Thử nghiệm thành công trên chuột thuốc trị ung thư tuyến tụy từ virus gây lở mồm long móng

16/02/2020 - 17:02

PNO - Các nhà khoa học tìm ra cách loại bỏ khối u tuyến tụy trên chuột thí nghiệm bằng cách sử dụng loại protein từ virus gây bệnh lở mồm long móng.

Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm các nhà khoa học từ Đại học Queen Mary tại London (Anh), do Giáo sư John Marshall dẫn đầu. Nghiên cứu tập trung vào một đoạn protein được lấy từ virus gây bệnh lở mồm long móng (FMD), gọi là protein vỏ VP1. Bài viết về nghiên cứu này được xuất bản trên Tạp chí y khoa Theranostics. 

Protein vỏ VP1 nhắm vào một protein khác, được gọi là ΑvΒ6 (alpha-v-beta-6), tìm thấy nhiều trên bề mặt của phần lớn các tế bào ung thư tuyến tụy.

Protein vỏ VP1 từ virus gây lở mồm long móng giúp gắn kết một loại thuốc điều trị với protein bề mặt của tế bào ung thư tuyến tụy.
Protein vỏ VP1 từ virus gây lở mồm long móng giúp gắn kết một loại thuốc điều trị với protein bề mặt của tế bào ung thư tuyến tụy.

Với sự hỗ trợ của hai công ty dược phẩm AstraZeneca và ADC Therapeutics, nhóm nghiên cứu đã kết hợp đoạn protein lấy từ virus với một loại thuốc gọi là tesirine để nhắm mục tiêu vào các tế bào ung thư tuyến tụy.

Sau 5 tuần thí nghiệm phương pháp kết hợp nêu trên ở nhóm chuột bị ung thư tuyến tụy, kết quả cho thấy nếu sử dụng liều nhỏ, các khối u hoàn toàn ngưng phát triển; và khi tăng liều thử nghiệm với tần suất tiêm 2 lần/tuần, tất cả các khối u ở chuột bị tiêu diệt hoàn toàn.

Các tác giả cho biết, 4 đến 5 trong số 8 con chuột đã được 'chữa khỏi' bằng loại thuốc mạnh nhất và hiệu quả nhất được phát triển.

Mặt khác, nhóm nghiên cứu cũng sử dụng phương pháp điều trị trên để thử nghiệm cho các tế bào ung thư ở người trong phòng thí nghiệm. Một số trong những tế bào này có ΑvΒ6 trên bề mặt trong khi những tế bào khác thì không.

Nhóm phát hiện ra rằng các tế bào có AvΒ6 đáp ứng tốt với điều trị trong khi các tế bào âm tính ΑvΒ6 cần liều thuốc cao hơn nhiều mới có thể bị tiêu diệt.

Tiến sĩ Emily Farthing từ Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Anh quốc nhận xét: "Nghiên cứu bước đầu này đã phát triển một loại thuốc mới đầy hứa hẹn, giúp làm giảm sự phát triển của khối u tụy trong phòng thí nghiệm. Nếu các nghiên cứu tiếp theo chứng minh thuốc an toàn toàn và hiệu quả thì đó có thể là niềm hy vọng mới cho bệnh nhân".

Ung thư tuyến tụy rất khó phát hiện, vì thế khả năng sống sót của bệnh nhân qua 5 năm là không nhiều.
Ung thư tuyến tụy rất khó phát hiện, vì thế khả năng sống sót của bệnh nhân qua 5 năm là không nhiều.

Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, ung thư tuyến tụy tấn công khoảng 57.600 người ở Mỹ mỗi năm và giết chết khoảng 47.050 người. Ở giai đoạn đầu, ung thư tuyến tụy hiếm khi gây ra các triệu chứng. Khi bệnh nhân đau bụng, da và mắt vàng, xuất hiện dấu hiệu giảm cân thì mọi thứ có thể đã quá muộn.

Chỉ 1% số người được chẩn đoán mắc ung thư tuyến tụy dự kiến sẽ sống sót sau 10 năm hoặc hơn bởi đa số thường được chẩn đoán muộn và các lựa chọn điều trị bị hạn chế.

Tỷ lệ sống sót sau 5 năm của bệnh nhân vẫn ở mức dưới 5% trong nhiều thập kỷ vì không có liệu pháp hiệu quả nào được xác định.

Nam Du (theo Daily Mail)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI