PNO - Đến tuổi nghỉ hưu, trông chị Phụng vẫn như bốn mươi tuổi. Chị sống tươi vui phơi phới, khiến ai nấy tò mò. Chúng tôi hỏi bí quyết trẻ mãi không già, chị tủm tỉm: “Tôi dùng thuốc”.
Khi nghe câu trả lời của chị, thì lập tức những phụ nữ quen chị hỏi dồn dập thêm câu nữa “Thuốc gì vậy, chị mách cho em để em dùng?”. Chị Phụng đều không trả lời, cho đến ngày nhóm phụ nữ tập hợp được gần dăm chục người, quyết tâm kéo chị Phụng đến một hội thảo kín, ép chị làm diễn giả, để chị buộc phải “khai trung thực” món thuốc bí mật chị dùng để “trẻ mãi không già”.
Hình minh họa
Lúc bấy giờ, chị Phụng mới bắt đầu kể câu chuyện dẫn chị đến món thuốc kỳ diệu. Thuở bé chị sinh ra trong một gia đình nông dân rất nghèo, mẹ chị lại bị bệnh đau khớp, nên không khí gia đình luôn khổ sở trong tuyệt vọng. Chị nhìn thấy sự lam lũ của cha, cảm được nỗi đau đớn triền miên của mẹ trong xương tủy. Chị kinh sợ hoàn cảnh sống ấy và quyết tâm đổi đời.
Qua một người thân giới thiệu, khi vừa tròn 18 tuổi chị Phụng đồng ý cưới một người đàn ông 38 tuổi, đã bỏ vợ. Người đàn ông này hơn gấp đôi tuổi chị, không giàu có, nhưng có công việc, có nhà ở Hà Nội. Đồng ý lấy anh ta, chị Phụng được bứt khỏi nông thôn, lên thành phố sống. Chị coi đó là một bước tiến trong cuộc đời mình, mặc cho trong họ hàng bên gia đình chị Phụng xì xào, rằng chị quá trẻ, phải phí đời cho một người lớn tuổi hơn quá nhiều, sự chênh lệch tuổi tác này sẽ không dẫn đến đồng quan điểm, không hạnh phúc…
Sống với người chồng lớn tuổi, dần dần chị Phụng hiểu hoàn cảnh dẫn đến việc anh bị vợ trước bỏ. Chị vợ trước của anh là người thành phố, phong cách sống lãng mạn, phóng túng, trong khi anh lại là người sinh ra ở thôn quê, lên thành phố làm việc, chọn lối sống tằn tiện, đơn giản. Chị vợ luôn chê anh là “nhà quê”, nên đã cặp bồ. Trước thách thức của vợ, rằng anh là kẻ vô tích sự, anh đã kiên quyết ly hôn. Chỉ sau khi ly hôn chưa được nửa năm, anh lấy chị Phụng, một cô gái măng tơ 18 tuổi, để ngầm minh chứng cho vợ cũ thấy rằng, anh còn cao giá tới mức nào.
Chị Phụng sinh hai đứa con chỉ trong ba năm chung sống với chồng. Khi hai con bắt đầu đi học, thì chị Phụng muốn đi làm. Chị làm bất cứ việc gì người ta cần chị, từ dọn vệ sinh nhà cửa theo giờ, cho đến rửa bát thuê, bán hàng quần áo… Chị không bằng cấp cao đẳng, đại học hay bằng đào tạo nghề, nên chỉ có thể xin được làm những việc chân tay.
Sau đó, muốn nâng cấp công việc, chị đi học nghề kế toán. Chưa kịp xong khóa học, chị Phụng đã xin được việc làm kế toán viên tại một công ty xây dựng. Đó là một trong những khoảnh khắc hạnh phúc nhất đời chị. Chị đi làm với niềm vui phơi phới, chị đã tìm được một chỗ đứng xứng đáng trong môi trường sống thủ đô sôi động. Niềm mơ ước từ thuở bé về sự đổi đời của chị đã trở thành hiện thực.
Nhưng vấn đề hạnh phúc gia đình bắt đầu bị đặt trước thách thức kể từ khi chị Phụng có việc làm ổn định, sáng giá tại công ty lớn. Hình ảnh giỏi giang, năng động, vui vẻ, trẻ đẹp của chị khiến đồng nghiệp yêu mến, nể phục, khiến nhiều người đàn ông bên ngoài săn đón, ca tụng, thì lại khiến chồng chị ghen tuông.
Anh trở thành một người kiểm soát quá đáng mọi quan hệ, việc làm và thậm chí cả suy nghĩ của chị. Không khí gia đình trở nên ngột ngạt kinh khủng, có những lúc, anh tra hỏi chị như tra hỏi tội phạm về từng tin nhắn, từng cuộc gọi điện thoại, từng buổi đi làm về muộn. Chị càng giải thích, anh càng không tin.
Cho đến một ngày, nghẹt thở đến không chịu nổi, chị Phụng bỏ nhà, bỏ chồng con để du lịch một mình. Chị đến một bãi biển yên tĩnh và suy nghĩ. Chị đã đến tuổi bốn mươi, hai con chị đứa hai mốt tuổi, đứa mười chín tuổi, đều đang học đại học, chị không cần quá lo lắng cho con nữa.
Hơn hai mươi năm chung sống với chồng, chị đã chịu nhịn tuân theo mọi quyết định của anh. Nhưng điều đó chỉ đem lại cho chị sự uất ức ngấm ngầm. Liệu chị chịu đựng uất ức như vậy suốt đời có được không? Chị sẽ chịu được, nhưng chị có muốn hay không? Chồng chị có xứng đáng để chị hy sinh bản thân mình cả đời và luôn chiều theo ý anh không?
Sau khi tự hỏi mình những câu hỏi như thế, chị quyết định ly hôn, rất chóng vánh, khiến chồng con chị khá sốc. Chị không nghĩ cho chồng và các con nữa, bởi chị đã lo cho chồng và các con hơn hai mươi năm rồi, giờ là lúc chị có quyền sống cuộc đời của chính mình, làm những gì mình muốn mà không phải day dứt trăn trở xem chồng mình có vừa lòng hay không.
Để sống được theo ý mình, thì chỉ có cách là chọn sống độc thân. Có thời gian rảnh, chị đọc sách, xem phim, khi xem phim Võ Tắc Thiên, chị ấn tượng nhất một câu nói của bà, khi được hỏi rằng bà dùng thuốc gì để luôn khỏe khoắn và tràn đầy năng lượng sống như vậy, Võ Tắc Thiên đã khoát tay chỉ một loạt các chàng trai trẻ và mỉm cười bảo, họ chính là thuốc của tôi.
Ảnh minh họa
Chị Phụng kết thúc bài chia sẻ của mình như thế trong “Hội thảo kín”. Chị không kết luận gì, cũng không khuyên bảo những người phụ nữ lắng nghe chăm chú câu chuyện của chị bất cứ điều gì. Nhưng chị hiểu rằng, mỗi người, sẽ ngấm câu chuyện ấy theo cách riêng của mình, sẽ có người lặng lẽ thay đổi, cũng có người không thay đổi gì. Nhưng ít ra, họ đã được biết đến một hạnh phúc khác, bên cạnh một thứ hạnh phúc quá quen thuộc, đã thành khuôn mẫu, và đôi khi trói buộc phụ nữ.
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.