Thu thuế dịch vụ xuyên biên giới: Có cách, nhưng làm được không?

11/08/2018 - 08:00

PNO - Cuối cùng, một số cá nhân có doanh thu và thu nhập khủng từ việc bán hàng qua mạng, từ các “ông lớn” Internet cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Google, Facebook, YouTube… trốn thuế trong thời gian qua cũng đã lần lượt bị “sờ...

Dư luận đồng tình

Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh được dẫn lời trên một tờ báo đã bày tỏ sự đồng tình với cơ quan thuế.

Thậm chí, ông cho rằng cơ quan thuế TP.HCM nên có sự tìm tòi và học hỏi các nước bạn để có cách thức thu thuế những cá nhân, hộ gia đình kinh doanh qua mạng hay có thu nhập cao từ Google, Facebook, YouTube… một cách chính xác và nhanh gọn.

Thu thue dich vu xuyen bien gioi: Co cach, nhung lam duoc khong?
Cục thuế TP.HCM quyết liệt truy thu thuế một số cá nhân có doanh thu và thu nhập "khủng" qua mạng nhưng trốn thuế trong thời gian qua. Ảnh minh họa.

Cách làm của Cục Thuế TP.HCM trong việc lần ra dấu vết để truy thu thuế đối với hai cá nhân (1 tại TP.HCM và 1 tại Quảng Nam) có thu nhập “khủng” từ Facebook và Google là khá bài bản và đúng hướng.

Thứ nhất, cơ quan thuế làm việc với một số ngân hàng để tra soát. Việc thanh toán từ các “ông lớn” internet từ nước ngoài cho các cá nhân hay tổ chức ở Việt Nam sẽ tập trung chủ yếu qua ngân hàng, cho nên việc tra soát qua ngân hàng sẽ xác định được dòng tiền vào một cách rõ ràng.

Thứ hai, qua việc tra soát đó, biết dòng tiền đến từ tài khoản của ai.

Thứ ba, cũng theo đó, biết dòng tiền có đích đến là tài khoản nào, của ai. Tên và thông tin tài khoản ngân hàng thường có tính xác thực cao không thể khai man được, trừ trường hợp nhờ người khác đứng tên tài khoản, thì cơ quan thuế phối hợp với ngân hàng cũng dễ dàng truy ra được.

Sau khi tra soát qua ngân hàng, Cục Thuế TP.HCM chọn ra những trường hợp có số tiền thu nhập cao trong hai năm 2016-2017 để truy thu thuế.

Mới đây, Cục thuế TPHCM, đã có văn bản gửi Cục thuế Quảng Nam đề nghị phối hợp truy thu thuế một cá nhân có thu nhập từ Google với số tiền khoảng 727.000 USD (khoảng 17 tỉ đồng) trong khoảng thời gian từ 2014-2017 nhưng không nộp thuế theo quy định.

Trước đó tại TPHCM, một người viết chương trình trò chơi được tải nhiều trên mạng xã hội Facebook, Google, YouTube... và đã chạy quảng cáo trên các chương trình này được trả hơn 41 tỷ đồng trong hai năm 2016-2017 nhưng không kê khai và nộp thuế.

Cục thuế TPHCM quyết định truy thu và phạt 4,1 tỷ đồng, trong đó gần 3 tỷ là tiền truy thu, còn lại là tiền phạt và chậm nộp.

Việc một số cá nhân tại TP.HCM bị Cục thuế truy thu thuế từ thu nhập có được qua quảng cáo trên Facebook, Google được rất nhiều người đặc biệt quan tâm. 

Tất nhiên, như trường hợp cá nhân ở Quảng Nam thu nhập 700.000 USD từ Google đã đi khỏi nơi tạm trú tại TP.HCM, Cục Thuế TP.HCM phải nhờ đến sự hợp tác của Cục Thuế Quảng Nam để truy thu thuế.

Trường hợp này gây ra khó khăn, nhiêu khê nhất định nhưng tóm lại là có thể làm được và dư luận rất ủng hộ động thái này của Cục Thuế TP.HCM và Cục Thuế Quảng Nam.

Nhưng làm sao thu thuế Facebook, Google…?

Đây là một bài toán rất khó và chưa có lời giải cho dù cuối tháng 7/2018 trong hội nghị sơ kết ngành thuế TP.HCM, ông Trần Ngọc Tâm – Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM – đã hứa rằng sẽ tìm cách thu thuế hai “ông lớn” internet trên.

Lâu nay dư luận hay nhắc đến việc “Google và Facebook trốn thuế” vì là trường hợp tiêu biểu, có doanh thu quảng cáo trực tuyến từ thị trường Việt Nam lên đến hàng trăm triệu USD, chiếm tới hơn 70% thị phần, nhưng lại không thực hiện nghiêm việc đóng thuế được cho rằng có mức lên tới vài chục triệu USD.

Nhưng thực ra, cái khó đâu chỉ với trường hợp Facebook và Google, mà còn đó vụ trốn thuế đến mức tự hạ thấp thương hiệu của Uber. Sau khi “bán mình” tại khu vực Đông Nam Á cho Grab, Uber “bỏ chạy” mặc cho vụ lùm xùm về nợ thuế/trốn thuế chưa giải quyết xong.

Theo lãnh đạo Cục Thuế TPHCM, cơ quan này đang chờ phán quyết của Tòa án Nhân dân TP.HCM – nơi Uber đâm đơn lên kiện cơ quan thuế - rồi sẽ tính bước tiếp theo cần phải làm gì.

Trường hợp Uber cũng coi như… sự đã rồi. Nhưng bước đang phải tính trước mắt và tương lai xa là thu thuế Google, Facebook, hay Netflix, Spotify… như thế nào.

Liệu cơ quan thuế có dám mạnh tay tra soát dòng tiền chi trả từ các cá nhân, tổ chức từ Việt Nam cho các “ông lớn” cung cấp dịch vụ xuyên biên giới ở nước ngoài, từ đó có biện pháp xử lý rắn tay đối với các tài khoản nhận dòng tiền thanh toán hay không?

Thu thue dich vu xuyen bien gioi: Co cach, nhung lam duoc khong?
Cơ quan thuế TP.HCM nên có sự tìm tòi và học hỏi các nước bạn để có cách thức thu thuế chính xác và nhanh gọn.

Ngân hàng chính là hệ thống kiểm soát dòng tiền chuyển qua tài khoản một cách tập trung và cụ thể nhất. Tuy nhiên, để triển khai được việc này cần phải có một hành lang pháp lí rõ ràng về thẩm quyền, sự phối hợp và hỗ trợ cùng với trách nhiệm của mỗi bên chứ không thể một cơ quan chức năng đơn phương làm được.

Trong năm 2017, ngành thuế cũng đã triển khai rà soát các cá nhân kinh doanh qua mạng xã hội nhưng chưa kê khai, nộp thuế.

Cụ thể, tại Hà Nội đã rà soát, thu thập cơ sở dữ liệu của 13.422 chủ tài khoản trên mạng xã hội có hoạt động quảng cáo, bán hàng qua mạng, trong đó 1.950 cá nhân đã đăng ký và được cấp mã số thuế để kê khai, nộp thuế.

Tại TPHCM đã gửi 13.145 giấy mời trên 15.297 trang web và tài khoản Facebook do cơ quan thuế thu thập được tới các tổ chức, cá nhân có kinh doanh thương mại điện tử.

Tại Đà nẵng cũng đã rà soát có 11.072 chủ tài khoản, Khánh Hòa có 6.729 chủ tài khoản, Nghệ An có 3.545 chủ tài khoản trên mạng xã hội có hoạt động quảng cáo, bán hàng qua mạng.

Dạ Thảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI