Thu phí vào Hội An: Hãy lắng nghe chính người dân Hội An

06/04/2023 - 12:32

PNO - Là một di sản sống, trước hết, Hội An phải sống, phải hoạt động, luân chuyển đêm ngày như nó vốn dĩ... Mất đi chất sống, Hội An, dù đẹp hay cổ kính, cũng chỉ còn là những xác nhà vô hồn.

Trong ấn tượng còn lại của tôi về Hội An gần 20 năm trước là những bà già bán tò he ngồi dọc hai bên vỉa hè, đông nhất là đoạn gần chùa Cầu, với tiếng “huýt huýt” đặc trưng vang khắp phố; những ngôi nhà treo rợp đèn lồng nhiều màu sắc; những bác xích lô, bà bán nước mía có khả năng “bắn” tiếng Anh đầy tự tin, dù là thứ tiếng bồi khi sai khi đúng nhưng vẫn đủ để giao tiếp với những vị khách Tây đi lại đầy phố và những ngôi nhà với chủ nhân luôn sẵn sàng mời khách vào thăm, chỉ dẫn cặn kẽ nhiệt tình.

Du khách tham quan phố cổ Hội An
Du khách tham quan phố cổ Hội An

Hội An thuở “chưa son phấn” ấy có cái chất riêng của mình. Hay nói cách khác, chính cái chất sống ấy là điều làm nên nét đặc trưng của Hội An. Tính trong vòng khoảng gần 20 năm qua, phố cổ ngày nay đã thay đổi rất nhiều: chuyên nghiệp hơn trong việc làm du lịch, khách tham quan cũng đông đúc hơn, hạ tầng cũng được chỉnh trang sạch đẹp hơn, hàng quán, tụ điểm du lịch cũng đa dạng và nhiều “màu sắc” hơn. 

Nhưng cũng nhiều năm gần đây, ở Hội An, là vô số vấn đề gây tranh cãi nổi lên. Gần nhất trong thời gian trước là bán vé lên chùa Cầu, và bây giờ là việc thu phí vào phố cổ.

Bán vé tham quan với một di tích, di sản là điều không lạ. Nhưng bán vé tham quan cho một khu phố cổ, nếu được áp dụng ở Hội An, thì đây là nơi đầu tiên trên thế giới làm việc đó. Tạm bỏ qua những nguyên do “lấy phố cổ nuôi phố cổ” hay để “tạo nguồn thu ngân sách bảo tồn phố cố” được đưa ra để giải thích cho động thái này, xét theo mặt logic từ cái nhìn của một người dân, thì đây là việc làm hết sức khó hiểu, nếu không muốn nói là vô lý.

Hội An là một di sản sống, nó gắn liền với sự sống, sự vận động, luân chuyển của đời sống con người mỗi ngày như bao quần tụ khác trên đời này. Việc quây phố cổ lại để bán vé, thu phí tham quan, vô hình trung, đang chặn đứng mạch sống của nó. Một người vào phố cổ thăm bà con, đi đám giỗ, đám tang, dự cưới… lại phải đứng sau hàng rào soát vé để chứng minh cho việc đó, có người dân ở đô thị nào trên thế giới lại phải làm vậy không? Việc bán vé này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các hàng, quán trong phố cổ, từ đó kéo theo khoản thu của ngân sách tỉnh cũng giảm xuống. Lợi đâu chưa thấy, hại đã hình dung rõ. 

Nhiều năm qua, người Hội An ở lại trong phố cổ không còn nhiều. Giá nhà tăng cao, nhiều ngôi nhà cổ đổi chủ. Sở dĩ người Hội An dần rút khỏi phố cổ để ra sống ở những khu vực xung quanh bởi điều kiện sống trong những ngôi nhà cổ không hẳn dễ dàng. Yếu tố ràng buộc lớn nhất để giữ con người ở lại nơi đây là cái “hương hỏa của tổ tiên” cũng dần không còn mấy quan trọng với lớp người trẻ. Tôi có một người bạn sinh ra và lớn lên trong phố cổ. Cách đây ít lâu, bạn cho biết gia đình đã bán ngôi nhà trong phố để ra ngoài bởi “không ai có thể sống mãi trong điều kiện ấy, khi gia đình đông hơn. Hư hỏng cái gì xây sửa cũng không được. Muốn có thêm cái nhà vệ sinh, bắc thêm đường ống nước, gắn thêm cái máy lạnh thôi cũng khó. Sống hoài sao được”. 

Hàng trăm ngôi nhà cổ còn lại theo thời gian là một di sản quý báu, nhưng di sản ấy sở dĩ có hồn trong mắt du khách, chắc chắn còn là từ những con người sống ở trong đấy. Vậy nên, để có một di sản Hội An hoàn chỉnh, không thể thiếu được con người. Bảo tồn di sản Hội An còn phải quan tâm đến việc đảm bảo cho đời sống của con người trong phố cổ. Không biết, với việc thu phí vào phố cổ, phía cơ quan quản lý đã đặt người dân phố cổ ở đâu trong ý định này, những người mà bất cứ quyết định sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của họ.

Năm 2012, khi nhận giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh, ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, người được xem là “kiến trúc sư trưởng” trong công cuộc bảo tồn và phát triển giá trị của đô thị cổ Hội An đã có một diễn văn đáp từ ghi dấu trong dư luận về gánh chè đậu ván của Hội An. Trong bài đáp từ của mình, ông Sự đã ví von những gánh chè với công thức riêng là biểu trưng cho chất sống của văn hóa Hội An. Nhưng sâu xa hơn, những gánh chè ấy còn nói lên được tinh thần của đô thị cổ Hội An: đó là một di sản sống.

Là một di sản sống, trước hết, Hội An phải sống, phải hoạt động, luân chuyển đêm ngày như nó vốn dĩ, như bao đô thị khác trên thế giới này vốn dĩ. Nếu có là một bảo tàng, Hội An cũng phải là một bảo tàng sống. Đó chính là điều làm nên dấu ấn của nó và thu hút du khách tìm đến nó. Mất đi chất sống, Hội An, dù đẹp hay cổ kính, cũng chỉ còn là những xác nhà vô hồn. Và cũng không ai dám chắc rằng nếu chất sống của Hội An mất đi, thì lợi ích thu được có còn tồn tại hay không.

Nguyễn Quân

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(56)
  • Thanh vũ 09-04-2023 22:37:13

    Tôi sinh ra, lớn lên 32 năm sống hội an, 1996 khi "tây qua" (thời kỳ bước đầu du lịch ngoại quốc), tôi đã tiếp cận. Có thể nói rằng, đặc trưng nhất của phố cổ hội an về đêm là "tiếng guốc khua trên con đường gầy", cho đến nay bản sắc vẫn cơ bản vậy. Chỉ mong một điều rằng, mọi quy định hãy hướng đến hai đối tượng: một là, người bản xứ, hai là giá trị bảo tồn.

  • Lê Bá Cường 09-04-2023 20:21:18

    Bài viết rất hay và xác đáng, hãy để người dân Hội an phát biểu ý kiến của mình.

  • Nguyễn tiến Đạt 09-04-2023 17:56:53

    Tôi là người Ninh Bình xứ sở của du lịch và thắng cảnh ... quê tôi họ thu phí vì đó là do tư nhân họ bỏ tiền ra đầu tư , tôn tạo thì họ phải thu về để duy tu bảo tồn ... còn Hội An là quần thể dân cư tồn tại nhờ các loại hình dịch vụ , đất thì của tùng hộ dân , sao ko lấy thuế ra để duy tu bảo tồn .... nếu thu phí tôi sẽ bỏ ko đến hội an nữa dù đã 3 năm kiên tục tới nơi này

  • Nguyễn Nam 09-04-2023 12:37:37

    Bài viết của tác giả rất hay và phù hợp tp HA cần phải suy nghỉ. Nếu ko lợi sẽ cập hại

  • Hoang Le 09-04-2023 08:01:22

    Bài viết rất sâu sắc , mình chỉ biết xin chia buồn cho những người dân buôn bán ở Hội An thôi. Còn việc mua vé vào tham quan yhif Never

  • Nguyen anh 09-04-2023 01:41:50

    Bài viết hay chính xác

  • Phan Trí 08-04-2023 23:27:37

    Tại sai không trích tiền thuế của các hộ kinh doanh trong phố cổ để trùng tu và ngân sách của nhà nước mà lại đi quây phố cổ lại để thâu. Cứ thâu đi rồi sẽ thấy kết quả liền. Được 1 nhưng mất đến 100. Cứ nhìn vào Nha Trang và Đà Lạt những nơi này 1 thời là điểm du lịch nổi tiếng và không thể thiếu của du khách nước ngoài một khi đặt chân tơia Việt Nam nhưng do chính quyền không biết cách khai thác và phát triển nên giờ họ không đến nữa. Hội An cứ thâu vé đi chỉ cần một năm thôi là thấy kết quả. Cuối cùng thì người dân cũng chịu thiệt chứ mấy ông ngồi trên chỉ đạo có thiệt gì đâu, cao lắm là khiển trách. Haiz.

  • Thanh Thanh 08-04-2023 22:55:50

    Bài viết quá chuẩn chỉ và đúng với ý nguyện của người hầu hàng cũng như du khách thập phương tìm đến. Phố cổ Hội An cũng giống như phố cổ Hà Nội là phải sống thì mới thu hút .

  • Thy Uyen Pham 08-04-2023 22:19:35

    Tôi nghĩ ai muốn vào tham quan những ngôi nhà cổ thì mua vé như ngày xưa, chớ bán vé tạn thu trong khi vào HA có cái gì free đâu, khávh du lịch sẽ tính chi phí họ bỏ ra quá nhiều. Đúng là đuổi khách

  • Trần Tú 08-04-2023 21:54:47

    Bài viết này phân tích rất hay. Tại sao phải tự đặt ra chủ trương thu phí người dân trong và ngoài nước đến thăm phố cổ Hội An. Chủ trương này có được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất không? Mục tiêu thu hút ngân sách của tỉnh cũng dựa vào du lịch chủ yếu là Hội An rồi mới đến Mỹ Sơn, nếu du khách trong và ngoài nước vì chủ trương này mà ít đến thì chính người dân HA và nhiều nhà đầu tư, kinh doanh du lịch, nghỉ dưỡng sẽ làm ăn thua lỗ, không đóng thuế được thì nguồn thu của tỉnh sẽ không đạt. Tôi nghĩ rằng TU, HĐND và UBND tỉnh Q. Nam nên xem xét và chỉ đạo kịp thời về chủ trương thu phí vào phố cổ của UBND TP Hội An.

  • Trương Quang Thuần 08-04-2023 21:17:49

    Vậy là quyết định thu vé vào phố cổ Hội An bị đông đảo người dân phản đối, những du khách ở các địa phương khác đã đến Hội An cũng sẽ không muốn đến lần thứ 2. Có lẽ lãnh đạo Tỉnh Quảng nam nên nghiên cứu lại.

  • Nguyễn Minh Thuận 08-04-2023 20:20:41

    Bài viết rất hay có ý nghĩa thiết thực và nhân văn,hôm trước tôi cũng có bình luận về chủ trương của lãnh đạo Hội An bán vé vào thăm quan:Kinh phí thu được cho ngân sách càng ngày càng ít đi còn đời sống nhân dân càng ngày càng khó khăn hơn (vì khách càng ngày càng ít nên sức mua càng ngày càng giảm)

  • Rolf 08-04-2023 14:15:04

    Rất hay, lãnh đạo nên lắng nghe

  • Phạm vĩnh ohus 08-04-2023 12:58:46

    Chỉ đóng vui khi về đêm nếu có thứ vế thì ra bana chơi đả hơn

  • Tùng 08-04-2023 07:25:58

    Tầm nhìn hạn chế nên đưa ra những quyết sách gây tranh cãi , bức xúc trong dư luận

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI