Thủ phủ bánh chưng Vĩnh Hòa đỏ lửa những ngày cuối năm

25/01/2025 - 07:35

PNO - Không chỉ vào Nam, ra Bắc, bánh chưng Vĩnh Hòa nay đã được đóng gói gửi ra nước ngoài để người Việt làm việc xa xứ cảm nhận được vị tết của quê hương.

“Gói tết” cho muôn nhà

Tết ở làng Vĩnh Hòa (xã Đông Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) những ngày này dường như đã rất gần với mọi người, mọi nhà khi không khí gói, nấu bánh chưng đã nhộn nhịp khắp đường làng, ngõ xóm. Bánh chưng ở Vĩnh Hòa được làm quanh năm, song lớn nhất là vào tháng Chạp để phục vụ thị trường tết. Cuộc sống ngày càng tất bật, nhiều gia đình chọn mua bánh chưng sẵn để sử dụng dịp tết thay vì tự gói nên vụ bánh tết ở Vĩnh Hòa ngày càng rộn rã hơn. Người dân làng nghề làm bánh chưng lớn nhất xứ Nghệ thường nói vui đây là dịp “gói tết” cho muôn nhà.

Những ngày cận tết, bà Châu phải huy động tối đa nhân lực để kịp các đơn hàng cho khách ở xa - Ảnh: Phan Ngọc
Những ngày cận tết, bà Châu phải huy động tối đa nhân lực để kịp các đơn hàng cho khách ở xa - Ảnh: Phan Ngọc

Kiểm tra lại mẻ nhân trước khi giao cho thợ gói bánh, bà Hoàng Thị Châu (51 tuổi) nói, từ 23 tháng Chạp đến 29 tết được xem là cao điểm của vụ bánh tết, bởi thế hầu hết các gia đinh phải huy động tất cả nhân lực, thuê thêm thợ về làm việc. Để kịp cung ứng 15.000 chiếc bánh cho khách hàng, những ngày này bà Châu phải thuê 3 thợ gói bánh về làm việc 12 tiếng mỗi ngày. Con cháu trong nhà cũng được huy động đến phụ giúp rửa, cắt lá dong, đãi nếp, vò gạo…

“Năm nay nguyên liệu làm bánh từ lá dong, nếp, đậu… cho đến công thợ gói bánh đều tăng 10-20% nhưng chúng tôi vẫn giữ giá bánh như tết năm ngoái. Tháng tết cày cuốc, lấy công làm lãi thôi chứ tăng giá nhiều sợ mất khách” - bà Châu nói. Hiện giá bánh chưng ở Vĩnh Hòa được bán với giá từ 70.000-120.000 đồng/cặp và 70.000-100.000 đồng/chiếc bánh tét tùy loại.

Dù mới được công nhận làng nghề từ năm 2008, song nhiều gia đình ở Vĩnh Hòa đã có nhiều đời làm bánh chưng. Chị Phan Thị Kiều (34 tuổi) cho biết: "Nghề làm bánh chưng ở Vĩnh Hòa được truyền từ đời này sang đời khác. Đa số người dân Vĩnh Hòa từ già đến trẻ ai cũng biết gói bánh, dù gia đình có làm nghề hay không. Ngày nhỏ thì đứng xem ông bà, cha mẹ gói bánh, lớn lên chút thì có thể phụ gia đình gói bánh… thế rồi nghề bánh ngấm vào máu thịt lúc nào chẳng hay” - chị Kiều nói.

Mỗi gia đình như một dây chuyền sản xuất bánh khép kín, mỗi người được phân công một nhiệm vụ cụ thể - Ảnh: Phan Ngọc
Mỗi gia đình như một dây chuyền sản xuất bánh khép kín, mỗi người được phân công một nhiệm vụ cụ thể - Ảnh: Phan Ngọc
Công nhân gói bánh thuê được trả thù lao từ 500.000-700.000 đồng mỗi ngày - Ảnh: Phan Ngọc
Công nhân gói bánh thuê được trả thù lao từ 500.000-700.000 đồng mỗi ngày - Ảnh: Phan Ngọc

Không làm nghề gói bánh chưng, song từ giữa tháng Chạp, chị Kiều thường đi gói bánh thuê cho các cơ sở trong làng với tiền thù lao từ 500.000 - 700.000 đồng/ngày. Nhiều người quen ở xa cũng đặt chị Kiều gói bánh chưng để sử dụng trong dịp tết, song chị thường chỉ nhận gói từ 1.000 - 1.500 chiếc. “Làm nhiều thì phải chuẩn bị lắm đồ nghề nên tôi chỉ tranh thủ gói bánh cho gia đình rồi nhận gói cho khách số lượng vừa phải thôi. Hơn 1.000 chiếc bánh thì cũng chỉ cần 1 ngày đêm là xong nên 27 tháng Chạp mình gói rồi chuyển cho khách hàng là vừa” - chị Kiều nói.

