Thủ thỉ với con

14/09/2023 - 06:10

PNO - Nhiều người bảo, một đứa trẻ mới lên 5, lên 10 biết gì mà tâm sự. Nhưng với tôi, việc dạy con, ngoài những lúc nóng nảy la mắng, tôi còn có những lúc tâm sự mềm mỏng với con. Bọn trẻ thực ra biết hết.

Con gái lớn của tôi năm nay học lớp Bốn, đứa giữa học lớp Một và đứa nhỏ nhất chuẩn bị vào lớp Mầm. Việc dạy con của tôi khá nhọc vì 3 chị em chúng cách nhau chỉ vài tuổi và như nhiều đứa trẻ khác, các con tôi đôi khi so bì với nhau.

Buổi tối, nhà tôi nằm ngủ chung một phòng nên tôi hay ưu tiên nằm cạnh bé nhỏ nhất. Bé giữa ban đầu ngủ chung với ba, sau lại đòi ngủ cạnh mẹ. Thế là tôi nằm giữa 2 cô em trong khi cô chị nằm xa một tí. Có vậy thôi mà đôi lúc con bé lớn khóc thút thít, bảo tôi không công bằng, cái gì cũng bắt con phải nhường cho em, đến cả… chỗ ngủ.

Lắm lúc bực mình, tôi nạt bé: “Con lớn phải nhường cho em. Em còn nhỏ, con lớn hơn”. Dù con đồng ý nằm xa nhưng vẫn ra chiều ấm ức. Hiểu ý con, một hôm, nhân lúc 2 em chơi dưới nhà, tôi gọi riêng bé lớn lên nói chuyện. Tôi bảo: “Con ngồi xuống đây, mẹ cần nói với con về chuyện chỗ ngủ. Mẹ biết con còn ấm ức rất nhiều khi mẹ không cho con ngủ gần mẹ mà cho em Pi nằm cạnh. Mẹ làm vậy là có lý do.

3 cô con gái của tác giả luôn thương yêu, nhường nhịn nhau
3 cô con gái của tác giả luôn thương yêu, nhường nhịn nhau

Thứ nhất, em Pi còn nhỏ, suy nghĩ còn non nớt, khi nào em lớn bằng tuổi con, em có sự hiểu biết, lúc đó mẹ sẽ nói chuyện với em để em hiểu. Thứ hai, em Pi cơ địa người rất nóng. Da dẻ em khô và người em thân nhiệt luôn cao. Em bị viêm da, buổi tối là thời điểm em hay ngứa ngáy. Do vậy, em nằm cạnh mẹ để mẹ chà lưng, xoa cho em bớt ngứa.

Con may mắn hơn em, con có làn da khỏe mạnh, không bị dị ứng, không bị viêm da nên con không bị ngứa ngáy, khó chịu lúc ngủ. Thứ ba, con là chị lớn nhất. Mẹ sinh con ra trước nhất nên con được nhiều ưu tiên, được bú sữa mẹ 6 tháng, được mẹ mua quần áo mới rất nhiều, trong khi lúc mẹ sinh Pi, mẹ không có sữa, em phải bú bình từ 2 ngày tuổi. Em cũng không được mẹ mua nhiều quần áo mới, toàn mặc lại đồ cũ của con. Như thế, con phải hiểu là em Pi thiệt thòi hơn con rất nhiều. Con phải biết thương em và nhường em…”.

Khi tôi nói đến đó, con gái lớn của tôi lặng thinh, ra chiều suy nghĩ. Có lẽ những lời nói của tôi cộng với cử chỉ ôm con vỗ về, con đã cảm nhận được tình yêu thương của tôi dành cho con và con đã hiểu chuyện.

Trước khi con xuống nhà chơi, tôi hỏi lại con một lần nữa: “Con có hứa với mẹ là từ nay nhường cho em không? Và con cần hiểu rằng mẹ là người sinh ra 3 đứa nên mẹ yêu cả 3 đứa công bằng như nhau, không đứa nào hơn đứa nào. Có điều, tùy mỗi đứa mà mẹ có cách yêu thương khác nhau như thế”. Con gật đầu rồi lẳng lặng xuống nhà chơi cùng 2 em mà không tỏ thái độ gì khác.

Vài hôm sau, tôi quan sát thấy con đã vui vẻ chấp nhận để em nằm ngủ cạnh tôi mà không tỏ vẻ khó chịu hay cảm thấy bị phân biệt đối xử. Tôi thấy hạnh phúc vô bờ.

Với cô con gái giữa, tôi cũng làm tương tự. Khi không có chị và em, tôi tỉ tê với nàng: “Dù con là em, được chị Po nhường nhịn, nhưng không nên vì thế mà con lấn lướt chị. Không được hỗn với chị, không được đánh chị. Nếu con làm vậy, em Pi có thể học theo và sẽ có thể đánh con, nói hỗn với con. Khi có bất cứ điều gì không đồng ý, không hài lòng về chị Po hoặc em Pi, con có thể nói với mẹ để mẹ giải quyết, đồng ý chứ?”. Nghe tôi nói, con gật đầu. 

Cách dạy dỗ các con của tôi là vậy - khi cứng rắn, khi mềm mỏng, thủ thỉ vào tai con. Ví dụ như mỗi sáng chở các con đi học, tôi tận dụng khoảng thời gian từ nhà đến trường để dạy dỗ.

Ngoài việc hỏi han con đã chuẩn bị bài chưa, hôm nay đi học có quên gì không, học thuộc bài chưa… tôi cũng lặp đi lặp lại lời dạy của mình với các con. Tôi dặn đứa lớn phải nhường đứa nhỏ, tôi dặn chúng phải biết yêu thương nhau, hãy trân trọng thời gian chị em còn sống chung nhà với nhau và xem đó là điều hạnh phúc vì sau này lớn lên, các con sẽ đi học xa nhau thậm chí đến tuổi lập gia đình sẽ phải ở riêng.

Tôi kể với các con rằng tôi bây giờ có muốn ở cạnh các dì cũng không được, vì mỗi người đều có cuộc sống của riêng mình. Cứ như thế, mỗi ngày tôi lặp lại những điều muốn nói với con, thậm chí có khi trước giờ ngủ, tôi lại một lần nữa tỉ tê, tâm sự. Tôi thấy hiệu quả, con có tiến bộ, có tiếp thu và thay đổi. 

Huyền Nga

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI