Thu nhập trong hôn nhân mất cân đối là chuyện khó chấp nhận hơn bạn nghĩ

04/08/2017 - 14:18

PNO - Nếu chỉ là mất cân đối trong thu nhập thì khó có thể dẫn đến ly hôn; nhưng khi nó kết nối với những vấn đề lớn khác không thể giải quyết thì đổ vỡ rất dễ xảy ra.

Hãy tưởng tượng, thu nhập vợ chồng bạn làm việc trong một năm được khoảng 250 triệu và vợ chồng bạn đều muốn tận hưởng những gì mình làm ra. Tuy nhiên, liệu bạn có dám tùy tiện tiêu xài khi một người góp vào đó chỉ 30%, người còn lại 70%.

Có thể hai người vẫn yêu thương và tôn trọng nhau, không ai có cảm giác lỗi lầm hay chê trách gì người kia; nhưng khi thu nhập trong hôn nhân mất cân đối là chuyện khó chấp nhận hơn bạn nghĩ. Thực tế, vấn đề này đã làm rạn vỡ khá nhiều quan hệ. Bạn nên làm thế nào để giải quyết tình trạng đó và xác định rõ được ai là người nên chi tiêu tiền? 

Thu nhap trong hon nhan mát can dói la chuyen khó cháp nhan hon bạn nghĩ
 

1. Cảm giác có lỗi: Đây là vấn đề nhiều bà nội trợ phải đối mặt thường xuyên. Thông thường, chồng là người kiếm tiền chính cho gia đình, vợ chỉ làm việc nhà, trông con, hay làm thêm chút đỉnh. Lúc này, họ thật sự làm nhiều việc tương tự ông chồng, nhưng khi muốn mua sắm, tiêu xài, họ lại có cảm giác có lỗi và khó xử vì mua sắm không phải bằng đồng tiền do mình làm ra.

2. Hờn giận: Nếu người kiếm được thu nhập kém hơn dành tiền cho những hàng hóa không thuộc dạng nhu yếu phẩm, có thể người kia cảm thấy bị lợi dụng hoặc thấy bất công trong thu chi gia đình và khó tránh được sự bực bội. Đôi lúc họ nghĩ, người kia cần phải làm việc nhiều hơn để có thu nhập được như mình mới xứng đáng.

3. Sức mạnh đấu tranh: Đồng tiền chính là sức mạnh. Trong nhiều cuộc hôn nhân, đôi khi người có thu nhập chính tự cho là họ có quyền phủ quyết người kia. Người nắm giữ tài chính là người đưa ra mọi quyết định trong gia đình, người còn lại như thể đang sống trong sự bao bọc của người nắm tài chính.

4. Bội chi: Là kết quả tất yếu khi hôn nhân có sự chênh lệch lớn giữa hai người trong việc kiếm tiền. Tương tự chuyện quyền lực trong gia đình, người kiếm được nhiều hơn cảm thấy tiền là của riêng mình, mình có quyền chi tiêu tùy thích và cho rằng người kia chẳng cần phải chi tiêu cho việc gì.

Thu nhap trong hon nhan mát can dói la chuyen khó cháp nhan hon bạn nghĩ
Ảnh minh họa

5. Nói dối về thu nhập: Là chuyện khó tránh xuất phát từ sự mất cân đối trong thu nhập gia đình. Có nhiều lý do để các cặp vợ chồng nói dối về tiền bạc, chủ yếu là muốn giấu thói quen chi tiêu của mình với người kia. Nếu một người muốn chi tiêu nhiều hơn so với mức thu nhập trung bình của gia đình, anh/cô ta sẽ cố che giấu để tránh các tranh cãi. Điều đó càng tệ hơn khi họ bội chi và nói dối cả sự bội chi đó.

6. Từ chối nhu cầu bản thân: Tương tự cảm giác có lỗi, một số người kiếm ít tiền hơn chọn cách từ chối nhu cầu riêng của bản thân, vì nghĩ không có quyền chi tiêu tiền của gia đình cho riêng mình. Họ khước từ những thứ như quần áo, làm đẹp, đi ăn ngoài... Thậm chí có người còn cực đoan tới mức từ chối đi bác sĩ khám và cả nhu cầu ăn uống hằng ngày. Họ nghĩ, họ đang làm những gì tốt nhất cho gia đình, nhưng thật ra là họ gây hại hơn là làm lợi, còn tạo thêm căng thẳng cho cuộc hôn nhân.

