Nhiều bệnh viện xây nhà lưu trú, mở wifi... phục vụ người nhà bệnh nhân
Hầu hết các bệnh viện hiện nay đều chấp nhận cho người bệnh có người nhà vào thăm nuôi, bệnh viện cũng không tính thêm các khoản phí. Nhưng trên thực tế, ở nhiều bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện công, có những bệnh nhân “kẹp” đến 4, 5 người nhà vào chăm sóc. Giờ thăm bệnh, họ hàng, bạn bè đến chật cả phòng bệnh. Mọi người sử dụng nước không chỉ tắm gội mà còn rửa chén, giặt đồ, thậm chí… tắm luôn cho trẻ đến thăm bệnh do quá nóng.
|
Với những bệnh nhân nặng, người nhà xác định phải nuôi bệnh lâu dài thường sẽ chuẩn bị rất nhiều đồ đạc để tiết kiệm chi phí. |
Điều này khiến những bệnh viện có số lượng người khám, điều trị cao như Bệnh viện Chợ Rẫy (khoảng 7.000 người/ngày), Bệnh viện Nhân dân Gia Định (khoảng 5.000 – 6.000 người), Bệnh viện Nhi đồng 1 (5.000 người)… liên tục phải bù vào các khoản điện, nước cho thân nhân bệnh nhân.
Chưa kể, người bệnh không có chỗ ngủ nghỉ đàng hoàng, tình trạng móc túi liên tục diễn ra nên những năm trở lại đây, nhiều bệnh viện tại TP.HCM cũng đã xây dựng các khu nhà lưu trú với giá cả hợp lý dành cho thân nhân bệnh nhân ở các tỉnh xa, có người nhà nằm viện điều trị kéo dài.
Tuy nhiên, mỗi bệnh viện có cách thu phí và tiện ích khác nhau. Theo đó, chi phí ở các nhà cũng chênh lệch khá nhiều từ 10.000 đến 400.000 đồng/người/ngày.
|
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới thường bệnh nhân mắc các bệnh đặc thù, phải nằm viện điều trị nhiều ngày nên khu nhà lưu trú dành cho thân nhân chỉ thu giá 10.000 đồng/ngày/người. |
TS.BS Lê Mạnh Hùng – Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, TP.HCM – cho biết bệnh viện này tự dùng kinh phí xây dựng khu nhà riêng cho người thân đến nuôi bệnh nhân điều trị tại khu Hồi sức cấp cứu.
Nhà lưu trú có 70 giường, 4 nhà vệ sinh, nơi tắm giặt, phơi đồ, nhân viên lau dọn và cả wifi để người đi có nơi nghỉ ngơi. Mặc dù nhiều tiện ích nhưng bệnh viện chỉ thu 10.000 đồng/thân nhân.
Bác sĩ Hùng cho biết: “Để tránh việc người ở quá đông gây mất trật tự tại bệnh viện, mỗi người bệnh chỉ được đăng ký một thân nhân, người được đăng ký sẽ có thẻ nuôi bệnh để kiểm soát. Bệnh viện không thu phí riêng lẻ mà tính vào tiền viện phí của bệnh nhân”.
Còn tại Bệnh viện Quận 2, theo bác sĩ CKII Trần Văn Khanh – Giám đốc Bệnh viện nhận định: bệnh nhân nào cũng cần ít nhất một người nhà để có trợ giúp các sinh hoạt cần thiết. Bệnh viện cho phép người nhà được ở cùng phòng với người bệnh. Mỗi giường bệnh đều có ghế đa năng, buổi tối chiếc ghế này sẽ được kéo ra nếu người thân muốn ngủ cùng bệnh nhân.
Tuy nhiên, với thân nhân thứ 2 trở đi, muốn ở lại bệnh viện, có thể đăng ký lưu trú ở khu nhà nghỉ trong bệnh viện. Phòng nghỉ có không gian riêng với tủ bảo quản tài sản, máy lạnh, bàn ăn… nhưng giá chỉ 50.000 đồng/ngày/người.
|
Khu nhà lưu trú của Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ mới bắt đầu thu phí từ tháng 12/2018, thân nhân bệnh nhân có quyền chọn lựa các mức giá phù hợp tùy theo nhu cầu và khả năng của mình. |
Từ ngày 10/12/2018, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cũng bắt đầu thu phí tại Nhà nghỉ cho thân nhân bệnh nhân thay thế cho "Khu trại 25" trước đây. Khu nhà nghỉ có 5 tầng, với mức giá từ 30.000 đồng đến 400.000 đồng/ngày/người tùy theo tiện ích.
Cụ thể giường 30.000 đồng và 50.000 đồng có máy quạt, truyền hình cáp, máy nước uống nóng lạnh, nhà vệ sinh dùng chung. Phòng giá 250.000 đồng và 350.000 đồng sẽ có quạt máy, máy lạnh, truyền hình cáp, nhà vệ sinh riêng, máy nước uống nóng lạnh…
Người bệnh nói gì về bệnh viện thu tiền người nhà bệnh nhân?
Anh Trần Sang Giàu (ở tỉnh Kiêng Giang) đang chăm sóc người nhà ở Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ: "Tôi chọn ở phòng có giá 50.000 đồng/ngày. Phòng thoáng mát, ít tiếng ồn, rẻ hơn nhiều so với giá ở các nhà nghỉ quanh bệnh viện.
Tôi có thể ngủ đủ giấc hơn so với phải ngồi chờ đợi ngoài khuôn viên bệnh viện. Tuy nhiên, với 50.000 đồng tôi cũng… hơi tiếc vì nếu gộp lại chi phí vẫn tốn nhiều. Thời gian tới tôi sẽ xin đăng ký giường 30.000 đồng sẽ tiết kiệm được một bữa ăn".
|
Đa số nhà lưu trú ở các bệnh viện đều có đầy đủ nhu cầu cần thiết như giường ngủ, tivi, tủ riêng, nhà vệ sinh,... |
Nuôi cha hơn 10 ngày tại khoa Phỏng – Tạo hình của Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, chị Trần Ngọc Quyên (32 tuổi, nhà ở tỉnh Bến Tre) thở dài cho biết: “Tôi đang làm công nhân may ở Bình Dương.
Nghe cha bệnh phải xin chuyển ca với chị em trong công ty để nuôi cha ban sáng, đến chiều lại chạy về đó làm ca đêm để chị gái ngủ lại canh chừng. Hai chị em cứ đổi ca, chạy đi chạy lại rất mệt, nhưng nếu nghỉ một người thì người còn lại làm không đủ chi phí lo cho cha.
Để tiết kiệm, tôi và cha ăn cơm từ thiện của người ta cho, tiền xăng chạy tới chạy lui may được đồng nghiệp cho, chứ tiền thuốc, tiền băng gạc của cha mỗi ngày, tôi với chị gái gánh cũng không nổi. Do đó, nhà lưu trú cần có chính sách miễn giảm cho người nghèo".
Nói chung nhiều bệnh nhân ở xa đều cho rằng nếu thu phí với giá cả hợp lý, có chỗ ngủ, nơi để đồ đạc đúng nghĩa thì mức giá từ 30.000 đồng đến 100.000 đồng/ngày vẫn có thể chấp nhận được. Ở xa đến nuôi bệnh, nhiều người có thói quen chuẩn bị tiền mặt, hành lý,… lo ngại mất trộm, không có chỗ ngủ tử tế khiến họ kiệt sức chỉ sau 4 ngày chăm người thân.
“Vừa căng thẳng về bệnh của con, vừa lo lắng việc ở nhà, phải giữ đồ, vật vạ ngủ được lúc nào hay lúc đó nên tôi cũng muốn bệnh theo. Chạy ra nhà trọ hay khách sạn thì không yên tâm về con. Ước gì bệnh viện có nơi nghỉ, trả tiền cao một chút nhưng mình có sức thì mới lo được”, anh Nguyễn Văn Cần (36 tuổi, nhà ở Phú Yên đang chăm con tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM) mệt mỏi.
|
Hiện tại, các bệnh viện tự đưa ra mức giá khác nhau với nhà lưu trú, nhưng dao động từ 10.000 đồng đến 400.000 đồng/ngày/người. |
Phản ảnh với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, chị Thanh Diễm (thân nhân chị T.K. đang điều trị mổ thai ngoài tử cung tại Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM) chia sẻ: “Tầm 2g30 sáng, tôi và chồng được nhân viên thông báo chị tôi sắp ra phòng ngoài. Lúc vợ chồng tôi đi theo phụ chuyển giường thì cô y tá báo giá 200.000 đồng cho 2 người nếu ở lại qua đêm. Khi tôi hỏi thì y tá bảo phí thân nhân nuôi bệnh.
Do gần sáng nên chồng tôi đi ra ngoài khuôn viên bệnh viện nằm để tiết kiệm chi phí, còn tôi chấp nhận đóng 100.000 đồng mà không có hóa đơn. Hôm sau tôi mới biết phí này tính với người thân thứ 2 trở đi, nhưng lúc đó chỉ có mình tôi thì sao thu thêm tiền?
Hơn nữa, nếu tính giá 100.000 đồng nhưng 18g tối mới được vào và 6 giờ sáng đã yêu cầu người thân ra ngoài thì chưa hợp lý, và thu tiền nhưng không có hóa đơn thì quản lý việc thu tiền này như thế nào?”
Cung – cầu khu lưu trú là điều có thể chấp nhận, nhưng thu phí theo thẻ, thu phí ngày với người thân đầu tiên và trong ngày với người nhà đến chăm bệnh phải xem xét kỹ lưỡng, tránh tình trạng lạm dụng và thu một cách triệt để.
|
Người bệnh và người đi nuôi bệnh đông việc sử dụng các nhu cầu thiết yếu khiến bệnh viện phải 'gánh' nhiều chi phí, đặc biệt là nước vì tâm lý chung của mọi người đã đóng tiền viện phí nên... xài cho đáng. |
Những ngày qua, việc Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức TP.HCM thu phí 30.000 đồng/ngày với người nuôi bệnh tại khoa Hồi sức gây nhiều bức xúc.
Về việc các bệnh viện thu phí thăm nuôi cũng như nhà lưu trú, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM – cho biết, hiện Sở đã yêu cầu Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức báo cáo về vụ việc.
Qua đây, lãnh đạo Sở hiểu được tinh thần của bệnh viện là muốn nâng cao chất lượng phục vụ cho thân nhân người bệnh ngoài việc cải tiến chất lượng phục vụ người bệnh nhưng cách làm chưa đúng.
Theo ông Thượng, việc cung ứng những dịch vụ đáp ứng nhu cầu thiết thực của thân nhân người bệnh như thức ăn, vật dụng cần thiết thay vì thân nhân phải ra ngoài mua cũng chấp nhận được, nhưng nên triển khai theo nhu cầu và thật hợp lý.
|
Chiếc thẻ lưu trú và mức giá 30.000 đồng/ngày/người nuôi bệnh gây xôn xao dư luận những ngày qua |
“Người bệnh nào có nhu cầu gì thì bệnh viện cung cấp dịch vụ đó, đương nhiên người bệnh và thân nhân phải trả tiền cho những yêu cầu này. Còn cách làm thu trọn gói tất cả theo nguyên tắc là không đúng. Do đó phòng tài chính Sở Y tế cũng đã yêu cầu Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức tạm ngưng hoạt động thu tiền và sẽ hướng dẫn bệnh viện cách làm theo đúng quy định của pháp luật”, ông nói thêm.
Phạm An