Thu phí sử dụng đường bộ: vừa làm vừa… rút kinh nghiệm

06/05/2015 - 10:13

PNO - PN - Dù quyết định của UBND TP.HCM về tổ chức thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe mô tô có hiệu lực từ 1/5, nhưng đến tận chiều 5/5, hầu hết các quận huyện, phường xã chỉ mới dừng lại ở khâu lập...

edf40wrjww2tblPage:Content

Thu phi su dung duong bo: vua lam vua… rut kinh nghiem

Nhiều địa phương đang đau đầu trong việc lập kế hoạch thu phí sử dụng đường bộ đối với xe gắn máy

Phường, xã còn lo ngại

Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết UBND các phường, xã đều chưa triển khai việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe gắn máy vì còn chờ hướng dẫn của quận, huyện và tập huấn từ Hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ. Nhiều địa phương tỏ ra băn khoăn vì chưa biết sẽ bố trí lực lượng thu phí ra sao.

Chia sẻ trước giờ “G”, ông Nguyễn Ngọc An Khang - Phó chủ tịch UBND P.9, Q.3, cho biết, đối với lực lượng ghi nhận, thống kê phương tiện, dự kiến UBND phường sẽ giao cho ban điều hành tổ dân phố, cảnh sát khu vực, địa chính, thanh tra nhân dân phối hợp thực hiện, đồng thời cử cán bộ kiêm nhiệm công việc này.

“Lực lượng của phường hiện nay mỏng, công việc nhiều, không còn thời gian trống nên nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến công việc chính. Tuyển thêm người cũng không ổn vì công việc này không thường xuyên. Chưa kể, đối với các trường hợp không chịu đóng phí sẽ xử lý thế nào, vẫn chưa có quy định rõ ràng nên khi triển khai chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn”, ông Khang lo lắng.

Tương tự, theo một vị lãnh đạo UBND P.17, Q.Bình Thạnh, hiện lực lượng thu phí đang là vấn đề khiến phường “đau đầu” bởi hiện nay cán bộ phường đang kiêm nhiệm rất nhiều việc.

Trong khi đó, khi triển khai ghi nhận, thống kê phương tiện, chắc chắn cần phải có sự hỗ trợ của lực lượng tổ dân phố. Thế nhưng lực lượng này chỉ là cánh tay nối dài của chính quyền địa phương, không phải là lực lượng chức năng có thể chịu trách nhiệm khi xảy ra sai sót. Vì vậy, nếu trong quá trình ghi nhận, thống kê không đủ, không chính xác, ai sẽ phải chịu trách nhiệm? Ngoài ra, đối với trường hợp người dân cho rằng mua xe nhưng không chạy, xe để trưng bày, xe gửi nhờ… thì áp dụng ra sao?

Trong khi đó, tại P.Tăng Nhơn Phú B, Q.9, tuy chưa triển khai thu phí nhưng bắt đầu ghi nhận, thống kê số lượng xe gắn máy và đã phát sinh nhiều vấn đề bất cập.

Theo ông Lê Bá Thảo - tổ trưởng tổ 4, khu phố 2, P.Tăng Nhơn Phú B, Q.9, tổ của ông đã phát phiếu thống kê xe gắn máy cho dân từ khoảng giữa tháng 4/2015. Có tổng cộng khoảng 60 phiếu được phát ra, nhưng đến nay ông đi “mỏi chân” chỉ mới thu được khoảng 70% số phiếu. Nhiều hộ cho rằng xe họ đang đi là xe mượn, xe ở tỉnh nên không đồng ý điền vào phiếu thống kê. Những trường hợp này phần lớn là người ở trọ. “Tôi đã vận động nhiều lần nhưng họ không nghe, đành chịu thua. Sắp tới thu được bao nhiêu phiếu, tôi nộp cho khu phố bấy nhiêu chứ đi hoài sao nổi” - ông Thảo than.

Riêng đối với vấn đề trách nhiệm của tổ dân phố trong việc ghi nhận, thống kê, ông Thảo băn khoăn: “Tôi chỉ làm giúp thôi, sao phải chịu trách nhiệm”.

Theo ghi nhận, các quận 12, Bình Tân, Gò Vấp, huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè… vẫn chưa triển khai thu phí ngay mà còn chờ hướng dẫn, tập huấn của Hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ.

Chỉ triển khai vài nơi để rút kinh nghiệm

Nói về việc triển khai đề án thu phí sử dụng đường bộ này, một cán bộ của Sở GTVT TP - người trực tiếp tham gia soạn đề án, cho biết: Trong tháng Năm, Sở GTVT phối hợp các sở Tài chính, Cục Thuế TP tập huấn tại 24 quận, huyện và phường, xã về cách kê khai, giải quyết các thắc mắc cho người dân. Sau các đợt tập huấn, dự kiến tháng Sáu sẽ triển khai thu phí tại một vài địa phương nhằm rút kinh nghiệm và kiến nghị xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh. Đến tháng Bảy, việc thu phí đường bộ sẽ triển khai đại trà trên toàn địa bàn TP.

Rất nhiều thắc mắc được người dân đặt ra: xe đã tặng, cho người khác thì ai sẽ là người đóng phí? Hoặc phương tiện mua nhưng không sử dụng, chỉ dùng để trưng bày hoặc “trùm mền” có đóng phí không? Nếu CSGT chỉ nhắc nhở khi người sử dụng phương tiện không đóng phí thì sẽ không đủ răn đe, không giúp người dân tự giác… và thất thu phí.

Giải đáp các thắc mắc trên, cán bộ này cho biết, chỉ thu phí đối với người đang sử dụng phương tiện, không quan tâm chủ sở hữu. Các trường hợp xe trưng bày, xe “trùm mền” trước mắt vẫn phải đóng phí, có thể Hội đồng quản lý Quỹ sẽ kiến nghị không thu với các trường hợp này. Về khả năng thất thu nguồn phí, điều này là khó tránh khỏi, bởi việc thu phí theo hình thức thủ công và trông chờ vào ý thức người dân là chính.

Chưa kể, quy định việc xử phạt các trường hợp không đóng phí được giao cho lãnh đạo UBND quận, huyện, phường, xã, cơ quan thuế và thanh tra tài chính (quy định tại điều 43 Nghị định 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, lệ phí, hóa đơn) chưa đủ mạnh và đủ răn đe.

Nếu quá trình triển khai hiệu quả không cao, Hội đồng quản lý Quỹ sẽ kiến nghị cấp trung ương bổ sung thẩm quyền xử phạt cho lực lượng cảnh sát giao thông. “Để tạo thuận lợi nhất cho người dân đóng phí, sắp tới Sở GTVT sẽ triển khai phần mềm quản lý quỹ, theo đó chỉ cần truy cập phần mềm này, người dân đăng ký tên sở hữu, địa chỉ và số xe là có thể đóng phí ngay trên internet, qua ATM… hoặc có thể đóng phí ở bất kỳ phường, xã nào thuận tiện nhất”.

 THU HỒNG - PHAN TRÍ

Mức thu phí trên địa bàn TP.HCM:

Thu phi su dung duong bo: vua lam vua… rut kinh nghiem

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI