Thử nghiệm vắc xin ung thư cho kết quả cực kỳ ấn tượng

04/06/2024 - 14:12

PNO - Theo kết quả thử nghiệm, vắc-xin ung thư mRNA được cá nhân hóa đầu tiên trên thế giới dành cho khối u ác tính giúp giảm một nửa nguy cơ tử vong.

Sau ba năm theo dõi, dữ liệu cho thấy mức độ tái phát ung thư không tăng ở những người mắc khối u ác tính ở giai đoạn tiến triển, có nguy cơ cao. Ảnh: Jordan Pettitt/PA
Sau 3 năm theo dõi, dữ liệu cho thấy mức độ tái phát ung thư không tăng ở những người mắc khối u ác tính ở giai đoạn tiến triển, có nguy cơ cao. Ảnh: Jordan Pettitt/PA

Theo số liệu năm 2020 của Quỹ Nghiên cứu ung thư quốc tế, khối u ác tính ảnh hưởng đến hơn 150.000 người mỗi năm trên toàn cầu.

Dữ liệu trình bày tại hội nghị ung thư lớn nhất thế giới cho thấy, những bệnh nhân được tiêm vắc-xin sau khi loại bỏ khối u ác tính ở giai đoạn 3 hoặc 4 có nguy cơ tử vong hoặc bệnh tái phát sau 3 năm thấp hơn 49%.

Giáo sư chuyên về ung thư, Georgina Long, cho biết nguy cơ tái phát trung bình sau phẫu thuật đối với nhóm bệnh nhân ung thư tiến triển là 50%.

“Mặc dù chúng ta cần phải xem xét con số 5 và 10 năm, nhưng hầu hết nguy cơ tái phát ở nhóm này thường xảy ra là 6 năm. Vi thế, kết quả ban đầu này rất phấn khích".

157 bệnh nhân trong thử nghiệm giai đoạn 2b được tiêm vắc xin do Moderna và Merck phát triển, cùng với liệu pháp miễn dịch Keytruda hoặc chỉ được tiêm Keytruda.

Giáo sư Long cho biết vắc-xin và Keytruda giúp giảm nguy cơ tái phát xuống 25%. Tuy nhiên, bà cảnh báo đây chỉ là kết quả ban đầu và là một “tín hiệu” cần có một thử nghiệm lớn hơn để đánh giá tác động thực sự tốt hơn.

Các đại biểu tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Ung thư lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO) ở Chicago cho biết, tỷ lệ sống sót không tái phát trong 2,5 năm đối với mũi tiêm kết hợp với Keytruda là 74,8%.

Được biết đến với tên gọi mRNA-4157 (V940), mũi tiêm được chế tạo riêng cho từng bệnh nhân và vắc xin này sẽ tiêu diệt mọi tế bào ung thư còn sót lại và ngăn ngừa bệnh tái phát.

Một thử nghiệm thứ hai được trình bày tại ASCO, do Đại học Vienna dẫn đầu, cho thấy các mũi tiêm ung thư có thể cải thiện đáng kể khả năng sống sót cho bệnh nhân ung thư vú sau phẫu thuật.

Nghiên cứu có sự tham gia của 400 bệnh nhân bị ung thư vú giai đoạn đầu. Một nửa được tiêm vắc-xin để kích thích hệ thống miễn dịch trước khi phẫu thuật.

Sau 7 năm, 81% bệnh nhân được tiêm vắc-xin vẫn sống và không bị ung thư vú, so với 65% những người được chăm sóc khác.

Tác giả chính, tiến sĩ Christian Singer, cho biết: “Đây là lợi ích sống sót lâu dài và đáng kể đầu tiên của vắc xin chống ung thư ở bệnh nhân ung thư vú được báo cáo cho đến nay”.

Trọng Trí (theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI