Thu phí sử dụng lòng đường, hè phố cần minh bạch, công bằng

14/06/2023 - 06:22

PNO - Ngày 13/6, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố của Sở Giao thông Vận tải TPHCM.

Thu phí để tăng cường quản trị

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Văn Phố - Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 6 - đồng tình với chủ trương của dự thảo đề án nhưng cho rằng, không nên thu phí chỉ nhằm tăng thu ngân sách: “Việc thu phí phải nhằm tăng sự quản trị của cơ quan nhà nước, hướng tới việc phục vụ nhân dân tốt hơn”. Theo ông, phải xem xét lòng đường và hè phố ở 3 góc độ: phát triển kinh tế, văn hóa đường phố, chất lượng quản trị của cơ quan quản lý nhà nước. 

Một vỉa hè đường Võ Thị Sáu (phường Võ Thị Sáu, quận 3, TPHCM) bị lấn chiếm, ảnh chụp ngày 13/6 - ẢNH: QUỐC NGỌC
Một vỉa hè đường Võ Thị Sáu (phường Võ Thị Sáu, quận 3, TPHCM) bị lấn chiếm, ảnh chụp ngày 13/6 - Ảnh: Quốc Ngọc

Về kinh tế, đây là kinh tế vỉa hè, nên cần xác định được đối tượng thụ hưởng và bị tác động. Trước mắt, các doanh nghiệp, hộ dân có cơ sở, mặt bằng trên các tuyến đường là đối tượng thụ hưởng; người buôn bán rong, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ gắn với vỉa hè là đối tượng bị tác động.

Về văn hóa, TPHCM có nhiều sản phẩm du lịch, tuyến đường chuyên doanh gắn liền với hè phố. Không nên xem nhẹ việc này cũng như trật tự, mỹ quan đô thị. Dù thu phí, cũng không nên chấp nhận tình trạng không có lề đường để đi, không chấp nhận việc mất trật tự giao thông. Về quản trị, phải bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quá trình thu phí, phải có giám sát, kiểm tra, phải đảm bảo tính dân chủ, công bằng, phải đảm bảo vệ sinh môi trường. 

Bà Hoàng Thị Lợi (Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 1) cho rằng, khi thực hiện đề án, phải giải quyết tốt vấn đề phân cấp quản lý giữa thành phố, quận huyện, phường xã và sở ngành: “Lực lượng nào đi thu phí trong bối cảnh các địa phương đang phải tinh giản biên chế? Cán bộ, công chức bây giờ phải gồng gánh, kiêm nhiệm rất nhiều việc. Cho nên, chúng tôi đề nghị Sở Giao thông Vận tải hay cơ quan chức năng nào thực hiện đề án nên ưu tiên cho người dân tại chỗ thuê, kinh doanh trên lòng, lề đường. Đây cũng là hướng để người dân có thêm thu nhập, giảm nghèo bền vững sau đại dịch COVID-19”.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó chủ tịch thường trực Hội Luật gia huyện Hóc Môn - cho rằng, muốn đề án thành công cần thay đổi nhận thức của người dân: “Người ta luôn nghĩ khoảng trống trước nhà mình là của mình. Nếu chưa thay đổi được tư duy này, rất khó thực hiện đề án”. Ông đề xuất, nên thí điểm việc thu phí ở vài tuyến đường trước, sau đó rút kinh nghiệm để nhân rộng.

Cần nhiều mức phí khác nhau

Bà Nguyễn Thị Minh Sáu - Trưởng ban Công tác mặt trận khu phố 3, phường 17, quận Bình Thạnh - cho rằng, hạ tầng giao thông đường bộ ở TPHCM đang quá tải. Do đó, nếu thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố, chính quyền thành phố cần tính toán kỹ lưỡng, bám sát thực tế và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên. Nhiều người dân không đồng tình bởi quy định này có thể dẫn đến việc lấn chiếm lòng đường, hè phố. Hơn nữa, việc thu phí có thể nảy sinh tiêu cực. Vì vậy, không nên thu phí mà cần trả lại đúng chức năng của lòng đường, hè phố. Theo bà, mức phí nêu trong dự thảo đề án là quá cao so với mặt bằng xã hội. 

Bà Minh Sáu nói: “Theo dự thảo đề án, TPHCM có khoảng 12 triệu m2 vỉa hè, nếu tổ chức thu phí bài bản, sẽ đem về nguồn lợi không nhỏ cho ngân sách. Để vừa sử dụng vỉa hè hiệu quả, vừa có thêm nguồn thu cho ngân sách, đề án cần phải nêu nhiều mức giá khác nhau tùy từng quận, huyện, vị trí và cả các đối tượng nộp phí. Việc thu phí như dự thảo còn khá đơn giản, sơ sài”.

Theo luật sư Trương Thị Hòa - Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ và pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM - đề án là cần thiết và nên được ban hành thành nghị quyết của HĐND thành phố. Theo bà, theo quy hoạch, diện tích hệ thống bến bãi, giao thông tĩnh của TPHCM là 1.146ha nhưng hiện chỉ có khoảng 250ha, đạt tỉ lệ khoảng 22%, diện tích bố trí bãi đỗ xe công cộng chỉ đạt 50% quy hoạch, bãi đỗ xe các loại ở khu vực trung tâm chỉ đạt 18,3%. Hệ thống bến bãi hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu đậu xe các loại.

“Nguồn vốn cho công tác bảo trì đường bộ bao gồm vốn ngân sách chỉ đáp ứng 40% so với nhu cầu, nguồn vốn bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông do UBND các quận, huyện quản lý chỉ đáp ứng khoảng 20% so với nhu cầu, dẫn đến hạ tầng giao thông không được sửa chữa kịp thời, bị người dân phản ánh, phê bình. Do đó, tạo nguồn thu từ việc sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để phục vụ cho công tác xây dựng, duy tu, bảo dưỡng hệ thống hạ tầng giao thông là cần thiết” - bà nói. 

Đã thu phí đậu ô tô trên lòng đường từ năm 2018

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM bên lề hội nghị, ông Ngô Hải Đường - Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở Giao thông Vận tải TPHCM - cho hay, sở đã giao cho Công ty Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong chủ trì, triển khai thực hiện việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ ô tô theo Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐND ngày 16/3/2018 của HĐND TPHCM trên khoảng 20 tuyến đường ở trung tâm thành phố. Khó khăn nhất khi thực hiện nghị quyết này là các biện pháp chế tài, như việc xử phạt qua hình ảnh. Còn dự thảo đề án nêu trên mang tính tổng thể và sẽ giao về cho cấp quận huyện quản lý, khai thác, vận hành việc thu phí. 

Dự kiến thu từ 20.000-350.000 đồng/m2/tháng

Mức thu được nêu trong dự thảo đề án trên dựa vào mức thu được áp dụng ở TP Hà Nội và TP Đà Nẵng và theo bảng giá đất hằng năm do UBND TPHCM ban hành, tỉ lệ phần trăm tính tiền thuê đất theo 5 khu vực.
Dự kiến, mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để trông giữ ô tô, xe máy, mô tô và xe đạp trên các tuyến đường trung tâm của khu vực 1 (gồm quận 1, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận, khu A trong khu đô thị mới phía nam thành phố và khu đô thị mới Thủ Thiêm) là 350.000 đồng/m2/tháng, các tuyến còn lại là 180.000 đồng/m2/tháng; khu vực 2 (gồm quận 2 cũ trừ khu đô thị mới Thủ Thiêm), quận 6, 7 (trừ khu A trong khu đô thị mới phía nam thành phố, quận 11, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân) là 100.000 đồng/m2/tháng và 70.000 đồng/m2/tháng; khu vực 3 (gồm quận 8, 9, 12, Thủ Đức cũ, Tân Phú, Gò Vấp) và khu vực 4 (gồm các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi) cùng mức thu 60.000 đồng/m2/tháng; khu vực 5 (huyện Cần Giờ) đồng mức 50.000 đồng/m2/tháng.

Ngoài ra, mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường cho các hoạt động khác (trừ hoạt động trông giữ xe) đối với các tuyến đường trung tâm của khu vực 1 là 100.000 đồng/m2/tháng, các tuyến đường còn lại là 50.000 đồng/m2/tháng; khu vực 2 là 30.000 đồng/m2/tháng và 20.000 đồng/m2/tháng; khu vực 3, 4 và 5 đồng mức thu 20.000 đồng/m2/tháng.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI