Thử nghiệm thành công da nuôi cấy trong phòng thí nghiệm - phép màu cho bệnh nhân bỏng

25/10/2024 - 11:46

PNO - Việc sử dụng da nuôi cấy trong phòng thí nghiệm trong điều trị bỏng đang dần trở thành hiện thực khi da nuôi cấy đã được sử dụng thành công trên một bệnh nhân người Úc trong lần thử nghiệm lâm sàng.

Người ta hy vọng những tiến bộ trong việc nuôi cấy da trong phòng thí nghiệm sẽ thay thế các thủ thuật ghép da đau đớn cho nạn nhân bỏng. Ảnh: HANDOUT/ALFRED HEATH
Các nhà nghiên cứu hy vọng những tiến bộ trong việc nuôi cấy da trong phòng thí nghiệm sẽ thay thế các thủ thuật ghép da đau đớn cho nạn nhân bỏng. Ảnh: HANDOUT/ALFRED HEATH

Thông thường, bệnh nhân bị bỏng nặng cần ghép da, bao gồm việc lấy da khỏe mạnh không bị cháy từ các bộ phận khác trên cơ thể, và sử dụng da này để che phủ các vùng bị tổn thương.

Nhưng trong thử nghiệm được thực hiện tại Bệnh viện Alfred, Úc thì vết bỏng nặng của một người đàn ông đã được điều trị bằng cách sử dụng da được nuôi cấy từ tế bào da của chính người này. Sau đó, da nhân tạo sẽ được cấy vào cơ thể bệnh nhân và vết thương bắt đầu lành lại trong vòng vài ngày.

Theo Phó Giáo sư Heather Cleland - bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ tái tạo tại Bệnh viện Alfred - các nhà khoa học hy vọng bước đột phá này sẽ thay thế quy trình ghép da gây đau đớn và cải thiện đáng kể kết quả điều trị cho bệnh nhân.

Bà cho biết khoảng một nửa số người sống sót sau bỏng đều bị đau hoặc tàn tật do sẹo hoặc nhiễm trùng. Tình trạng này thậm chí còn tồi tệ hơn do ghép da, vì thế, kỹ thuật mới này sẽ rất thiết thực và an toàn.

"Đây sẽ là phương pháp điều trị cứu sống một số người bị bỏng nặng, bỏng nhiều và không đủ da tự thân để phẫu thuật"- bà nói.

Phó giáo sư Heather Cleland và các đồng nghiệp của bà đã nghiên cứu về quy trình chăm sóc da trong một thập kỷ. HANDOUT/ALFRED HEATH
Phó giáo sư Heather Cleland và các đồng nghiệp của bà đã nghiên cứu về quy trình chăm sóc da trong một thập kỷ. Ảnh: HANDOUT/ALFRED HEATH

Phó Giáo sư Cleland cho biết đây là một quá trình cực kỳ phức tạp mà bà và các đồng nghiệp đã nghiên cứu trong một thập kỷ, bắt đầu ở các phòng thí nghiệm khác vào những năm 1970.

Người đàn ông tham gia thử nghiệm là bệnh nhân đầu tiên trong số 10 bệnh nhân đã và sẽ tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một, do bệnh viện Alfred Health và Đại học Monash tiến hành, được tài trợ bởi Quỹ nghiên cứu y khoa tương lai.

Phó giáo sư Cleland hài ​​lòng với kết quả và cho biết lớp da nuôi cấy trong phòng thí nghiệm đã bám chặt vào cơ thể bệnh nhân chỉ sau 5 ngày.

Cuộc thử nghiệm vẫn đang tiếp tục, vì các nhà khoa học chưa tuyển được 9 bệnh nhân còn lại. Bởi theo yêu cầu cuộc thử nghiệm thì người tham gia phải là người bị bỏng sâu, nghiêm trọng ở ít nhất 20% diện tích da, tương đương với toàn bộ chân.

Phó giáo sư Shiva Akbarzadeh của Đại học Monash cho biết phương pháp này cũng có thể làm giảm sẹo lâu dài, làm giảm đau, ngứa hoặc những triệu chứng khác.

"Bằng cách khai thác cơ chế chữa lành vết thương tự nhiên của cơ thể, chúng tôi hy vọng sẽ không còn nhiều sẹo ở bệnh nhân bỏng" - bà nói thêm.

Song song việc tập trung vào thử nghiệm, các nhà khoa học cũng đang nỗ lực mở rộng quy mô sản xuất da để có thể sử dụng cho nhiều bệnh nhân hơn, đồng thời điều chỉnh độ dày và sắc tố da.

Phó Giáo sư Cleland cho biết: "Chúng tôi có thể giúp mọi người sống sót tốt hơn nhiều, nhưng vẫn còn một chặng đường dài để giải quyết vấn đề về sẹo. Sản phẩm của chúng tôi có triển vọng rất lớn không chỉ là biện pháp cứu sống một nhóm nhỏ bệnh nhân bị bỏng nặng, mà còn cải thiện kết quả điều trị lâu dài cho họ".

Trọng Trí (theo Illawarramercury)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI