Tôi có dãy phòng trọ ở ấp Tân Định, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi cho 8 gia đình thuê từ năm 2018. Tính đến nay đã gần 20 lượt gia đình thuê trọ, đa phần trong đó là công nhân của công ty may Kim Thành sát nhà tôi.
Họ chủ yếu là người lao động nhập cư từ các tỉnh khác về, nhưng cũng có vài người có hộ khẩu huyện Củ Chi, do nhà cửa chật chội nên thuê phòng ở riêng.
|
Bộ đồ nghề đi câu của vợ chồng Trang ở phòng 2 trong dãy trọ của tôi - Ảnh tác giả cung cấp |
Cuộc sống của người thuê trọ chỗ tôi ra sao ư? Thong dong! Đó là tôi thoạt nhìn về họ. Sáng các bạn dậy từ 6g, nấu cơm, giặt phơi quần áo, rồi đóng cửa phòng trọ đi làm. Nhà nào có con thì cũng "hò hét xíu" để đưa các bé đến trường. Nhà nào không con thì tới công ty, hoặc đến chỗ buôn bán muộn hơn chút. Buổi trưa thường cả khu nhà trọ hoàn toàn im ắng. Lâu lâu chỉ có 1-2 phòng thuê do các bạn làm nghề buôn bán, từ chợ hay cửa hàng trở về, nhưng cũng đóng cửa nghỉ ngơi để chiều đi mua hàng, lấy hàng mai bán tiếp.
Khoảng 6 chiều là lúc khu nhà trọ ồn ã nhất. Người hò hét con đi tắm, tiếng dầu chiên xèo xèo, mùi cơm sôi thơm thơm lan tỏa. Tiếng cười đùa khúc khích của mấy đứa trẻ con. Bình yên lắm!
Làm chủ nhà trọ, lâu lâu tôi lại được địa phương mời đi nghe báo cáo chuyên đề về an toàn phòng cháy chữa cháy, tiết kiệm điện, phòng ngừa dịch bệnh, chống bạo hành gia đình, chống xâm hại tình dục ở trẻ em…
Dự chương trình gì tôi cũng về chia sẻ thông tin cho các gia đình thuê trọ. Các bạn cười hì hì: “Dạ, phòng hết, chống hết, không thì tiền đâu mà lo xuể. Nhất là điện, nước đó cô!”.
|
Một gia đình công nhân tại TPHCM - ảnh Phùng Huy |
Tôi cho thuê 2 triệu đồng một căn phòng mỗi tháng, cho 4 người ở, chưa tính tiền điện, nước. Hầu như các phòng chỉ đóng chừng 2,5 đến 2,8 triệu đồng/ tháng là cao nhất. Phòng nào cũng dùng vô cùng tiết kiệm cả điện lẫn nước. Chồng tôi hay thắc mắc tại sao 8 phòng trọ với 21 người mà chỉ dùng tổng cộng hơn 200 ngàn đồng/ tháng, bằng hóa đơn nhà mình 4 người? Tiền điện cũng thế. Nhìn các em chi dùng, tôi hiểu thấu chữ “thắt lưng buộc bụng”.
Các bạn đừng hỏi rồi họ giải trí bằng gì. Thì cứ cái điện thoại di động mở lên cả nhà nghe nhạc, hoặc chồng 1 cái, vợ 1 cái, con 1 cái… Vậy là hết rồi. Tôi không thấy họ đi đâu chơi ngoài giờ làm việc, bởi như em Lê Thị Thu Cúc, phòng số 1, công nhân Công ty may Kim Thành nói: “Đi làm, tăng ca về chỉ muốn nằm ình xuống ngủ thôi! Mà không tăng ca mới rầu!”.
Các em quê ở Bình Dương, Tây Ninh thì khoảng 1 - 2 tháng có đóng cửa phòng về quê dịp cuối tuần. Còn những em quê xa Kiên Giang, Bạc Liêu thì một năm chỉ về nhà dịp Tết. Năm dịch COVID-19 các em còn không về bởi như lời Nguyễn Thị Ngọc Linh, phòng số 7 thì: “Tết mà lo không đủ tiền mừng tuổi mọi người, về quê kỳ lắm! Em còn sợ mẹ em tủi thân nữa”.
Trong dãy trọ, có em Trang phòng số 2 là hay nợ tiền nhà. Không nợ nhiều, mà mỗi tháng nợ lại 200 ngàn, 500 ngàn đồng, tháng này vắt qua tháng khác. Cũng làm công nhân may, nhưng Trang rất hiếm khi chịu tăng ca, do em nói làm nhiều lao lực. Trong xưởng may từng có 1 bạn cùng tổ cắt chỉ vì làm nhiều mà đột quỵ rồi mất hồi năm 2022, nên Trang lo xa.
Thay vì tăng ca, Trang và chồng chọn 1 giải pháp là đi câu cá. Cứ cuối tuần, vợ chồng Trang lại gom lưới, gom cần chở nhau đi từ đêm thứ Bảy đến sáng Chủ nhật thì về. Bữa nào trúng, cả thùng 20 lít đầy nhóc cá lóc, cá phi, lươn… Bữa nào không câu được cá, vợ chồng Trang cũng ôm về được bó đọt choại, hẹ nước, với lưng lửng thùng ốc bươu vàng. Vậy là có chất rau, chất đạm ăn cả nửa tuần sau. Ai khen giỏi, họ thủng thẳng đáp rằng: “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”.
|
Hầu hết các bạn thuê trọ đều đi làm khóa cửa cả ngày, điện nước không dùng đến (ảnh tác giả cung cấp) |
Tôi không bàn chính sách vĩ mô, bởi tôi biết các em công nhân chỗ tôi cần gì để sống. Họ cần công việc với thu nhập ổn định. Một đời bình lặng cũng chẳng sao khi họ cần mẫn sống và sống vui vì có bạn đời (có khi là người cùng hoàn cảnh đổ gãy rồi gá nghĩa), chịu thương, chịu khó.
Nhưng càng nghĩ, tôi càng thương, không biết làm sao cho cuộc sống của họ đỡ chật vật hơn một chút. Chứ như tôi, nếu chỉ 7-10 triêu đồng/ tháng, vợ chồng tôi không biết sẽ chằng, kéo ra sao.
Trần Ngọc Nương (huyện Củ Chi, TPHCM)
Cần bao nhiêu tiền để sống ở thành phố? Phụ Nữ Online mong được nghe câu chuyện, kinh nghiệm, ý kiến của bạn quanh câu hỏi này. Email xin gửi về địa chỉ: online@baophunu.org.vn, bài viết được đăng sẽ nhận nhuận bút theo quy định của toà soạn. |