Thử nghiệm vắc-xin ung thư phổi đầu tiên trên thế giới tại 7 quốc gia

23/08/2024 - 18:44

PNO - Các bác sĩ đã bắt đầu thử nghiệm vắc-xin ung thư phổi mRNA đầu tiên trên thế giới trên bệnh nhân, khi các chuyên gia ca ngợi tiềm năng mang tính đột phá của nó trong việc cứu sống hàng triệu người.

Janusz Racz được tiêm mũi đầu tiên của thử nghiệm tại Anh về liệu pháp miễn dịch ung thư mRNA của BioNTech cho bệnh ung thư phổi không phải tế bào nhỏ tại bệnh viện University College London. Ảnh: Aaron Chown/PA
Bệnh nhân Janusz Racz được tiêm mũi đầu tiên của thử nghiệm tại Anh về liệu pháp miễn dịch ung thư mRNA của BioNTech cho bệnh ung thư phổi. Ảnh: Aaron Chown/PA

Ung thư phổi gây ra khoảng 1,8 triệu ca tử vong mỗi năm. Tỷ lệ sống sót ở những người mắc bệnh đặc biệt thấp.

Hiện nay, các chuyên gia đang thử nghiệm một loại vắc-xin mới có thể săn lùng và tiêu diệt các tế bào ung thư – sau đó ngăn chặn chúng quay trở lại.

Được gọi là BNT116 và do BioNTech sản xuất, vắc-xin này được thiết kế để điều trị ung thư phổi không phải tế bào nhỏ (NSCLC), dạng phổ biến nhất của căn bệnh này.

Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, nghiên cứu đầu tiên trên người về BNT116, đã được triển khai tại 34 địa điểm nghiên cứu ở 7 quốc gia: Anh, Hoa Kỳ, Đức, Hungary, Ba Lan, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhìn chung, khoảng 130 bệnh nhân – từ giai đoạn đầu trước phẫu thuật hoặc xạ trị, đến giai đoạn cuối của bệnh hoặc ung thư tái phát – sẽ được ghi danh để tiêm vắc-xin cùng với liệu pháp miễn dịch.

Mũi tiêm này sử dụng RNA thông tin (mRNA), tương tự như vắc-xin COVID-19, và hoạt động bằng cách cung cấp cho hệ thống miễn dịch các dấu hiệu khối u từ NSCLC để chuẩn bị cho cơ thể chống lại các tế bào ung thư.

Không giống như hóa trị, BNT116 giữ nguyên các tế bào khỏe mạnh và tăng cường phản ứng miễn dịch cho người bệnh.

vắc-xin BNT116 đầu tiên tại Anh. Ảnh: Aaron Chown/PA
Những mũi vắc-xin BNT116 đầu tiên được tiêm cho bệnh nhân. Ảnh: Aaron Chown/PA

Janusz Racz, 67 tuổi, đến từ London, là người đầu tiên được tiêm vắc-xin tại Anh.

Racz đã được tiêm 6 mũi liên tiếp. Mỗi mũi tiêm chứa các sợi RNA khác nhau. Ông sẽ được tiêm vắc-xin mỗi tuần trong 6 tuần liên tiếp, sau đó là mỗi 3 tuần trong 54 tuần.

Giáo sư Siow Ming Lee, bác sĩ tư vấn ung thư tại Quỹ tín thác dịch vụ y tế quốc gia Anh (UCLH), đơn vị dẫn đầu thử nghiệm tại Vương quốc Anh cho biết: “Chúng tôi hy vọng việc bổ sung phương pháp điều trị này sẽ ngăn chặn ung thư tái phát vì đối với nhiều bệnh nhân ung thư phổi, ngay cả sau khi phẫu thuật và xạ trị, ung thư vẫn tái phát. Tôi đã nghiên cứu về ung thư phổi trong 40 năm nay. Khi tôi bắt đầu vào những năm 1990, không ai tin rằng hóa trị có hiệu quả.

Chúng tôi hiện biết khoảng 20-30% bệnh nhân sống sót ở giai đoạn 4 với liệu pháp miễn dịch và bây giờ chúng tôi muốn cải thiện tỷ lệ sống sót. Vì vậy, hy vọng vắc-xin mRNA này, ngoài liệu pháp miễn dịch, có thể cung cấp thêm sự thúc đẩy.

Chúng tôi hy vọng sẽ tiến tới giai đoạn 2, giai đoạn 3 và sau đó hy vọng nó sẽ trở thành tiêu chuẩn chăm sóc trên toàn thế giới và cứu được nhiều bệnh nhân ung thư phổi".

Thảo Nguyễn (theo Guardian)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI