“Bão” asen đã ngưng càn quét, nhưng hậu quả để lại ở Phú Quốc - thủ phủ nước mắm Việt vẫn còn đó, với nỗi ngơ ngác đến bần thần cho dân xứ đảo. Bão đó không làm chết người, nhưng khiến họ chết đứng chết ngồi với những cay đắng tổn thương đang đeo bám họ...
1. 8g sáng ngày 29/10. Nước từ các bao cá chảy xuống tận chân họ, trộn với mồ hôi, tạo thành một thứ nước đen trỉn, hôi hám. Nhìn họ không khác gì công nhân lò than. “Trời không nắng là may đó, không thì anh đứng đây không chịu nổi đâu”, một người khuân vác lớn tuổi, quệt mồ hôi, lên tiếng. Họ làm thuê cho doanh nghiệp nước mắm Phú Hưng, thị trấn Dương Đông, H.Phú Quốc.
Cá xì ra nơi đầu bao, chưa rục, nhưng đã oải ra vì ăn muối từ lúc được đánh lên. “Chừng này là 15 tấn đó anh. Mỗi tấn tụi tôi được 80 ngàn”. Bốn người. “Phải vác hết trong ngày hả?”. “Chứ sao, cá đến lúc vô thùng mà”, ông Hai Thuấn nói. Bao tải oằn trên vai họ, nước cá chảy xuống ngực, sau lưng, ướt đẫm.
Ông Hai Thuấn nghiến răng trèo lên thang cao ngất bắc lên thùng để đổ cá. Lưng chừng giữa thang, giọt mồ hôi trên mặt ông túa ra, rơi va xuống thùng. Giây phút đó như dài đằng đẵng, mặn chát đầu lưỡi, như nước mắm cốt mà tôi nhúng ngón tay thử ở thùng.
“Bữa nhà thùng nghỉ làm vì tin mắm có độc, mấy anh làm gì?”. Tư Huân thả bao cá xuống cái bịch: “Thì kiếm chỗ phụ hồ, không thì đói. Vụ đó trung ương nói rồi mà”. Nếp nhăn trên mặt ông Hai Thuấn như sâu hơn: “Thì nói rồi, nhưng chơi kiểu đó mà kéo dài thì bầm giập luôn, nếu thiệt như vậy thì dân làm mắm… teo luôn. Mà sau này có còn kiểu vậy nữa không ta? Ngán quá xá”.
Tôi về Phú Quốc khi cơn bão có tên “asen” trong nước mắm vừa quét qua. Bão không đến từ biển, nó đến từ truyền thông, không biết vì động cơ gì, vì đâu, ai đứng đằng sau đó. Lịch sử truyền thông ở xứ mình chưa có cơn sóng nào ghê gớm như lần này, bởi nó quét trúng yếu huyệt, tạo con mắt bão ngay trong chén nước mắm trên bàn ăn mỗi nhà. Bão đã ngưng, dư âm còn đó.
Chị chủ nhà nghỉ, khi tôi đứng chờ bắt xe ôm, góp chuyện: “Vụ đó rầm rầm nghen. Khách du lịch hỏi em nhưng mình là dân có biết gì, chỉ nói tui ở đây ăn có thấy gì đâu, nhưng nghe mà sợ. Em quê Phú Yên, có đứa bạn ở Đông Hòa vừa đưa xưởng mắm vào hoạt động được hai tháng, bể liền, giờ nghe nói phải chở từng can đi bán, tội nghiệp”.
Tôi ra quán bánh canh gần cầu Nguyễn Trung Trực bắc qua sông Dương Đông, kêu chủ quán: “Nước mắm có độc không?”. Bà chủ tóc bạc, đẩy dĩa ớt về phía khách như dỗi hờn: “Ai cũng hỏi vậy, nghe ngán quá. Thời buổi sao kỳ quá, toàn thích kiếm chuyện ngược đời phá người ta. Bữa trước khách không ăn nước mắm vì sợ, chỉ xịt nước tương, tôi buồn lắm. Nhưng đúng là nói riết mình cũng sợ theo. Rồi con gái đi chợ mang tờ giấy in ở mấy tiệm về là nước mắm công nghiệp mới không độc, lo lo sao đó…”.
Sợ hãi đã đi qua, nhưng nỗi ngơ ngác đặc quánh còn vương ở bao người. Nước mắm như máu thịt của dân Phú Quốc, bất luận họ làm nghề gì. “Ông già vợ tôi trước đây làm nhà thùng ở An Thới, giờ còn hỏi ở trên nói chắc chắn rồi phải không? 80 tuổi rồi, lần đầ u nghe chuyện trên trời rớt xuống đó! Tôi ngày nào cũng ở ngoài đường, quán nhậu cà phê rầm rầm nước mắm có thạch tín, mình la vợ đi chợ về sợ ăn nước mắm chết. Nhưng nghĩ cũng ớn, biết đâu người ta làm khoa học nói có sách vở? Tôi từng đi bạn đánh cá, uống nước mắm cốt chữa đau bụng, lặn biển, thấy đỡ lắm…”.
Tôi mường tượng cơn bão đó như dòng nham thạch thiêu cháy dân làm mắm trong nỗi bàng hoàng. Họ không bao giờ biết, cha ông cũng không truyền lại ngón nghề nào để chống trả đợt tấn công bất ngờ này. Chết đứng như con cá gặp muối. Chủ tịch thị trấn Dương Đông là ông Trương Quốc Thanh, như sắp sẵn câu trả lời, là ảnh hưởng dữ chứ anh, uy tín, tinh thần, lợi nhuận của bà con, chính quyền cũng chỉ biết kêu gọi bà con bình tĩnh…
Như từ trên trời, chưng hửng, ba trợn… những từ, cụm từ không phải chờ ra đây mới nghe từ đàn bà đến đàn ông ở xứ đảo nước mắm này thốt lên. Nhưng phải nói là ở ngay thủ phủ này, những lời đó như độ mặn chát pha đắng đến thắt họng chứ không có vị hậu ngọt của nướ c mắm Phú Quốc muôn đời nay. Anh hướng dẫn viên thuyết minh cho khách du lịch từ Bắc vào điểm tham quan nhà thùng Khải Hoàn, vỗ tay vào thùng gỗ: “Không có độc đâu các chị, người ta làm mắm hoàn toàn tự nhiên”.
Không dễ gì nó xóa đi được nỗi bán tín bán nghi của khách, của người tiêu dùng. Bão từ biển, từ trời, dài lắm là một giờ rồi tan khi vô đất liền, biết trước mà chạy núp, nhà sập thì làm lại. Còn bão này nó không làm đổ nhà, người chết tức thì, mà xát muối vào mắt dân làm mắm, đào cái hố sâu hoắm đau đớn trong lòng họ. Nó khiến chết từ từ, và nếu có kháng sinh đặc hiệu đi nữa, thì vết thương đó không dễ gì ngày một ngày hai mà lành.
2. Vừa đổ muối vào cá trên thùng, ông Nguyễn Văn Giáo, Giám đốc doanh nghiệp nước mắm Phúc Hưng vừa muốn bồi thêm cho cái lẽ đương nhiên, quang minh chính đại của nghề: “Thì cũng nguyên tắc từ thuở ông bà là ba cá một muối, từ tháng thứ chín trở đi là rút nước, đảo cá, bơm nước đó vô lại, chờ đủ hai tháng nữa là cho ra mắm. Cá này ghe đánh ở khơi, rửa sạch, vô muối, chượp liền và cho xuống hầm, rồi chở về. Trước khi cho vô thùng, mình phải đánh giá con cá cần bao nhiêu muối để cho thêm”. “Đánh giá tình trạng đó dựa vô kinh nghiệm là chính…”.
|
“Ừ, cha ông dạy, mình quen chứ ai bày được, em có nghe người ta hay nói là cá có độ mặn cao không? Nói vậy là không đúng, chính xác là độ mặn vừa đủ, không có cao thấp ở đây. Ông bà dạy không bao giờ sai, như là chuyện ứng xử ở đời đó em. Người ta nói nước mắm truyền thống có asen độc, nói vậy là báng bổ cha ông tổ tiên mình. Họ quên rằng, nước mắm Phú Quốc được bảo hộ, chỉ dẫn địa lý từ Liên minh châu Âu, với quy chuẩn cực kỳ nghiêm ngặt. Nhưng lần này nó đánh vô thói quen, sức khỏe, nên dư luận lo”. “Anh có sợ không?”. “Không, nhưng nghe mà bàng hoàng. Doanh thu sụt, vì đứng sựng hết trong 10 ngày đó. Giờ thì trở lại rồi, nhưng chậm lắm, nó chơi mình một cú nghiệt ngã thiệt”.
Những ngày đó, không cần phải đi dọc miền biển để thấy nỗi đớn đau trong mắt dân làm mắm, mà như sự cộng cảm từ một bọc trứng, dân thành phố, núi cao cũng nhìn nhau, hỏi mà không có câu trả lời: sao kỳ lạ vậy? Thế mới biết, cơn bão nhân tạo này có sức tàn phá dữ dội. Bởi có thành trì nào mạnh bằng lòng người, vậy mà chớp nhoáng, nó quật cái rẹt, chết lâm sàng từ Bắc đến Nam.
Nét mệt mỏi đọng cứng trên mặt bà Hồ Kim Liên, Giám đốc doanh nghiệp nước mắm Khải Hoàn, Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Phú Quốc: “Nghe tin chị sững sờ, rồi chị em các nơi chạy qua đây, í ới Liên ơi giờ tính sao? Biết tính sao, mình làm theo nghề cha ông, làm gì có độc, giờ bình tĩnh chờ Nhà nước có ý kiến. Thiệt hại chưa thống kê được, các doanh nghiệp đang rà lại.
Từ ngày đó đến ngày 22/10 khi Bộ Y tế công bố, 85 cơ sở làm nước mắm truyền thống ở Phú Quốc đóng cửa, hàng ứ lại, bán không được, nhưng lương công nhân phải trả. Mà đâu chỉ cơ sở làm mắm, tàu ghe đánh cá cơm cũng dừng làm, bạn hàng không mua, cơ sở muối cũng đình đốn. Các đại lý điện về, vừa than hàng bán không được, bị gỡ xuống khỏi siêu thị, vừa lo lắng không biết làm sao. Tất cả như ngồi trên đống lửa. Giờ bán lại nhưng chậm lắm. Nhưng kinh tế không bằng tinh thần. Sốc hết”.
Giọng bà như héo đi: “Bữa đó chị nghĩ hoài, ai gieo rắc tin này, ác quá! Nếu nước ngoài họ muốn phá hoại kinh tế nước mình, thì đành, nhưng nếu là người Việt thì không thể tưởng tượng nổi. Bà con làm mắm ba miền, sống với nghề thật thà lắm, tung tin vậy chỉ có giết dân. Mắm Phú Quốc đã bán chậm, nên cái kiểu làm ăn không tử tế vậy, chỉ thêm khổ. Chị muốn khuyến nghị Nhà nước, sự cố này là cơ hội để nhìn lại, làm thế nào để giữ vững thương hiệu truyền thống quốc gia, từ lập hành lang pháp lý, lập làng nghề đến bảo tồn nghề nước mắm, để con cháu làm theo”.
Tôi bước từ nhà thùng ra, mùi mắm đẫm người. Nhìn từng giọt nước mắm thơm nồng sóng sánh màu hổ phách từ thùng gỗ nhỏ xuống, như cơn sinh hạ khó khăn và đong đầy yêu thương. Để có chén nước mắm thơm lừng, con đường đó đi qua bao cung bậc từ mồ hôi, ý chí và cảm xúc bao người, gửi gắm trong đó nỗi thiết tha, hoài vọng áo cơm, lòng thiệ n lương và tự tình dân tộc. Cú quét này có tên tổn thương. Đau như chén nước mắm dính bùn.
Trước khi asen quét, bà Liên cho hay, các nhà thùng ở xã An Thới đã nghỉ làm hết rồi, vì nguyên liệu thiếu, đầu ra khó khăn. Và có ngờ đâu, cơn bão Formosa từ xa lắc miền Trung mà quét tới trong này. Dân thu gom cá cơm ngoài đó chạy vô tới đây, mua cá cơm hấp và sấy, bán ngay. Cuộc chiến cạnh tranh giá cá cơm khốc liệt, từ trung bình 16.000đ/kg, vọt lên 24.000đ, đẩy giá một chai nước mắm lên 2.000-3.000đ; ngư trường cạn kiệt… Bão dồn dập, tan đi rồi còn lại nỗi xác xơ.
Tôi đi qua những nhà thùng, hít căng lồng ngực mùi nước mắm. Dân miền Trung gánh họa Formosa và bây giờ là dân làm mắm sấp ngửa vì bão bất lương. May mà chặn được, không thì nó có thể nhấn chìm tan nát, xóa sạch. Dải đất hình chữ S này gồng lên để đi qua gian khó, cần lắm lòng tự hào dân tộc, bởi đó là bài học ngàn đời của người Việt.
Nếu như nước mắm truyền thống vươn xa, mạnh ra thế giới, thì cũng thêm một viên gạch xây ngôi nhà Việt vững chãi hơn. Một giọt nước mắm mặn mòi từ chiếc lu của mẹ, đủ giữ được cả gia đình trong cơn rét buốt, thì hà cớ gì không trân trọng, yêu thương?
Trung Việt