"Thủ phạm” gây bệnh hô hấp ở trẻ nhỏ vào mùa cao điểm

14/03/2023 - 17:58

PNO - Virus hợp bào hô hấp (RSV) hay gây bệnh ở trẻ dưới 2 tuổi, đặc biệt từ 6-8 tháng. Chỉ riêng ở Bệnh viện Nhi Trung ương, trong vòng hơn 2 tháng đã ghi nhận 1.025 trường hợp nhập viện do mắc virus này.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số bệnh nhi mắc RSV gia tăng, trong đó nhiều ca biến chứng nặng
 Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số bệnh nhi mắc RSV gia tăng, trong đó nhiều ca biến chứng nặng

Bé hơn 1 tháng tuổi nhập viện vì suy hô hấp

Nằm thiêm thiếp trên giường bệnh tại Trung tâm hô hấp (Bệnh viện Nhi Trung ương), bé N.T.H. (hơn 1 tháng tuổi, Hà Nội) vừa trải qua 2 ngày phải thở ô xy do nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV). Mẹ bé chia sẻ, trước khi vào viện con sốt 38 độ C. Sau đó, diễn biến bệnh rất nhanh, bé có biểu hiện khó thở, khò khè. Khi gia đình đưa con đi khám thì bé đã suy hô hấp.

Bé P.T.B. (16 tháng tuổi, Bắc Ninh) nhập viện sau 3 ngày ốm sốt, điều trị tại nhà. Ngày thứ tư, khi được đưa đến cơ sở y tế, bé đã suy hô hấp nặng và được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Bác sĩ chẩn đoán bé bị nhiễm virus RSV và phải thở ô xy.

Mẹ bé B. cho biết, ngoài sốt và ho, mấy ngày trước bé mệt lịm đi, tay chân mềm nhũn, không ăn uống được gì. Mẹ bé cho biết thêm bé vừa đi học được 1 tuần thì mắc bệnh mà không rõ nguồn lây.

Phó giáo sư - tiến sĩ Lê Thị Hồng Hanh - Giám đốc Trung tâm Hô hấp - cho biết, virus RSV có thể gây bệnh quanh năm, tuy nhiên, đỉnh dịch thường rơi vào tháng 3 và tháng 8 hàng năm. Thời điểm hiện tại, số lượng bệnh nhân RSV đang có xu hướng tăng từ 20 - 30% so với trước. Trung bình mỗi ngày Trung tâm Hô hấp tiếp nhận khoảng 30 bệnh nhân trên tổng số 150 - 160 trường hợp mắc các bệnh hô hấp khác.

Thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương cũng cho thấy, số ca mắc RSV đang ở mức cảnh báo. Từ đầu năm 2023 đến ngày 5/3/2023, bệnh viện ghi nhận 1.025 ca nhiễm. Trong đó, từ ngày 1 - 5/3 đã có 157 ca mắc. Đáng nói, bệnh đang có xu hướng diễn biến nặng ở nhóm trẻ nhỏ và có bệnh lý nền.

Dấu hiệu nhận biết “thủ phạm” gây bệnh hô hấp ở trẻ

Có rất nhiều loại virus gây ra các bệnh lý hô hấp, song RSV được nhiều chuyên gia ví như “kẻ thù” hàng đầu gây bệnh ở trẻ nhỏ. Phó giáo sư - tiến sĩ Lê Thị Hồng Hanh cho hay, hệ thống miễn dịch của trẻ chưa hoàn chỉnh, virus hợp bào hô hấp có ái lực với đường hô hấp trên mạnh nên trẻ em, đặc biệt dưới 24 tháng tuổi, là đối tượng dễ mắc virus này nhất.

Theo bà, hầu hết các bệnh nhân mắc RSV nhập viện và điều trị tại khoa đều đã bị viêm phổi, có biểu hiện ho, sốt, khó thở. Nhiều trẻ bị suy hô hấp với biểu hiện thở rút lõm lồng ngực, thậm chí tím tái.

“Ở nhiều trường hợp, trẻ mắc RSV có thể tự khỏi sau 5 - 7 ngày, tuy nhiên với các bệnh nhi sinh non, có bệnh lý nền… bệnh có thể diễn biến nhanh, để lại di chứng nặng nề như suy hô hấp, thậm chí tử vong. Bệnh nhân mắc bệnh này phải nằm điều trị lâu dài ở bệnh viện nên tạo gánh nặng với ngành y tế và gia đình bệnh nhân”.

Để phòng lây nhiễm chéo, tại Trung tâm hô hấp, tất cả các bệnh nhi mắc RSV hiện đều được cách ly ngay từ khi nhập viện
 Để phòng lây nhiễm chéo, tại Trung tâm Hô hấp, tất cả các bệnh nhi mắc RSV đều được cách ly ngay từ khi nhập viện

Phó giáo sư - tiến sĩ Lê Thị Hồng Hanh khuyến cáo, khi thấy trẻ có biểu hiện sốt, ho, thở nhanh thì phải đưa bé đến cơ sở y tế để các bác sĩ thăm khám, chẩn đoán bệnh, tìm căn nguyên và điều trị kịp thời.

Hiện virus hợp bào hô hấp chưa có vắc xin đặc hiệu nên theo các chuyên gia, gia đình cần phòng bệnh cho trẻ bằng cách duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý. Nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục kéo dài đến 2 tuổi. Ngoài ra, cần giữ môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát; thường xuyên vệ sinh mũi họng, thân thể, rửa tay cho trẻ. Cho trẻ đeo khẩu trang và giữ ấm khi đưa trẻ ra ngoài, tránh cho trẻ tiếp xúc với người bệnh.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI