Thử thách kép dành cho các bà mẹ

03/07/2022 - 06:30

PNO - Sau kỳ nghỉ thai sản và khoảng thời gian dài làm việc tại nhà, nhiều bà mẹ đang cảm thấy khó khăn trong việc điều chỉnh nhịp độ để trở lại văn phòng hậu đại dịch. Nhiều người bị trầm cảm và không bắt nhịp kịp với thử thách kép.

 

  Nhiều yếu tố khác nhau (bao gồm việc con của họ sẽ giao ai chăm sóc và nỗi lo về tình cảm gắn kết giữa mẹ và con) khiến các bà mẹ cảm thấy lo lắng khi trở lại văn phòng - ẢNH: iStock
Nhiều yếu tố khác nhau (bao gồm việc con của họ sẽ giao ai chăm sóc và nỗi lo về tình cảm gắn kết giữa mẹ và con) khiến các bà mẹ cảm thấy lo lắng khi trở lại văn phòng - Ảnh: iStock

Khủng hoảng đến cực hạn

Trong khi phần lớn mọi người ăn mừng vì được nới lỏng hoàn toàn các hạn chế do COVID-19, Rachel - một người mẹ ở Singapore - lại cho biết bản thân đang tiến gần đến mức cực hạn. Sau khoảng thời gian dài làm việc tại nhà, cô cũng như nhiều phụ nữ khác đang cảm thấy nghẹt thở và xa lạ khi quay trở lại văn phòng thường xuyên hơn.

Điều này không may lại trùng với thời điểm con cô bắt đầu ốm đau, khiến Rachel phải lo lắng sắp xếp việc chăm con lẫn đáp ứng yêu cầu công việc. “Con tôi bị sốt cao dai dẳng trong năm ngày. Vợ chồng tôi đã đưa con đến ba bác sĩ nhi khoa khác nhau, làm nhiều xét nghiệm nhưng họ không thể xác định chính xác vấn đề. Vào ngày thứ năm, tôi đưa con đến phòng khám khác, bác sĩ yêu cầu chúng tôi cho bé nhập viện. Con tôi nằm viện năm đêm, tôi luôn túc trực chăm sóc. Trong thời gian ấy, tôi suy sụp rất nhiều lần” - Rachel tâm sự.

Rachel liên tục vắng mặt tại các cuộc họp cũng như không thể trả lời email của đồng nghiệp đến mức bị cấp trên phàn nàn. Với những lo lắng và căng thẳng ngày càng gia tăng, cô được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm sau sinh.  

Dù cuộc đấu tranh để trở lại văn phòng có thể bị cộng thêm áp lực vì bệnh tật của con, Rachel không phải là người mẹ duy nhất đang đối mặt với quá trình chuyển đổi đầy thách thức. Nhiều bà mẹ sinh con trong thời kỳ đại dịch và thích sự linh hoạt khi làm việc tại nhà đã than thở về những thay đổi khiến họ không thể thích ứng kịp.

Lauren Fine bên con trai. Cô vô cùng khó khăn để tìm kiếm được một công việc phù hợp -  ẢNH: CNBC
Lauren Fine bên con trai. Cô vô cùng khó khăn để tìm kiếm được một công việc phù hợp - Ảnh: CNBC

Với bà mẹ đơn thân Lauren Fine (38 tuổi, ở Colorado, Mỹ), mất việc làm tại một tổ chức phi lợi nhuận địa phương trong giai đoạn cao điểm bùng phát COVID-19 là điều vô cùng đáng sợ, nhưng việc quay trở lại văn phòng cũng không phải là một lựa chọn tốt. Cô luôn cảm thấy choáng ngợp trước nhu cầu chăm sóc con cái và tìm kiếm công việc phù hợp. Ngay cả quá trình phỏng vấn ở nhiều công ty cũng khiến cô gặp không ít căng thẳng.

“Có lần, tôi đã lọt vào vòng phỏng vấn thứ năm. Tôi hy sinh rất nhiều thời gian, năng lượng và nỗ lực cho việc này. Vậy nhưng sau khi tham gia nhiều cuộc gặp gỡ, tôi nhận thấy điều đó thực sự khó khăn đối với một người mẹ đơn thân”.

Sau bốn tháng, Peyer (người Mỹ, có hai con đang ở độ tuổi tiểu học) mong muốn tìm được việc làm linh hoạt hơn về thời gian: “Công việc của tôi buộc phải di chuyển và ra ngoài thường xuyên để tìm khách hàng. Tôi khó có thể đáp ứng yêu cầu đó vì phải trông con”.

Chỉ hai tháng sau khi nhận việc, Peyer đã phải xin nghỉ vì không thể theo kịp tiến độ công việc. Giờ đây, cô đang vật lộn để tìm kiếm mục đích sống ngoài việc nấu nướng và dọn dẹp. "Đột nhiên, tôi không phải thức dậy và kiểm tra điện thoại vào mỗi sáng sớm. Công việc bận rộn của tôi bây giờ là chăm sóc lũ trẻ. Tôi vẫn liên lạc với các đồng nghiệp cũ và tôi cảm thấy buồn khi họ đi làm còn tôi thì không" - Peyer tâm sự.

Ngay cả trước thời điểm COVID-19 xuất hiện, việc trở lại văn phòng vẫn là một quá trình chuyển đổi đầy thách thức khi những phụ nữ bắt đầu hành trình làm mẹ phải nỗ lực điều chỉnh cuộc sống của họ để hoàn thành nghĩa vụ vừa làm mẹ vừa làm một nhân viên. Nhiều cảm xúc phức tạp bao gồm nỗi lo khi phải xa con cùng sự căng thẳng khi phải đáp ứng yêu cầu công việc khiến họ gần như nổ tung.

Sự xung đột giữa công việc và bản năng làm mẹ gây ra cảm giác tội lỗi và kém cỏi ở phụ nữ, khiến các bà mẹ tin rằng mình đang thất bại cả trong vai trò làm mẹ lẫn làm nhân viên.

Thử thách kép và nỗi sợ bỏ lỡ

Kim Borton (sống tại bang Oregon, Mỹ) vừa làm việc vừa bận rộn chăm sóc hai con nhỏ sáu và bảy tuổi - ẢNH: AP
Kim Borton (sống tại bang Oregon, Mỹ) vừa làm việc vừa bận rộn chăm sóc hai con nhỏ sáu và bảy tuổi - Ảnh: AP

Làm mẹ là một trải nghiệm tuyệt vời đối với bất kỳ phụ nữ nào nhưng nó cũng khiến họ nhiều lần rơi vào hoàn cảnh khó khăn, nhất là thời điểm hậu đại dịch.

Theo một kết quả nghiên cứu do McKinsey thực hiện, tỷ lệ phụ nữ báo cáo về tình trạng kiệt sức và áp lực phải làm việc nhiều hơn luôn cao hơn nam giới. Các bà mẹ phải đấu tranh với sự thay đổi kép trong trách nhiệm gia đình, những trở ngại về sức khỏe tâm thần, trải nghiệm làm việc khó khăn hơn và những áp lực ở chỗ làm - đặc biệt là những bà mẹ da màu và những phụ nữ làm mẹ đơn thân.

Theo New York Times, 68% bà mẹ làm việc ở Mỹ đang lo lắng vì áp lực của việc chăm con cùng sự bất ổn kinh tế trong hai năm qua. Họ vừa phải gồng mình làm việc với 150-200% sức lực để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công ty hậu dịch bệnh vừa lo lắng về khoảng cách giữa cha mẹ và con cái.

Daphne (người Singapore, một giám đốc bán hàng có con gái một tuổi) cho biết: “Trong đại dịch, mọi người sẽ không gọi cho bạn vào nửa đêm hoặc vào cuối tuần vì công việc của họ chậm lại. Họ cũng hài lòng với các cuộc họp qua Zoom. Nhưng giờ đây, Singapore đã mở cửa hoàn toàn, mọi thứ đã trở lại bình thường như trước đại dịch và mọi người đang cố gắng làm việc với 150% công suất để bắt kịp”.

Bà mẹ trẻ tâm sự, khách hàng mong đợi cô gọi 24/7, nhiều người gọi cho cô lúc 10 giờ tối và nếu cô không bắt máy, họ sẽ gọi lại. Mọi người đều mong đợi mọi thứ được thực hiện nhanh chóng hoặc ngay lập tức. Họ cũng không muốn một cuộc họp Zoom, thay vào đó là một cuộc gặp mặt trực tiếp. Điều này trở thành thách thức lớn đối với Daphne, đặc biệt là khi con gái cô đổ bệnh. Không thể làm việc tại nhà toàn thời gian như trước, Daphne đã rất vất vả để thu xếp việc chăm con.

Những người mẹ đang gặp áp lực nặng nề, mắc kẹt giữa việc làm tròn thiên chức và hoàn thành công việc được giao - ẢNH: CNA
Những người mẹ đang gặp áp lực nặng nề, mắc kẹt giữa việc làm tròn thiên chức và hoàn thành công việc được giao - Ảnh: CNA

Bên cạnh những lo ngại về công việc, các bà mẹ còn lo sợ sẽ bỏ lỡ những cột mốc quan trọng trong cuộc đời con, chẳng hạn những bước đi đầu tiên của con. Nhiều người còn cho rằng việc trở lại văn phòng sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ với con.

Tiến sĩ Samir Parikh, bác sĩ tâm thần, giám đốc Khoa sức khỏe tâm thần và Khoa học hành vi tại Fortis Healthcare, cho biết: để vượt qua giai đoạn khó khăn này, những phụ nữ mới làm mẹ cần được người xung quanh động viên, khơi dậy năng lượng tích cực và chia sẻ những trải nghiệm hạnh phúc. Cần hạn chế những nhận xét tiêu cực và làm suy yếu tinh thần của các bà mẹ vì họ cần thời gian và sự trợ giúp để điều chỉnh lại từ quá trình chuyển đổi.

“Khi mới trở lại làm việc sau một khoảng thời gian trống, phụ nữ đều trải qua “cảm giác tội lỗi của người mẹ đi làm” - một thuật ngữ được sử dụng để mô tả cuộc đấu tranh cảm xúc mà phụ nữ phải đối mặt khi nghĩ rằng họ đang bỏ rơi con mình vì công việc và ngược lại” - tiến sĩ Samir Parikh chia sẻ.

Để giúp họ cảm thấy thoải mái trong thời gian trở lại, những người mới làm mẹ cần nhận được sự cảm thông, giúp đỡ của đồng nghiệp và cấp trên. Đừng chỉ trích, hãy đưa ra những lời lẽ tích cực và bình đẳng. Hãy thể hiện sự quan tâm thực sự đến những đứa trẻ nếu họ chia sẻ với bạn về chuyện gia đình. Hơn hết, cần có sự công bằng thể hiện qua việc đánh giá đúng năng lực của các bà mẹ trẻ thay vì luôn cho rằng việc họ chăm sóc con cái là điểm yếu. 

Chung Thu Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI