Thủ phủ cá sấu điêu đứng vì dịch COVID-19

07/09/2020 - 06:57

PNO - Bạc Liêu là tỉnh có số lượng cá sấu nuôi lớn nhất cả nước, với hơn 295.700 con. Từ “con cá đổi đời”, khi dịch COVID-19 bùng phát, giá cá sấu rẻ như cho, các chủ trại khóc ròng vì không biết xoay xở ra sao.

“Banh xác rồi! Tiền mồi màng (thức ăn) thì cao mà giá mua giảm miết” - bà Huỳnh Kim Đơn, chủ trại nuôi cá sấu có tiếng ở ấp Long Thành, thị trấn Phước Long, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, than thở khi thấy mấy cán bộ kiểm lâm ghé vào hỏi thăm tình hình xuất khẩu cá sấu vào cuối tháng 8/2020.

Phất lên từ nghề nuôi cá sấu, gia đình bà Kim Đơn từng được xem là gương điển hình về “kinh tế cá thể” tại địa phương nhưng do dịch COVID-19 kéo dài, gia đình bà lâm vào cảnh khó khăn.

Cá sấu kêu rên vì bị bỏ đói 

Hàng loạt trại nuôi cá sấu ở tỉnh Bạc Liêu điêu đứng vì cá sấu rớt giá, không được thu mua do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
Hàng loạt trại nuôi cá sấu ở tỉnh Bạc Liêu điêu đứng vì cá sấu rớt giá, không được thu mua do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Phía sau căn nhà xây bề thế của bà Kim Đơn là một dãy chuồng nuôi cá sấu được che kín, khá yên ắng. Thế nhưng, vừa nghe có tiếng bước chân đến gần, bầy cá sấu đang nằm bất động lập tức quẫy mình, lao ào ào xuống nước. “Chúng bị bỏ đói mấy hôm rồi nên tưởng có người tới cho ăn” - bà Kim Đơn giải thích khi chúng tôi ngạc nhiên trước sự phản ứng dữ dội của bầy cá sấu đang độ tuổi trưởng thành, mỗi con chừng hơn 10kg. 

Bà Kim Đơn cho biết, trước đây, ngày nào cá sấu cũng được cho ăn nhưng từ lúc giá thu mua rớt xuống, cả tuần, cá sấu mới được ăn một lần. “Cho ăn thường xuyên như trước, chắc phá sản. Phải nuôi cầm chừng, đợi khi nào được giá thì mới cho ăn thúc (ăn nhiều) để bán. Mà không biết có giữ được bầy cá đến lúc đó không nữa” - bà Đơn lại thở dài.

Nuôi cá sấu từ năm 2003, sau nhiều năm thành công, gia đình bà Kim Đơn có tiền xây căn nhà lớn và mở rộng quy mô chuồng trại. Không ngờ, dịch COVID-19 bùng phát, giá thu mua liên tục giảm, đến nay, thương lái cũng không thèm hỏi tới.

“Năm 2014, giá bán cá sấu thương phẩm 240.000 đồng/kg, giờ giá chỉ còn vài chục ngàn đồng/kg, rẻ như cho. Mà cho không cũng chẳng ai lấy vì dính tới giấy tờ kiểm dịch, xuất đi mệt lắm” - bà Kim Đơn rầu rĩ.

Hiện trại nuôi của bà Đơn đang có 1.600 con cá sấu thương phẩm (từ 10-12 kg/con) đã đến lúc xuất chuồng nhưng không bán được. 

Trại nuôi của ông Đỗ Văn Khởi ở thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu cũng có 1.200 con cá sấu thương phẩm, đang được nuôi cầm chừng vì không bán được. “Nếu bán lấy thịt, giá chỉ khoảng 2.000 đồng/kg, còn lột da để bán thì phải thuê đơn vị có chuyên môn, rồi phải làm giấy tờ, rất mất công” - ông Khởi nói.

Nuôi cá sấu từ năm 2008, chưa lúc nào ông Khởi rơi vào cảnh khó khăn như hiện tại. “Bán không được, nuôi cầm chừng cũng không xong vì tiền thức ăn tốn kém quá. Nghe thương lái nói bao giờ hết dịch COVID-19, họ mới thu mua trở lại. Mà biết chừng nào mới hết dịch? Đến lúc đó, giá có tăng hay không, cũng chẳng biết” - ông Khởi chậc lưỡi. 

Tình cảnh tương tự cũng đang diễn ra ở nhiều trại nuôi cá sấu ở tỉnh Bạc Liêu mà chúng tôi khảo sát từ cuối tháng 8/2020 đến nay. Trong đó, có nhiều hộ mới bắt đầu nuôi, gặp phải đợt dịch kéo dài nên tình cảnh càng bi đát.

Anh Mai Hoàng Đen - ở thị trấn Phước Long, huyện Phước Long - bắt đầu nuôi cá sấu từ năm 2018, chưa xuất bán lần nào, giờ đang “ôm” mấy ngàn con cá sấu con.

“Thấy người ta nuôi cá sấu có ăn, tui cũng đầu tư mấy tỷ đồng xây chuồng trại, nuôi thử. Không ngờ xảy ra đại dịch, thương lái họ không mua nên đành chịu chứ chẳng biết tính sao” - anh Đen bày tỏ. Hiện anh cũng nuôi cầm chừng, cả tuần mới cho cá ăn một lần vì không có kinh phí.

Nhiều chủ trại nuôi kể, do bị bỏ đói nhiều ngày nên buổi tối, lũ cá sấu thường kêu rên rất tội nghiệp. “Lúc đầu, nghe tiếng kêu rên, tụi tui không hiểu lý do, tưởng cá bị bệnh; một thời gian sau, mới biết do chúng bị bỏ đói. Thấy cũng tội mà cho ăn thường xuyên thì không có tiền” - anh Diệp Kiện Đức, chủ trại cá sấu ở ấp Tân Tạo, thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, bộc bạch.

Thị trường bấp bênh, vẫn muốn nuôi nhiều 

Theo thống kê sơ bộ của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bạc Liêu, tính đến tháng 8/2020, ở hai huyện Hồng Dân và Phước Long - nơi có nhiều trại nuôi cá sấu nhất tỉnh Bạc Liêu - đã có hơn 295.700 con cá sấu đang được nuôi.

“Hiện nay, Bạc Liêu là tỉnh có số lượng cá sấu nuôi lớn nhất cả nước. Nếu xem huyện Hồng Dân và Phước Long là thủ phủ cá sấu của Bạc Liêu thì tỉnh Bạc Liêu cũng là thủ phủ cá sấu của Việt Nam” - một cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bạc Liêu nhận định.

Trong một báo cáo về công tác quản lý nuôi động vật hoang dã gần đây, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bạc Liêu cho biết, Bạc Liêu là tỉnh có phong trào gây nuôi động vật hoang dã từ những năm 1990, trong đó đa phần là cá sấu nước ngọt, chiếm tỷ lệ khoảng 90% tổng số các loài hoang dã được gây nuôi tại địa phương này.

“Trước đây, đa số gia đình gây nuôi cá sấu là hộ nghèo, ở vùng sâu, xùng xa. Gần đây, nghề gây nuôi cá sấu đã phát huy hiệu quả trong việc giải quyết lao động nhàn rỗi, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho số lớn nông dân” - báo cáo thể hiện.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bạc Liêu, trước đây, theo Nghị định 32/2006, cá sấu nước ngọt nằm trong danh mục IIB nhưng hiện nay, theo Nghị định 06/2019, cá sấu nước ngọt thuộc nhóm IB (nhóm quý hiếm, nguy cấp) nên từ đó phát sinh nhiều thủ tục hành chính, gây khó khăn cho các tổ chức và người nuôi. Cụ thể, người nuôi phải đăng ký mã số gây nuôi, xác nhận nguồn gốc để vận chuyển, mua bán cá sấu và các sản phẩm từ cá sấu.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bạc Liêu nhìn nhận, thị trường tiêu thụ cá sấu không ổn định và việc nuôi động vật hoang dã cũng thiếu định hướng. Do sự phát triển tự do và thị trường bão hòa, dư thừa, sản phẩm không bán được.

Từ thực tế này, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bạc Liêu kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh báo cáo để UBND tỉnh có văn bản xin ý kiến của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét thực tế tại địa phương, phân cấp cho tỉnh cấp mã số trại nuôi, xác nhận nguồn gốc gây nuôi cá sấu nước ngọt đơn giản, thuận tiện hơn để khuyến khích nghề nuôi này, giúp nghề nuôi cá sấu tiếp tục phát triển.

Trao đổi với chúng tôi, hầu hết các chủ trại nuôi cá sấu ở tỉnh Bạc Liêu cho rằng, cá sấu rớt giá và không được thu mua là do thị trường Trung Quốc ngừng hoạt động, nhưng do việc mua bán thường thông qua thương lái nên người nuôi không biết phải xoay xở ra sao. 

“Lâu nay, hễ cá sắp xuất chuồng là thương lái tới thu mua, gom bán sang Trung Quốc. Từ lúc dịch COVID-19 bùng phát, họ không mua nữa nên cá không bán được. Bà con ở đây cũng chỉ biết là do ảnh hưởng bởi thị trường Trung Quốc chứ không biết cụ thể ra sao, cũng không biết cách nào để xuất đi được” - bà Kim Đơn và nhiều chủ trại nuôi cá sấu bày tỏ sự âu lo. 

Cá sấu có lây bệnh cho người?

Về những cảnh báo liên quan đến nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ động vật hoang dã sang người sau khi dịch COVID-19 bùng phát, trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Nguyễn Duy Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Bạc Liêu - cho biết, từ trước đến nay, tại tỉnh này, chưa xảy ra tình trạng cá sấu lây bệnh cho người. 

“Năm 2014-2015, có tình trạng cá sấu con bị mù mắt hàng loạt do nhiễm khuẩn (chiếm tỷ lệ từ 15-20% trên tổng đàn cá sấu con toàn tỉnh) nhưng bệnh này không có nguy cơ lây sang người. Cá sấu xuất bán khỏi địa phương đều được kiểm dịch. Nếu xuất sang nước ngoài, việc kiểm dịch sẽ do Thú y vùng VI hoặc vùng VII (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện” - ông Hưng thông tin.

Trung Thanh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI