Thu nhập chuyên gia từ 150 triệu xuống còn 13 triệu/tháng làm sao “chiêu hiền đãi sĩ”

24/02/2023 - 17:13

PNO - Giai đoạn đầu TPHCM thí điểm thu hút nhân tài thì mức thu nhập cho chuyên gia lên đến 150 triệu đồng nhưng đến nay chỉ còn 13 triệu đồng/tháng. Có ý kiến cho rằng điều này cho thấy sự thiếu nhất quán trong chính sách của thành phố.

 

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội thảo

Ngày 24/2, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đại học Quốc gia TPHCM phối hợp với Thành ủy TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia về chính sách thu hút, đầu tư, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ trong bối cảnh mới.

Tại hội thảo, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM - nhìn nhận, tuy hội đủ các điều kiện thuận lợi về kinh tế, tài chính, các thiết chế viện - trường nhưng TPHCM vẫn chưa phát huy được tiềm năng. Theo ông, khi đặt vấn đề thu hút trí thức thì không chỉ với chuyên gia ở các tỉnh thành, ở nước ngoài mà còn phải quan tâm đến đội ngũ trí thức ngay trong hệ thống vẫn đang lao động, đóng góp cho sự phát triển của thành phố. Chính sách của thành phố hiện chưa thực sự tiếp cận, động viên được đội ngũ này. Thành phố mong muốn tạo cơ chế linh hoạt, thu hút đội ngũ trí thức trong và ngoài hệ thống chính trị cùng tham gia giải bài toán phát triển của thành phố.

Phó giáo sư - tiến sĩ Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM - nhận xét, trong 15 năm qua, đội ngũ trí thức đã tăng nhanh về số lượng, nhiều trí thức có trình độ cao, năng động sáng tạo, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, số cán bộ nghiên cứu trên vạn dân còn thấp so với khu vực, chỉ đạt khoảng 15,6 cán bộ nghiên cứu/vạn dân, số cán bộ nghiên cứu trình độ tiến sĩ còn rất thấp, chỉ 30.000 người. 

Công tác đào tạo khối ngành khoa học công nghệ chưa gắn nhiều với chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Thống kê từ Bộ GD-ĐT cho thấy, số lượng nghiên cứu sinh các nhóm ngành này liên tục giảm trong 3 năm gần đây (năm 2019 là 1.379 nghiên cứu sinh thì năm 2021 chỉ còn 1.010). Ở bậc đại học, số lượng thí sinh nhập học ngành Công nghệ thông tin liên tục tăng, đạt 100% chỉ tiêu. Trong khi đó, các ngành khoa học tự nhiên, khoa học sự sống thì số lượng sinh viên nhập học chỉ đạt hơn 50% chỉ tiêu.

“Khảo sát gần 20.000 sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM cho thấy, có 10,21% sinh viên xuất sắc, 5,79% sinh viên khá và 7,71% sinh viên trung bình muốn đi làm cho các cơ quan nhà nước. Khảo sát cũng ghi nhận, có khoảng 15,6% sinh viên của Đại học Quốc gia TPHCM muốn được làm việc cho các cơ quan trung ương tại Hà Nội, trong khi tỉ lệ muốn ở lại TPHCM là 44,8%” - ông Vũ Hải Quân thông tin.

Phó giáo sư, tiến sĩ Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM
Phó giáo sư - tiến sĩ Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM 

Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Văn Nghĩa, - Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ Bộ Khoa học Công nghệ - cho hay, với chính sách hiện hành, thu nhập trung bình của các nhà khoa học rất thấp so với mặt bằng chung. Chẳng hạn, tiến sĩ lương chưa đến 4 triệu đồng. Điều này dẫn đến thực tế là nhân lực nghiên cứu phát triển ở các viện nghiên cứu giảm sút. Bên cạnh đó, Luật Viên chức không cho phép viên chức điều hành doanh nghiệp cũng cản trở các nhà khoa học trong các viện nghiên cứu, trường đại học hình thành các doanh nghiệp để thúc đẩy chuyển giao kết quả nghiên cứu của mình ra thị trường.

Giáo sư - tiến sĩ Võ Văn Tới (Trường đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM) cho rằng, chính sách thu hút trí thức của TPHCM đang lúng túng. Trong giai đoạn thí điểm, mức thu nhập của chuyên gia lên đến 150 triệu đồng/tháng, nhưng nay chỉ còn 13 triệu đồng/tháng. Do đó chính sách cần phải thể hiện sự nhất quán, quyết tâm “chiêu hiền đãi sĩ”. Bên cạnh đó, quy trình cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài ở Việt Nam trong 2 năm gần đây trở nên phức tạp và chậm chạp. Ông dẫn chứng, ở Singapore, người lao động nước ngoài có kỹ năng, tay nghề chỉ mất vài ngày để làm thủ tục cấp giấy phép định cư và nhập tịch lâu dài tại Singapore.

“Một yếu tố làm cho mọi chuyện khó khăn là cơ chế. Cơ chế là do chúng ta đưa ra, do đó cơ chế phù hợp hay không thì phải do nhận thức và quyết tâm của các lãnh đạo. Tránh cảnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, trói tay người làm khoa học” - ông Võ Văn Tới góp ý.

P.Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI