Thử lòng bạn đời

18/08/2021 - 10:57

PNO - Các bạn cứ thoải mái tiếp tục trò thử thách mang tính tấu hài là chủ yếu ấy đi, âu đó cũng là một trò giải trí giữa mùa dịch đầy căng thẳng.

Một người chồng tốt, với tôi bây giờ đơn giản là người biết ăn hết cơm vợ nấu, biết gom những sợi tóc rụng giữa sàn nhà.

Dịch giã, hội chị em cũng lắm trò. Hết bày nhau cách trồng hành, bảo quản ớt, lại lôi nhau ra hiến kế thử lòng các đấng mày râu.

Chả thế mà trưa nay cái Lam nằng nặc bảo tôi cùng tham gia một trò thử thách: “Bạn hãy nhắn tin cho chồng hoặc người yêu với nội dung: “Anh là người tuyệt vời nhất, em mãi mãi yêu anh”. Nhận tin nhắn trả lời xong thì chị em nhớ chụp lại màn hình rồi gửi nhanh vào hội để so sánh kết quả nhé”. Bạn nằn nì mãi, nhưng tôi không tham gia.

Mặc dầu cũng là người ham mê hóng chuyện, nhưng trong những trường hợp biết trước kết quả không có gì bất ngờ thì tôi sẽ “né”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Có lẽ, rồi tôi cũng như hàng chục chị em khác trên nhóm, sẽ nhận được những câu chốt hạ rất trần trụi và “đau lòng” từ ông chồng của mình mà thôi. Tôi sẽ chẳng dại dột nhắn mấy lời có cánh không đầu không cuối vô thưởng vô phạt ấy để rồi bị bảo là “em đang sốt cao à?”, hay “em hâm tỷ độ”… đại loại thế.

Từ khi giãn việc ở nhà đến nay, vợ chồng tôi đã trải qua khá nhiều lần thương lượng để được cùng nhau sống yên trong nhà. Tôi biết tâm trí ông xã khó lòng hào hứng với những trò đùa giỡn. Hiện tại, tôi nghe nhiều người nhắc đến cụm từ sống vui, sống khỏe mùa dịch, nhưng với chúng tôi thì phải là sống yên.

“Yên” chính là ổn, cũng đồng thời là vui. Mỗi người yên trí, bằng lòng và chấp nhận với thực tế nguồn thu nhập bị giảm sút, mọi chi tiêu trong gia đình đều phải tiết kiệm, bóp chặt.

“Yên” là trước tiên mỗi người hãy tìm cách để làm lắng dịu những nỗi lo sợ, hoang mang trong lòng khi phải không ngừng xoay xở kiếm tiền bằng những nghề tay trái.

“Yên” là biết cách dằn xuống những cơn khó chịu, những trận bực dọc khi phải chạm mặt, giám sát, dạy dỗ những đứa trẻ không đến trường, đang tuổi ăn, tuổi chơi, liên tục phá vỡ không gian yên tĩnh đến nỗi không chừa cho người lớn một phút nghỉ ngơi.

Có lẽ, ai buồn thì buồn, ai lo thì lo, bọn trẻ vẫn luôn hiếu động, khám phá, muốn bày trò để sống thật vui.

Nhớ có đợt, trong một lần cao hứng, tôi nói với chồng: “Hay là bọn mình cũng tạm thời sống như lũ trẻ đi, hãy khám phá, tìm niềm vui, bày trò trong chính không gian mình có, ban ngày hãy nói lời yêu thương, ban đêm hãy mơ những giấc mơ bay bổng…”.

Thế nhưng, chưa hết mạch truyện, chúng tôi đã vội ngừng. Chúng tôi biết, những giấc mơ đôi khi phải nhường chỗ cho sự sắp xếp để khớp với thực tế khó khăn, trí tưởng tượng có lúc cũng cần phải bị xẹp xuống cho những lo liệu phù hợp được trưởng thành. 

Giai đoạn này, với rất nhiều gia đình, ngoài vấn đề kinh tế eo hẹp thì việc tất cả thành viên tiếp xúc hằng ngày với nhau trong một môi trường khép kín rất dễ phát sinh những mâu thuẫn mà trước đó mọi người không dễ nhận ra. Bởi như ông bà đã nói, hầu hết chúng ta đều có thói quen “tốt khoe, xấu che”. 

Bất kỳ ai cũng muốn người kia nhìn thấy những ưu điểm của mình, còn mặt chưa tốt thì cố tình giấu biệt đi. Nhưng lúc rơi vào thế phải ở cạnh nhau liên tục thì những mặt ưu và nhược điểm sẽ rõ ra hơn bao giờ hết. Những lần khủng hoảng, “cạn lời” về nhau cũng từ đây mà xuất hiện. 

Với người lạc quan, đủ yêu thương và khéo xoay xở, họ có trăm phương ngàn cách để giữ cho sợi dây kết nối gia đình ổn định, không quá căng, cũng không quá chùng. Họ sẽ quan sát để nhận ra những ưu điểm của người bạn đời.

Họ sẽ tự soi chiếu và kiểm điểm để tiết chế những nhược điểm của bản thân. Ở nhà cùng nhau là dịp để họ hiểu hơn về các thành viên trong gia đình mình, từ đó tìm được những trải nghiệm mới mẻ và bài học quý giá. Như cách mà gia đình một người bạn của tôi ở Nha Trang đã đối xử với nhau.

Trong dịp cao điểm giãn cách xã hội, song song với việc tăng sức mạnh nội lực, nâng cao giá trị cho những chuyến đi vào sâu bên trong tâm hồn, vợ chồng bạn cùng đặt ra một vài yêu cầu “cấp thiết” để tránh những va chạm mang tính ngoại lực.

Bạn chia sẻ, vì chồng và các con hay vi phạm mấy lỗi lặt vặt trong cách sinh hoạt, ứng xử thường ngày nên bạn đã soạn ngay một tờ “sớ”, rồi dán vào cánh cửa phòng, yêu cầu mấy cha con phải cùng thực hiện các nội dung:

1. Mở ra thì đóng lại.

2. Rơi xuống thì nhặt lên.

3. Lấy ra thì cất vào.

4. Bật lên thì tắt đi.

5. Ngủ dậy thì dọn chỗ.

6. Đã hứa thì giữ lời.

Ngược lại, với bạn, ông xã cũng đính ngay vào bức tường gần tủ bếp một vài điều lệ:

1. Khó quá thì giúp nhau.

2. Mệt quá thì đi nằm.

3. Nói thẳng, không nói xiên.

4. Chồng, con - không đem so sánh.

5. Lỗi - phải, qua rồi thì thôi.

Từ cách đồng hành, hạn chế mâu thuẫn của gia đình bạn, tôi nhận ra, khi ở nhà cả ngày cùng nhau, cách phê bình, chỉ ra lỗi sai của nhau cũng rất cần sự tinh tế, ý nhị. Và, nếu đủ thương nhau, thì sẽ không có công việc nào là chỉ dành riêng cho chồng hoặc vợ nữa. Trong khi vợ dọn nhà thì chồng giám sát và dạy dỗ lũ trẻ.

Áo quần được vợ gom vào máy thì chồng sẽ phụ trách phơi chúng lên sau khi giặt xong. Nếu vợ đau đầu tính toán và chế biến bữa ăn thì ông chồng cần siêng năng rửa bát. 

Thế đấy, một người chồng tốt, với tôi bây giờ không phải là một người biết nói lời lãng mạn mà đơn giản là người biết ăn hết cơm vợ nấu, biết gom những sợi tóc rụng giữa sàn nhà. Vậy nên, tôi không cần thử lòng ổng nữa.

Các bạn cứ thoải mái tiếp tục trò thử thách mang tính tấu hài là chủ yếu ấy đi, âu đó cũng là một trò giải trí giữa mùa dịch đầy căng thẳng. 

Diệu Thông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI