|
Trạm thu phí xa lộ Hà Nội sẽ chính thức hoạt động vào ngày 1/4 - Ảnh: Trường Nguyên |
Phóng viên: Theo quyết định thu phí, người dân ở mặt tiền đường Song Hành xa lộ Hà Nội được giảm 50% mức thu đối với xe ô tô dưới 12 chỗ không sử dụng để kinh doanh, có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn trên 6 tháng trước ngày trạm thu phí xa lộ Hà Nội đi vào hoạt động, vậy tại sao những hộ dân khác sống trên các trục đường gần trạm, hoặc gần đường Song Hành lại không được giảm?
Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1 dài 15,7 km, 12-16 làn xe. Trong đó đoạn 1 từ cầu Sài Gòn đến nút giao Bình Thái (dài 6,2 km, rộng 153 m), đoạn 2 từ Bình Thái đến nút giao trạm 2 (dài 5,3 km, rộng 113 m) và đoạn 3 từ nút giao trạm 2 đến Tân Vạn (dài 4,2 km, rộng 113 m).
Dự án được UBND TPHCM phê duyệt vào năm 2009 với tổng mức đầu tư 2.516 tỷ đồng. Năm 2016 điều chỉnh nâng lên hơn 4.900 tỷ đồng. Hiện nay, toàn bộ trục đường chính từ cầu Sài Gòn đến cuối nút giao Đại học Quốc gia, dài hơn 13 km đã đưa vào sử dụng. Trục đường song hành bên phải hoàn thành 93% và đường song hành bên trái hoàn thành 74%.
|
Ông Nguyễn Thanh Nam: Điều kiện giảm 50% mức thu là đối với những hộ dân sống ở vị trí mặt tiền đường Song Hành, có hộ khẩu hoặc tạm trú trên 6 tháng trước ngày trạm thu phí hoạt động và xe cũng không kinh doanh.
Khi chủ đầu tư xây dựng phương án giá để trình cho thành phố thì địa phương (tức quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức trước kia, nay là TP. Thủ Đức - PV) đề xuất lên và thống nhất trong cuộc họp. Sau đó Sở GTVT tập hợp và báo cáo UBND TP và được thông qua chứ không phải phía Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) đưa ra.
Hơn nữa, các hộ dân hai bên đường Song Hành Xa lộ Hà Nội là đối tượng bị ảnh hưởng trong quá trình thi công dự án nên miễn giảm phí là hợp lý.
|
Xa lộ Hà Nội sau 10 năm được mở rộng là tuyến đường quan trọng nhất của TPHCM, giải quyết được nhiều điểm đen ùn tắc giao thông - Ảnh: Trường Nguyên |
* Dự án kéo dài từ ngã ba Tân Vạn đến cầu Sài Gòn nhưng hiện nay chỉ có trạm thu phí hai chiều ở gần cầu Rạch Chiếc, vậy đối với những phương tiện đi từ hướng Tân Vạn vào trung tâm thành phố, khi đến gần trạm thì rẽ vào các đường ngang khác và không đóng phí. Vậy làm sao để tránh thất thoát đối với những xe này?
- Do đặc thù đường xa lộ Hà Nội có rất nhiều đường ngang. Hiện nay TP chỉ mới chấp thuận cho sử dụng trạm thu phí hiện hữu ở gần cầu Rạch Chiếc. Theo quy định của Bộ GTVT thì trạm thu phí phải nằm trên tuyến đường dự án, trạm này đáp ứng điều kiện, đảm bảo không gian rộng rãi và giảm chi phí khi không phải làm trạm mới.
Trên tuyến đường của dự án hay quốc lộ có nhiều đường ngang, không thể nào đặt hết các trạm thu phí được. Đây là điều chưa được phù hợp. Trạm hiện tại chỉ thu những phương tiện qua trạm thôi, những xe không qua trạm thì chưa thu.
Theo hợp đồng BOT, dự án khi nào thu đủ hoàn vốn chứ không phải thu khoán nên nếu lưu lượng doanh thu thấp thì thời gian thu phí sẽ kéo dài hoàn vốn. Trong trường hợp doanh thu thấp quá thì sẽ đề xuất với thành phố gắn camera để ghi lại những trường hợp như nêu trên để có biện pháp thu sau.
Sau khoảng 1 năm hoạt động, căn cứ tình hình thức tế, nhà đầu tư sẽ tổng hợp lại, cùng đơn vị giám sát và Sở GTVT và các cơ quan liên quan để có giải pháp hiệu quả cho vấn đề này.
|
Từ 27/3, trạm thu phí xa lộ Hà Nội đã tiến hành thu phí thử nghiệm 0 đồng nhằm kiểm tra hệ thống - Ảnh: Trường Nguyên |
Vì sao tổng thể dự án chưa hoàn thành mà vẫn đưa vào thu phí?
Với câu hỏi trên, bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, Phó tổng giám đốc Công ty CII - nhà đầu tư dự án trả lời rằng: Theo kiểm toán Nhà nước, tổng chi phí đầu tư dự án hết năm 2018 là 3.016 tỷ đồng. Hai năm 2019 và 2020, phần lãi phát sinh và bổ sung một số hạng mục cần thanh toán tiếp đã lên 4.085 tỷ đồng. Trong khi đó, tính đến 31/12/2020, do phát sinh các hạng mục còn lại của công trình (do nhận thêm mặt bằng)... nên tổng mức đầu tư đã lên đến 4.905 tỉ đồng.
Theo hợp đồng mà CII ký với UBND TPHCM từ tháng 11/2009, nhà đầu tư phải bỏ tiền ra làm đường và 10 năm sau mới được thu phí hoàn vốn.
Tuy nhiên, do lưu lượng phương tiện tăng, năm 2017 đã hoàn thành thu phí hoàn vốn cho cầu Rạch Chiếc. UBND TP và CII đã đàm phán để ký phụ lục hợp đồng, bổ sung thêm một số hạng mục đầu tư, thời gian thu phí là 1/10/2018. Nhưng khi đến thời điểm đó, CII vẫn không được chấp thuận cho thu phí.
|
Trong thời gian thu phí thử nghiệm, chưa có tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng qua khu vực trạm thu phí -Ảnh: Trường Nguyên |
Hiện nay mặt bằng đoạn Quốc lộ 1 từ cầu vượt Trạm Hai đến cầu Đồng Nai vẫn chưa được bàn giao khiến dự án vẫn chưa thể thi công hoàn thành. Trong khi đó, nhà đầu tư đã hoàn thành tất cả các mặt bằng được bàn giao, từ cầu Sài Gòn đến nút giao Đại học Quốc gia TPHCM và đưa và sử dụng, tức nhà đầu tư đã đáp ứng điều kiện thu phí theo luật định và hợp đồng đã ký.
Khi việc thu phí bị chậm trễ, mỗi tháng CII phải thanh toán 40 tỷ đồng chi phí vốn cho các tổ chức tín dụng cùng nhiều chi phí bảo trì, duy tu toàn tuyến dự án hơn 10 năm qua.
Theo phương án tài chính, nếu dự án mở rộng xa lộ Hà Nội được thu phí hoàn vốn từ ngày 1/10/2018, tổng thời gian thu phí hoàn vốn là 17 năm 9 tháng. Tuy nhiên, nếu chậm thu phí, mỗi năm, thành phố sẽ phải trả lãi vay phát sinh 480 tỷ đồng, và tổng thời gian thu cũng kéo dài thêm 6 năm do lãi vay phát sinh.
|
Theo ghi nhận, hệ thống thu phí tại trạm thu phí xa lộ Hà Nội đã gần như hoàn tất. Từ đêm 27/3, trạm này đã thu phí thử nghiệm 0 đồng nhằm kiểm tra hệ thống. Dự kiến 0g ngày 1/4 trạm thu phí xa lộ Hà Nội sẽ chính thức hoạt động thu phí hoàn vốn cho dự án mở rộng xa lộ Hà Nội.
Thời điểm thu phí thử nghiệm ban đầu, một số tài xế bỡ ngỡ vì trước đây trạm đã ngưng hoạt động, nay "bỗng dưng" hoạt động lại. Các nhân viên phải giải thích rằng, việc thu phí trước đây là hoàn vốn cho dự án cầu Rạch Chiếc (1.000 tỷ đồng), do việc thu phí hoàn vốn nhanh nên trạm đã ngừng thu vào cuối năm 2017. Nay việc thu phí là để hoàn vốn cho dự án mở rộng xa lộ Hà Nội. Hầu hết các tài xế đều đồng thuận sau khi nghe giải thích.
Từ 1/4 tới đây, giá vé đề xuất đối với ô tô dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn là 30.000 đồng mỗi lượt; ô tô từ 12 đến 30 chỗ và xe tải từ 2 đến 4 tấn là 45.000 đồng; ô tô từ 31 chỗ trở lên, xe tải từ 4 đến 10 tấn là 60.000 đồng; xe tải từ 10 đến 18 tấn, xe container loại 20 feet là 120.000 đồng; xe tải trên 18 tấn, xe container loại 40 feet là 170.000 đồng. Xe mua vé tháng và quý được giảm 10% giá vé.
|
Trường Nguyên