7. Ly hôn: Nếu chỉ là mất cân đối trong thu nhập thì khó có thể dẫn đến ly hôn; nhưng khi nó kết nối với những vấn đề lớn khác không thể giải quyết thì đổ vỡ hôn nhân rất dễ xảy ra. 

Để xử lý các vấn đề do mất cân đối về thu nhập, phòng tránh xung đột do nó gây ra, bạn có thể tham khảo những lời khuyên sau:

1. Mở các kênh đối thoại: Không riêng vấn đề này, sự giao tiếp cởi mở luôn giúp giải quyết tốt rất nhiều vấn đề trong hôn nhân. Nếu bạn cảm thấy có lỗi vì chi tiêu nhiều hơn số đóng góp, hãy nói rõ với người kia. Ngược lại, nếu bạn cảm thấy bực tức vì làm nhiều mà không được xài bao nhiêu, cũng cần nói ngay về nó. Hãy luôn nhớ, hai người đang chung tay chèo lái đời nhau, nên cần trao đổi yêu thương, tôn trọng và không kết tội nhau.

2. Chia sẻ những nhu cầu riêng: Khi đã trao đổi, đừng ngần ngại trình bày những nhu cầu riêng của bản thân. Nếu bạn thấy cần một khoản chi tiêu tương đương nhau, hay muốn người kia cố gắng kiếm thêm thu nhập, hãy nói rõ. Chồng/vợ của bạn không phải lúc nào cũng hiểu bạn muốn gì nếu bạn không thổ lộ.

Thu nhap trong hon nhan mát can dói la chuyen khó cháp nhan hon bạn nghĩ
Ảnh minh họa

3. Kiến tạo ngân sách: Nếu bạn chưa có ngân sách riêng của gia đình, hãy lập ngay. Cần xác định các khoản thu chi và ước lượng những khoản không ổn định. Tiếp theo là xác định các khoản chi tiêu mà mỗi người nên nhận. Việc này sẽ giúp làm rõ đường đi của tiền trong nhà, mà còn xác lập mức độ chi tiêu cá nhân đã được cả hai thống nhất. 

4. Mở các “buổi họp” tài chính thường xuyên: Sẽ giúp bạn kiểm soát tốt những chi tiêu của gia đình, các khoản cần tăng thêm hay cắt giảm. Việc này cũng tạo cơ hội để hai người thảo luận các vấn đề liên quan khác, bao gồm chi phí sắp tới, cơ hội tăng thu nhập, các khoản đầu tư thêm của gia đình… Đây là lúc bạn có thể thảo luận an toàn nếu đang gặp rắc rối về mất cân đối thu nhập trong hôn nhân.

5. Lập một hệ thống thưởng: Một cách giúp cho đôi bên vui vẻ, gia tăng nỗ lực kiếm tiền là tạo nên một định mức thưởng. Ví dụ, tháng này cả hai chi tiêu ít hơn mức cho phép chung 2 triệu, hãy trích ra 40% chia đều vào tiền chi tiêu cá nhân của tháng tiếp theo. Cách này cho phép bạn làm việc với nhau như một nhóm, vì mục tiêu chung. Thưởng như nhau để cả hai cảm thấy mình đã cùng cố gắng.

6. Nhận số tiền tương đương với tổng số việc: Nếu thu nhập của hai vợ chồng không cân đối, thì nên tính đủ các công việc gia đình để bù đắp vào đó. Giả sử, một người làm việc 50 giờ/tuần, trong khi người kia chỉ làm 25 giờ, người làm việc ít hơn nên làm thêm 50% công việc gia đình. Tạo ra sự bình đẳng trong tổng số việc, quan hệ gia đình sẽ ổn định hơn và không ai cảm thấy như mình đang vác gánh nặng gia đình trên vai.

Nếu hai người làm việc tương đương mà thu nhập chênh lệch, đừng lên án và ép người kia phải tìm thêm việc làm. Hãy nhớ, hai bạn là một đội đang chung tay xây dựng hạnh phúc. Hợp tác, đóng góp và đừng quá đặt nặng chuyện tiền nong, căng thẳng sẽ không có điều kiện phát sinh.

7. Tiêu xài cùng với nhau: Hãy nghĩ, tiền mà một cặp vợ chồng tạo ra thuộc về cả hai người. Hãy dùng tiền đó cùng nhau, cho nhau để tạo niềm vui cho cuộc sống chung.

Anh Trí

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI