại chùa, kiểm tra thông tin an toàn để không bị kẻ xấu lợi dụng tại chùa này", ông Nguyễn Mạnh Hà khẳng định.
Bà Phạm Thị Yến không trở về địa phương?
Ông Nguyễn Mạnh Hà: Bà Yến là công dân sinh sống tại Hạ Long, thỉnh thoảng lên chùa làm việc của phật tử. Do đó theo luật tạm trú tạm vắng thì bà Yến không đăng ký tạm trú tạm vắng tại chùa Ba Vàng. Hiện bà Yến đã trở về thành phố Hạ Long.
Theo Luật Tôn giáo, hoạt động được tính từ đầu kỳ, trong kỳ có phát sinh thì gửi thông báo cho cơ quan chức năng trước 20 ngày. Nếu có vi phạm thì cơ quan chức năng sẽ trả lời là không đồng ý với hoạt động đó. Sau khi có thông tin của Báo Lao Động, chúng tôi rà soát lại là hoạt động thỉnh vong không có trong đăng ký hoạt động của chùa Ba Vàng nên yêu cầu dừng ngay.
|
Phóng viên báo Lao Động đặt câu hỏi về hoạt động của các website chùa Ba Vàng. |
Năm 2015, trong văn bản 125 của Giáo hội Phật giáo Quảng Ninh gửi UBND TP. Uông Bí để nêu ý kiến về việc tại chùa Ba Vàng có nhiều hoạt động như tu tập, phật sự không đúng, đó là trách nhiệm của sư trụ trì. Về phần hoạt động của bà Yến, UBND TP đã làm việc với sư trụ trì và ông Thái Minh khẳng định không có việc đó, được ghi trong biên bản. Trong video clip của Báo Lao Động, các hoạt động thỉnh vong được nhà chùa kiểm soát rất kỹ nên không dễ dàng mà phát hiện ra hành động này.
Ông Nguyễn Mạnh Hà nêu quan điểm về phát ngôn của bà Phạm Thị Yến: “Chúng tôi phản đối mạnh mẽ những phát ngôn gây xúc phạm đến anh hùng liệt sĩ, xúc phạm đến nạn nhân của một vụ giết người như vậy. Căn cứ theo chứng lý, sẽ đề nghị cơ quan công an xử lý nghiêm với hành vi phát ngôn gây bức xúc dư luận như vậy”. |
Việc thỉnh vong là đúng hay sai?
Ông Nguyễn Mạnh Hà: Việc này phải có trả lời chính thức từ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Chúng tôi đã gửi văn bản và chờ trả lời chính thức. Nhưng tôi khẳng định hoạt động này không nằm trong danh mục hoạt động được phép của chùa Ba Vàng.
Vấn đề góp vốn của công ty Tùng Lâm và việc thu 100 tỷ đồng mỗi năm có đúng hay không, được chi tiêu ra sao?
Ông Nguyễn Mạnh Hà: Tôi khẳng định đây là thông tin không chính xác, trước đây chùa Ba Vàng là một phế tích, được như bây giờ là do công lao đóng góp của các phật tử. Việc bổ nhiệm sư thầy không qua quy trình bằng cấp thì đó là việc của Trung ương Giáo hội Phật giáo và hiến chương của Giáo hội. Chúng tôi không có ý kiến gì.
Thu tiền tại chùa Ba Vàng là bao nhiêu, chung một nguyện vọng thôi đó là tất cả đều muốn có một cơ chế công khai minh bạch tại các di tích, di sản để phật tử, du khách yên tâm. Còn việc xây dựng trên đất rừng thì không thuộc khuôn khổ buổi thông tin báo chí hôm nay.
|
Buổi họp báo dự kiến bắt đầu lúc 10g sáng nhưng từ 9g, hơn 100 phóng viên từ các cơ quan báo chí đã có mặt tại hội trường. |
Nêu quan điểm về vụ việc, trong công văn số 33/CV-BTS, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh khẳng định: “Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Nội quy Ban tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các quy định của Giáo hội đều quy định các hoạt động phật sự, hành đạo, tu đạo tại các cơ sở thờ tự của Phật giáo do vị trụ trì cơ sở thờ tự đó chịu toàn bộ trách nhiệm. Việc công dân Phạm Thị Yến có các hoạt động tại chùa Ba Vàng do trụ trì chùa Ba Vàng chịu trách nhiệm”. Nghi thức “thỉnh vong”, “cúng oan gia trái chủ” không có trong giáo lý Phật giáo. Trong nghi lễ Phật giáo Bắc truyền chỉ có nghi thức "triệu linh" và “lập đàn cúng giải oan thích kết”. Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh lên án các hành vi lợi dụng niềm tin của phật tử, nhân dân, núp bong nghi lễ Phật giáo để trục lợi…”.
|
|
Bà Phạm Thị Yến rao giảng về "oan gia trái chủ" tại chùa Ba Vàng. |
Như đã thông tin trước đó, vào ngày 20/3, hoạt động "giải nghiệp", "thỉnh oan gia trái chủ" tại chùa Ba Vàng được báo chí đưa ra ngoài ánh sáng. Những hoạt động gọi vong, thuyết pháp về nghiệp và báo oán tại chùa với những lý lẽ hết sức mê tín dị đoan đã được trụ trì của chùa là Đại đức Thích Trúc Thái Minh và một người phụ nữ tên Phạm Thị Yến rao giảng cho các Phật tử.
Theo thuyết pháp này, mỗi người dù đau ốm, bệnh tật, tính khí thất thường hay chỉ khó khăn trong giao tiếp với các lãnh đạo cũng là do bị "vong báo oán". Để giải vong, bà Yến yêu cầu các Phật tử đến chùa phải đóng tiền để "giải nghiệp" bằng "pháp thỉnh oan gia trái chủ". Tùy theo bị "báo oán" nhiều hay ít, người đi "giải nghiệp" phải đóng từ 5 cho đến hàng chục triệu đồng. Thậm chí, có người đã được vong yêu cầu 2 tỷ đồng và sau đó mặc cả giảm giá xuống còn 60 triệu đồng.
Ngoài ra, bà Yến còn gây bức xúc bởi những phát ngôn liên quan đến cái chết của cô gái trẻ đi giao gà tại Điện Biên hay những lời không hay về các thương binh liệt sĩ. Giải thích cho hoạt động này, trụ trì Thích Trúc Thái Minh liên tục khẳng định việc "vong báo oán" là có thật và tiền các Phật tử đóng là do... vong yêu cầu. Ngày 24/3, UBND TP. Uông Bí cũng đã có văn bản yêu cầu chùa Ba Vàng dừng hoạt động "thỉnh oan gia trái chủ".
|
An Vũ