Bánh chưng “xuất ngoại”

Được công nhận là làng nghề vào năm 2008, bánh chưng Vĩnh Hòa ngày càng được người tiêu dùng biết đến vì lá xanh, nếp dẻo thơm ăn một lần là nhớ mãi. Nếu như trước đây bánh chưng Vĩnh Hòa chỉ loanh quanh ở chợ làng, chợ huyện thì nay đã được con cháu đưa vươn xa tận TPHCM, Hà Nội, Hà Giang… Thương hiệu được khẳng định, nhiều người cũng tìm về đặt bánh ở đây để ăn tết và làm quà biếu ngày một nhiều. Người dân làm bánh chưng ở Vĩnh Hòa nay chỉ lo không đủ sức làm, chứ chẳng còn lo thị trường tiêu thụ.

Để chuẩn bị cho vụ tết, anh Hạnh mua lá dong đặt kín cả sân nhà - Ảnh: Phan Ngọc
Để chuẩn bị cho vụ tết, anh Hạnh mua lá dong đặt kín cả sân nhà - Ảnh: Phan Ngọc

Tự tay vào tận lò vớt những chiếc bánh chưng còn nóng hổi ra để đưa về quê ăn tết, anh Lê Tuấn (55 tuổi, quê Hải Phòng) cho biết, tết năm nào anh cũng đặt gần cả ngàn chiếc bánh chưng Vĩnh Hòa đưa về cho gia đình và nhân viên trong cơ quan. “Bánh chưng thì ngoài quê tôi cũng có rất nhiều nhưng khi ăn bánh ở đây tôi nghiện luôn. Bánh chuẩn từ lá, nếp đến từng miếng thịt, anh em trong cơ quan ăn rồi cũng nhờ tôi đặt về dùng luôn. Năm nào nếu tranh thủ được thời gian thì tôi về tận làng lấy bánh, còn không thì đặt họ gửi ra tận nơi” - anh Tuấn nói.

Không chỉ vào Nam ra Bắc, những năm gần đây bánh chưng Vĩnh Hòa còn được “xuất ngoại” sang tận Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và một số nước châu Âu - nơi có số lượng lớn cộng đồng người Việt học tập và sinh sống. Những chiếc bánh khi đi xa thường được gói dày hơn rồi cấp đông. Cũng có nhiều người gửi nguyên liệu hoặc bánh sống sang nước ngoài cho con cháu cùng quây quần gói và nấu bánh đón năm mới để phần nào vơi đi nỗi nhớ quê.

Anh Bùi Đức Hạnh cho hay, 10 ngày giáp tết Nguyên đán, vợ chồng anh thường chỉ thay phiên nhau chợp mắt 4 tiếng mỗi ngày để kịp gói, nấu và đóng gói giao gần 3.500 chiếc bánh cho khách hàng ở xa. “Ngoài khách hàng ở TPHCM, Hà Tĩnh, tết năm nay tôi còn nhận làm thêm 500 chiếc bánh chưng gửi đi Đức và Úc. Bánh gửi đi nước ngoài chủ yếu được xách tay hoặc ký gửi hàng nên số lượng không nhiều” - anh Hạnh nói.

Theo anh Hạnh, để có được một chiếc bánh chưng ngon, không chỉ nằm ở cách chọn nếp, chọn thịt tươi ngon, đỗ xanh bùi quánh, hành tía thật già, mà còn cả những bí quyết cha truyền con nối. Bánh chưng Vĩnh Hòa ngon là bởi khi ta cắn miếng bánh dư vị dẻo thơm của nếp hòa quyện với vị bùi của đỗ xanh, lại có thêm chút cay của hành tía, ớt tiêu và thơm ngậy của miếng thịt ba chỉ.

Mỗi dịp tết, anh Tuấn đều tranh thủ thời gian chạy xe từ Hải Phòng vào Vĩnh Hòa mua bánh chưng về ăn tết - Ảnh: Phan Ngọc
Mỗi dịp tết, anh Tuấn đều tranh thủ thời gian chạy xe từ Hải Phòng vào Vĩnh Hòa mua bánh chưng về ăn tết - Ảnh: Phan Ngọc

Tết đến, làng nghề này lại tất bật từ rạng sáng đến đêm muộn. Dù mệt, vất vả nhưng trên gương mặt ai cũng rạng ngời trước mùa vụ được chờ đợi nhất trong một năm. “Mỗi vụ tết nếu cày cuốc nhiều thì cũng có thể kiếm được 50-70 triệu đồng sau khi đã trừ các chi phí” - anh Hạnh nói.

Một cán bộ Nông nghiệp xã Đông Thành cho biết, làng Vĩnh Hòa có hơn 350 hộ, trong đó gần 200 hộ làm nghề bánh chưng, bánh tét và buôn bán, tiêu thụ bánh. Ngày thường, trung bình mỗi gia đình sử dụng khoảng 30kg gạo nếp, nhưng dịp tết tăng lên tới 1,5 tấn gạo nếp để làm bánh. “Thị trường tiêu thụ bánh chưng, bánh tét Vĩnh Hòa chủ yếu là ở trong tỉnh, Hà Nội và TPHCM. Ngoài ra, dịp tết bánh chưng Vĩnh Hòa còn mang ra nước ngoài cho người Việt đang làm ăn xa xứ đón tết theo đường xách tay hoặc ký gửi” - cán bộ Nông nghiệp xã Đông Thành nói.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI