Nằm ngay dưới chân cầu Nguyễn Văn Cừ, xóm nhỏ cù lao Nguyễn Kiệu thuộc phường 1, quận 4, TPHCM không ồn ào mà bình yên đến lạ.
|
Hẻm nhỏ được nhiều đoàn phim chọn làm bối cảnh, dưới chân cầu Nguyễn Văn Cừ rất yên bình |
Xóm nhỏ thuộc khu vực giải toả, nên nhiều người cố cựu đã dời đi. Xóm chỉ còn vài nhà là người dân bám trụ lâu năm, số khác đều từ nơi khác đến thuê mướn sống tạm bợ. Bà con xóm cù lao chủ yếu lao động nghèo, buôn gánh bán bưng, chạy xe ôm, công nhân bốc vác…
Kể từ ngày được các đoàn phim phát hiện, xóm nhỏ nghèo nàn trở nên nổi tiếng, có thêm nguồn thu nhập bất ngờ.
Cô Tâm bán quán nước ở đầu “hẻm Bố Già” trên cù lao Nguyễn Kiệu cho biết: “Đoàn phim Bố già quay ở đây khoảng hơn tháng. Họ mượn bãi đất trống phía sau quán nước của tôi để dựng bối cảnh chợ búa, hàng quán… Đoàn phim rất quy mô, đông người làm việc. Nhờ vậy, thời gian đó, tôi bán nước rất đông khách. Khách mua nước đa số là người hâm mộ Trấn Thành và nhân viên của đoàn phim”.
|
Quán nước của cô Tâm rất đông khách mỗi khi có đoàn đến quay phim |
Kể lại khoảng thời gian có đoàn phim đến xóm, cô Tâm rất hớn hở. Cô nói, các đoàn phim đến đây quay đều được người dân trong xóm hỗ trợ nhiệt tình. Một phần từ việc yêu quý nghệ sĩ, phần khác do người dân có thêm nhiều khoản thu nhập, tuy ít nhưng cũng đắp đổi phần nào khó khăn của cuộc sống.
Sống ở cù lao Nguyễn Kiệu mấy chục năm, cô Mai (68 tuổi, ngụ phường 1, quận 4, TPHCM) chia sẻ: “Khu này giải toả, dân sinh sống thưa thớt, nhiều nhà đã được tháo dỡ. Cho nên, xóm rất thích hợp để các đoàn phim chọn làm bối cảnh quay phim. Với lại, người dân ở đây luôn hoà đồng, không cảm thấy phiền hà khi đoàn phim đến làm việc”.
|
Xóm nhỏ bình dị lại trở thành những cảnh quay đắt giá trên phim |
Cô Mai nhớ: “Xóm cù lao có nước ngập lúc triều cường, cá lên tận hẻm. Hôm Trần Thành quay phim, triều cường lên, họ nói hên quá, quay cảnh ngập nước thực tế. Họ còn bắt cá trong hẻm rồi cùng nhau cười đùa”.
Trước đoàn phim Bố già, hẻm nhỏ ở cù lao đã được nhiều đoàn làm phim “khai phá”. Cô Ba (60 tuổi, ngụ phường 1, quận 4) kể: “Đoàn phim Song Lang mượn nhà của tôi quay đó. Nhà tôi đơn sơ nhất xóm, nghèo nhất xóm nên được thuê làm bối cảnh. Đến phim Bố già của Trấn Thành, cảnh quay thằng nhỏ chạy từ nhà ra hẻm, thằng nhỏ chạy từ nhà tôi ra đó. Họ còn mượn mấy cái lu nước của nhà tôi để dựng bối cảnh nhà của ông Ba Sang nữa. Mỗi lần thuê để quay phim, các đoàn đều trả tiền thuê sòng phẳng, có đoàn còn gửi thêm”.
|
Nhiều đoàn phim chọn thuê nhà của cô Ba để làm bối cảnh |
Cô Ba sống với người chị gái cũng đã lớn tuổi, già yếu, bệnh tật. Mỗi ngày, cô Ba đi gom cơm thừa phơi nắng, rồi đem bán lại cho mấy người nuôi heo. Tiền bán chẳng được mấy đồng. Từ dạo có đoàn phim đến xóm làm việc, hai chị em cô Ba có thêm thu nhập từ việc cho thuê nhà quay phim.
“Họ thuê nhà, rồi hỏi tôi giá bao nhiêu. Tôi đâu có biết bao nhiêu mà đưa giá, muốn trả bao nhiêu thì trả. Có lần, họ trả tôi 1 triệu đồng cho 2 ngày thuê nhà. Mấy người hàng xóm nói tôi cho thuê rẻ quá, chắc lần sau phải nâng giá”, cô Ba cười.
Hàng xóm của cô Ba, chị Nguyệt kể, Trấn Thành thuê xe máy của chị trong vòng 20 ngày. Đoàn phim trả cho chị 2 triệu đồng, rồi cho thêm 500 ngàn đồng bồi dưỡng.
Vui nhất xóm là mấy cô được mời đóng vai quần chúng, được lên phim, được đối xử như diễn viên của đoàn. Cô Thuỷ kể: “Tôi được mời đóng vai quần chúng, chỉ việc ngồi nói chuyện tự nhiên mà được trả 200 ngàn đồng, còn được tặng quà nữa. Diễn viên ăn uống cơm nước thế nào, tôi cũng được y chang. Ngoài kia cũng có mấy em gái dễ thương được mướn mặc áo dài đi tới đi lui”.
|
Cô Hà, cô Thủy được mời đóng vai quần chúng trong phim Bố già |
Cô Hà cũng được mời đóng diễn viên quần chúng trong phim Bố già, chia sẻ: “Già rồi, tôi ở nhà không có làm gì hết. Hễ có đoàn phim tới, họ tìm người đóng quần chúng thì lại kêu tôi ra quay. Quay phim cũng vui, có thêm tiền, tôi thích lắm. Tôi đóng quần chúng được mấy phim rồi đó”.
Chỉ nền nhà trống trơn, cô Hà nói: “Chỗ đó, họ dựng cảnh nhà Ba Sang của phim Bố già. Phim Bố già vừa đi, đoàn phim Thanh Sói lại đến. Họ làm bối cảnh đẹp lắm. Quay phim cảnh chạy xe rượt đuổi, đánh nhau… rần rần”.
Chủ nền nhà Ba Sang nói: “Đoàn phim đến xin phép được dựng bối cảnh quay phim, chúng tôi sẵn sàng, vui vẻ cho họ làm thoải mái. Nhiều phim quay rồi nhưng đến phim Bố già, cả hẻm mới nổi tiếng. Họ mượn chỗ quay phim, lúc đi thì cho mấy ông bà già tiền bồi dưỡng, uống cà phê. Chỗ dựng nhà nhân vật Ba Sang được nhiều người đến hỏi thăm. Mấy khán giả xem phim muốn tìm đến địa điểm thật, rồi chụp hình này nọ. Thấy cái chỗ trống trơn, tôi mới mua mấy chậu cây cảnh treo lên cho mát mẻ, dễ thương, chụp hình cũng thấy đẹp hơn. Có người kêu tôi rào lại, bán vé, chắc họ nói vui…”.
|
Bối cảnh nhà nhân vật Ba Sang trong phim Bố già được treo thêm vài giỏ hoa kiểng cho bớt đơn điệu |
Nhiều người bán hủ tiếu, bánh lọt… đều có thêm nguồn thu nhập bất ngờ từ các đoàn làm phim. Khách ăn nhiều hơn, khỏi phải đẩy xe đi bán rong.
“Họ hỏi tôi bán hủ tiếu một ngày được bao nhiêu. Tôi nói, một ngày tôi bán lời 200 ngàn đồng. Vậy là, họ rút tiền trả cái rẹt, rồi thuê nguyên quầy bán hủ tiếu của tôi để làm bối cảnh quay phim”, chị Giang chia sẻ.
Nhắc lại kỷ niệm với các đoàn phim, bà con xóm cù lao bàn tán rất rôm rả. Người này kể người kia được thuê làm tiểu thương bán rau, bán thịt… Rau thịt quay xong được cho đem về nhà ăn.
|
Nhắc đến những nguồn thu nhập bất ngờ khi có đoàn phim đến, bà con xóm cù lao rất rôm rả |
Mỗi lần có đoàn phim đến, xóm nhỏ trên cù lao lại nhộn nhịp, hân hoan chào đón. Không chỉ được tận mắt nhìn thấy người nổi tiếng ngoài đời thường, họ còn có cơ hội kiếm thêm thu nhập. Đoàn phim rời đi, bà con lại loay hoay với chuỗi ngày mưu sinh cơ cực.
Ngọc Thanh Anh