Thu thuế kinh doanh qua mạng: vẫn dò dẫm, loay hoay

11/01/2021 - 12:40

PNO - Tổng tiền thu thuế trong hai năm 2019-2020 từ cá nhân kinh doanh qua mạng xấp xỉ 1.000 tỷ đồng là còn quá thấp, chưa sát với thực tế...

Các chuyên gia cho rằng, tổng tiền thu thuế trong hai năm 2019-2020 từ cá nhân kinh doanh qua mạng xấp xỉ 1.000 tỷ đồng là còn quá thấp, chưa sát với thực tế bùng nổ nền kinh tế số hiện nay. 

Còn trông chờ ý thức của người kinh doanh

Phó giáo sư - tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh - giảng viên cao cấp Học viện Tài chính - cho rằng 1.000 tỷ đồng mà ngành thuế thu được là khá lớn, nhưng vẫn chưa đủ so với thực tế: “Về nguyên tắc, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào đang kinh doanh ở Việt Nam cũng phải có trách nhiệm đăng ký kinh doanh, đăng ký với cơ quan thuế, tự kê khai doanh thu, tự tính thuế và nộp thuế. Thế nhưng, cơ chế kiểm tra, giám sát của chúng ta còn nhiều vấn đề, đặc biệt là chế tài vẫn chưa đủ mạnh nên chưa thu được số tiền thuế như mong muốn”. 

Theo luật, những người kinh doanh qua mạng phải đăng ký kinh doanh, kê khai nộp thuế như các cá nhân kinh doanh truyền thống
Theo luật, những người kinh doanh qua mạng phải đăng ký kinh doanh, kê khai nộp thuế như các cá nhân kinh doanh truyền thống

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thái Sơn - nguyên Trưởng phòng Thuế thu nhập cá nhân, Cục Thuế TPHCM - cho biết hình thức kinh doanh qua mạng được áp dụng mức tính thuế chung với các lĩnh vực kinh doanh truyền thống. Các cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm phải thực hiện nghĩa vụ đăng ký kinh doanh, kê khai nộp thuế. Nhiều cá nhân lập luận rằng, kinh doanh qua mạng chỉ là công việc làm thêm nên không cần đăng ký, kê khai thuế. Số khác hiểu luật, có đăng ký thuế nhưng lại kê khai doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm hoặc thanh toán bằng tiền mặt. Do chưa có công cụ kiểm tra nên ngành thuế vẫn gặp khó khăn trong việc xác định doanh thu của những cá nhân này. 

Theo ông Đinh Trọng Thịnh, ngành thuế ở nhiều nước ban đầu cũng lúng túng trong việc thu thuế kinh doanh qua mạng. Nhưng họ đã nghiên cứu và đưa ra hình thức quản lý phù hợp, dần dần đưa việc thu thuế vào nền nếp. Đặc biệt, việc áp dụng pháp luật của họ rất nghiêm minh. Ở Mỹ, các ngân hàng phải báo cáo cho thuế vụ mọi cá nhân có tài khoản trên 50.000 USD, bất kỳ công dân Mỹ nào có tài khoản nước ngoài hơn 10.000 USD đều phải khai báo hằng năm. Các hành vi trốn thuế thu nhập cá nhân phải chịu phạt tù từ 2-5 năm, hoàn trả toàn bộ số tiền thuế chưa nộp, tiền lãi, tiền phạt; chính phủ liên bang có quyền từ chối cấp hoặc thu hồi hộ chiếu của những công dân nợ trên 52.000 USD tiền thuế. 

Bộ Tài chính Anh mới đây cũng đưa ra quy định sẽ phạt mức 100 - 200% số tiền thuế không khai báo; những kế toán, tư vấn thuế bị phát hiện giúp khách hàng lách luật trốn thuế cũng bị phạt đúng bằng số tiền thuế đã trốn. “Nước ta cũng có quy định xử phạt nhưng còn khá nhẹ, không quyết liệt nên người kinh doanh chưa tự nâng cao ý thức nộp thuế” - ông Đinh Trọng Thịnh nói. 

Lúng túng với các mô hình mới

Theo các chuyên gia, hiện cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn lúng túng trong việc xác định loại hình kinh doanh, các hình thức thanh toán mới trên các nền tảng số, dẫn đến thu thuế không hiệu quả. Các cổng thanh toán quốc tế như Paypal, Payoneer, Skrill, WebMoney… đang được nhiều cá nhân, tổ chức sử dụng như công cụ trốn thuế. Những cổng này chấp nhận nhiều phương thức thanh toán như mua bán hàng hóa, tài khoản dịch vụ, chạy quảng cáo trên mạng xã hội, nhận doanh thu từ hoạt động trên Google, Facebook, YouTube, chấp nhận mọi đơn vị tiền tệ của các nước qua cùng một tài khoản. 

“Nếu sử dụng các cổng thanh toán Việt Nam thì tiền sẽ được chuyển về các tài khoản ngân hàng của Việt Nam, cơ quan thuế dễ dàng biết được biến động số dư thông qua sự hợp tác với ngân hàng. Nhưng khi họ sử dụng các cổng thanh toán quốc tế, tiền có thể chuyển về một tài khoản nước ngoài nào đó, có thể bán hoặc chuyển số tiền này cho người có nhu cầu, các đơn vị chuyển tiền hộ để thu về tiền Việt hoặc dùng để thanh toán cho việc nhập hàng hóa từ nước ngoài về. Lúc này, cơ quan thuế “bó tay” vì rất khó truy dấu vết dòng tiền này” - ông Nguyễn Thái Sơn nói. 

Ngoài ra, mô hình kinh tế chia sẻ mới nổi lên gần đây cũng khiến ngành thuế lúng túng. Các mô hình kinh tế chia sẻ hoạt động trong môi trường kỹ thuật số, không giới hạn khoảng cách, không bắt buộc có chi nhánh nên việc áp dụng các quy định về thuế để thu thuế, quản lý thuế rất khó khăn. Chẳng hạn, dù có quy định phải đăng ký nghĩa vụ nộp thuế nhưng thực tế, cơ quan quản lý không thể biết được có bao nhiêu lượt giao dịch, doanh thu của dịch vụ lưu trú và thuê phòng qua kênh Airbnb. Luật Đầu tư năm 2014 (sửa đổi bổ sung năm 2020) cũng không có quy định về hoạt động cho vay ngang hàng (P2P lending) hay hoạt động công nghệ tài chính (fintech).

Theo chuyên gia tài chính, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, các dịch vụ trên đang là kênh phân phối, tìm kiếm khách hàng cho các công ty, cá nhân hoạt động cầm đồ, cho vay, tất cả số liệu đều thực hiện trên nền tảng công nghệ, cơ quan thuế rất khó nắm bắt. Một số đối tượng đã lợi dụng mô hình kinh tế chia sẻ để rửa tiền, cho vay nặng lãi, kinh doanh đa cấp. 

“Nếu người tham gia giao dịch cố tình lừa đảo, ẩn danh, mạo danh thì khó có khả năng thu được thuế thu nhập. Hoặc người tham gia không cho vay bằng tiền Việt Nam mà cho vay bằng tài sản ảo thì việc giám sát, thu thuế khá nhiêu khê. Ngoài ra, với sự phát triển cả các dịch vụ thanh toán bằng mã QR xuyên biên giới, dòng tiền thu được từ việc cho vay, cầm cố tài sản vẫn có thể chạy ra nước ngoài để né thuế” - tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận định. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI